+Aa-
    Zalo

    'Giải mã' lệnh cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ với Việt Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đề nghị phía Hoa Kỳ sớm dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương.

    Trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đề nghị phía Hoa Kỳ sớm dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Lệnh cấm vận này đã tồn tại lâu nay, nhưng không phải ai cũng biết rõ về nó.

    Năm 1984, Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách Quản lý buôn bán vũ khí quốc tế (ITAR), gồm các quốc gia bị Mỹ từ chối cấp phép bán trang thiết bị vũ khí và dịch vụ quốc phòng.

    Một công cụ giúp Mỹ thực hiện chính sách ngoại giao

    ITAR và Luật kiểm soát xuất khẩu vũ khí (AECA) là sản phẩm hình thành từ thời Chiến tranh Lạnh. Chúng ra đời trong năm 1976, với mục tiêu kiểm soát xuất khẩu vũ khí Mỹ sang các nước thuộc khối Đông Âu, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ và góp phần thực hiện các mục tiêu chính sách ngoại giao của nước này.

    ITAR và AECA kiểm soát toàn bộ hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu các mặt hàng và dịch vụ quốc phòng được nêu trong Danh sách trang thiết bị vũ khí, khí tài, đạn dược quân sự Hoa Kỳ (USML).

    Danh sách USML thay đổi thường xuyên theo thời gian và có một số mặt hàng sẽ được thêm hoặc rút khỏi danh sách sau những lần sửa đổi này.

    Venezuela từng tuyên bố sẽ bán lại các máy bay F-16 cho Iran, dù việc này không được phép diễn ra theo quy định của ITAR.

    Ví dụ như cho tới giai đoạn 1996 - 1997, ITAR vẫn xếp hoạt động mã hóa mạnh vào danh sách USML, xem nó như một dạng vũ khí và không được phép xuất khẩu.

    Theo quy định của ITAR, mọi nhà sản xuất, xuất khẩu và môi giới chào bán vũ khí, dịch vụ quốc phòng hoặc dữ liệu kỹ thuật, như được nêu trong USML, phải đăng ký hoạt động với Bộ Ngoại giao Mỹ.

    Hoạt động đăng ký nhằm cung cấp cho chính quyền Mỹ các thông tin cần thiết, về việc ai đang tham gia các hoạt động sản xuất và xuất khẩu nào.

    ITAR quản lý mọi hoạt động xuất khẩu vũ khí của Mỹ, vốn diễn ra dưới nhiều hình thức. Đó có thể là các vụ FMS (Bán vũ khí cho quân đội nước ngoài), với chính quyền Mỹ trực tiếp bán các mặt hàng có trong USML cho một chính quyền nước ngoài.

    Đó cũng có thể là hoạt động cấp giấy phép xuất khẩu, như DSP-5, vốn cho phép việc xuất khẩu tạm thời hoặc lâu dài các mặt hàng quốc phòng và/hoặc thông tin kỹ thuật tới cho một người nước ngoài.

    Nó quản lý cả Thỏa thuận hỗ trợ kỹ thuật, cho phép một nhà cung cấp dịch vụ/sản xuất ở Mỹ bán dịch vụ quốc phòng cho một người nước ngoài.

    Tương tự là Thỏa thuận cấp phép sản xuất, cho phép một nhà sản xuất Mỹ cung cấp các bí kíp về chế tạo liên quan tới hàng hóa quốc phòng, cho một người nước ngoài.

    Ngoài việc quản lý hoạt động xuất khẩu hàng quân sự, ITAR còn ngăn chặn hoạt động Chuyển giao lại (Xuất khẩu lại) trái phép các mặt hàng trong danh sách USML, do một người nước ngoài thực hiện, bán cho một người nước ngoài khác.

    Ví dụ quy định của ITAR cấm Venezuela bán lại máy bay F-16 cho Iran, sau khi nước này dọa thực hiện hành động trên trong năm 2006.

    Việt Nam sẽ mua linh kiện trực thăng, xe thiết giáp sau khi được dỡ bỏ cấm vận?

    Theo quy định của ITAR, một công dân Mỹ muốn xuất khẩu các mặt hàng có trong danh mục USML tới cho một người nước ngoài phải được sự cho phép từ Bộ Ngoại giao Mỹ, trước khi hoạt động diễn ra. Cá nhân, tổ chức nào vi phạm sẽ bị phạt rất nặng.

    Kể từ năm 1999, chính quyền Mỹ đã tăng mạnh hoạt động chống các tổ chức, cá nhân vi phạm ITAR. Nổi tiếng nhất là lần Mỹ phạt 100 triệu USD nhằm vào công ty ITT, do bán lại, khi chưa được cho phép, công nghệ kính nhìn đêm cho Trung Quốc vào năm 2007.

    Các nhà thầu Mỹ khác từng bị phạt do vi phạm ITAR gần đây còn có Lockheed Martin, Motorola, Boeing, L-3 Communications và Northrop Grumman. Trong phần lớn các trường hợp, những công ty vi phạm sẽ bị thanh tra, kiểm tra kỹ càng. Các trường hợp nghiêm trọng còn bị cấm xuất khẩu trong một thời gian.

    Trở lại trường hợp của Việt Nam, Mỹ đã không hề đưa Việt Nam ra khỏi ITAR, ngay cả khi đã chấm dứt cấm vận thương mại vào năm 1994.

    Phải tới tháng 4/2007, Bộ Ngoại giao Mỹ mới sửa ITAR để cho phép "cấp giấy phép trên từng trường hợp cụ thể, cho hoạt động xuất khẩu hoặc nhập khẩu các loại hàng hóa, trang thiết bị vũ khí và dịch vụ quốc phòng phi sát thương  tới hoặc xuất phát từ Việt Nam".

    Tới năm 2014, Bộ Ngoại giao Mỹ lại sửa ITAR thêm lần nữa và cho phép xem xét trên từng trường hợp cụ thể, việc xuất khẩu một số loại vũ khí sát thương sang Việt Nam.

    Với việc Mỹ từng bước nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào Việt Nam, giới phân tích đánh giá ưu tiên hàng đầu của Việt Nam sẽ là mua linh kiện cho những chiếc trực thăng Huey và xe bọc thép M113 mà chúng ta thu được nhiều sau chiến tranh.

    Theo TTXVN

    Xem thêm video:

    [mecloud]JKUf3vSIpL[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-ma-lenh-cam-van-vu-khi-sat-thuong-cua-my-voi-viet-nam-a105503.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.