Do ảnh hưởng bởi văn chương và phim ảnh, khi nhắc đến nàng tiên cá, người ta thường nghĩ ngay tới một sinh vật có nửa người trên giống hệt một cô gái đẹp, với làn da trắng và mái tóc bồng bềnh, còn nửa dưới là phần đuôi được bao bọc bởi lớp vảy lớn và có hình thù giống như đuôi cá. Nhưng phải chăng hình dung về nàng tiên cá trong trí tưởng tượng của chúng ta có nguồn gốc từ một hội chứng y khoa hiếm gặp?
Huyền thoại và đời thực
Theo Ancient Origins, nàng tiên cá có nguồn gốc từ thời Assyria cổ đại với truyền thuyết về nữ thần Atargatis, người mà sự thờ phụng đã lan truyền đến Hy Lạp và Rome. Một lần, vì vô tình giết chết người đàn ông nàng yêu, Atargatis quá hổ thẹn và tự biến mình thành sinh vật nửa người, nửa cá. Tuy nhiên dựa theo các dị bản khác, người ta cho rằng sự thờ phụng Atargatis (nữ thần sinh sản) và Ascalon (nữ thần có mình cá) cuối cùng đã nhập thành một, dẫn đến những thần thoại về một “nàng tiên cá - nữ thần”.
Trong lịch sử, nàng tiên cá thường được liên hệ với sự xuất hiện của các thiên tai, thảm họa trong văn hóa châu Âu, châu Phi và châu Á, bao gồm lũ lụt, bão, đắm tàu và chết đuối. Ở sử thi Odyssey, nhà thơ Hy Lạp cổ đại Homer gọi họ là các Siren, những người đã dụ dỗ các thủy thủ bằng giọng ca ngọt ngào và khiến họ phải bỏ mạng. Nàng tiên cá cũng xuất hiện trong một số bộ sử thi Hy Lạp khác, trên các tác phẩm điêu khắc Etruria và những bức phù điêu đặt trong lăng mộ La Mã.
"Nàng tiên cá nhỏ" Milagros Cerron khi mới chào đời và sau khi được phẫu thuật. Ảnh: Pinterest. |
Bên cạnh đó, nhiều ghi chép trong quá khứ cũng được coi là bằng chứng về sự tồn tại của nàng tiên cá. Nhà hàng hải nổi tiếng Christopher Columbus từng cho hay, ông đã nhìn thấy các nàng tiên cá trên chuyến đi của mình đến vùng biển Caribbean vào năm 1493. Trước đó, năm 1403 các ngư dân đã phát hiện một nàng tiên cá bị mắc kẹt trên bờ biển Eton, Hà Lan. Trong cuốn sách “Speculum Mundi” xuất bản năm 1635 của John Swan, "nàng” tỏ ra sớm hòa nhập với cuộc sống “trần gian”, thích mặc quần áo đẹp, thích dạo chơi trên phố, nghe các quý bà tâm sự, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ trò chuyện với ai. Vào năm 1738, một tấm hình đăng trên Nhật báo London cho thấy, một “mỹ nhân ngư” nhỏ bé được phát hiện trên bờ biển Hebrides. Song trái ngược với số phận của nàng tiên cá kể trên, “mỹ nhân ngư” đã bị ném đá tới chết do bị người ta tưởng nhầm là quái thai. Nhiều người tỏ ra nghi ngờ về tính xác thực của câu chuyện này song những người dân trong làng sẵn sàng thề độc để chứng minh chuyện hoàn toàn có thật.
Ngày 2/7/1991, tờ “United Daily News” của Singapore đưa tin, các nhà khoa học phát hiện ra hóa thạch tương đối hoàn chỉnh của mỹ nhân ngư đầu tiên trên thế giới tại bờ biển Nam Tư, chứng minh hóa thạch có từ 1.200 năm về trước cũng như sự tồn tại của người cá là có thật chứ không chỉ có trong truyện cổ tích. “Người cá bị chết vì mắc cạn, sau đó xác được đá bảo vệ và dần dần hóa thạch”, Tiến sĩ Aughni cho biết.
Dễ thấy, phát hiện nàng tiên cá chủ yếu chỉ được biết đến thông qua các câu chuyện kể lại hoặc bằng chứng gián tiếp nên ít người dám khẳng định nàng tiên cá là sinh vật có thật hay chỉ “sống” trong truyện cổ tích. Nhưng liệu hình dung về một nàng tiên cá trong trí tưởng tượng của chúng ta có nguồn gốc từ một hội chứng y khoa hiếm gặp?
Hội chứng nàng tiên cá
Sirenomelia, được đặt tên theo tiếng Hy Lạp thần thoại, và còn được gọi là “hội chứng nàng tiên cá”, là một dị tật bẩm sinh hiếm gặp và thường gây tử vong do hai chân bị dính lại với nhau; dẫn tới biến chứng liên quan đến sự phát triển cũng như chức năng của thận và bọng đái. Phần chân bất thường giống như một cái đuôi cá, dẫn đến một số câu hỏi liệu các trường hợp cổ xưa của hội chứng này có thể ảnh hưởng đến những truyền thuyết trong quá khứ hay không. Bởi như đã biết, lời kể về những con quái vật biển từng gieo rắc nỗi kinh hoàng với người đưa biển vốn bắt nguồn từ những lần chạm trán cá voi, mực khổng lồ và hải mã – những sinh vật hiếm khi được nhìn thấy và biết tới vào thời điểm đó.
Theo tờ MailOnline, nhà Sử học Lindsey Fitzharris ở đại học Oxford, và tác giả của trang blog The Chirurgeon's Apprentice, đã tìm kiếm tài liệu tham khảo từ các văn bản lịch sử, tuy nhiên, đề cập sớm nhất mà ông có thể tìm thấy là ở một tập bản đồ xuất bản năm 1891. Không có gợi ý nào về cách các học viên y khoa hiểu Sirenomelia trong những giai đoạn trước đó. Được biết, không có nhiều tư liệu lịch sử ghi chép về hội chứng người cá ngoại trừ 4 bào thai được trưng bày tại bảo tàng Quốc gia về Sức khỏe Y tế ở Washington D.C (Mỹ) và bảo tàng Giải phẫu ở Đại học Napoli (Italy).
Theo nghiên cứu của Giáo sư Frizt Harris từ đại học Oxford (Mỹ), hiện tượng này có thể xuất hiện từ lúc thai nhi đang ở trong bụng mẹ, bắt nguồn từ những tổn thương ở mạch máu trong tử cung. Tỷ lệ “nàng tiên cá” chào đời là 1/100.000.
Sirenomelia xảy ra khi dây rốn không thể hình thành hai động mạch, chỉ cung cấp đủ máu cho một chi. Đáng buồn thay, do dị tật niệu sinh dục và đường tiêu hóa nghiêm trọng, trẻ sơ sinh mắc phải hội chứng này hiếm khi tồn tại lâu hơn một vài ngày. Tuy nhiên, với các kỹ thuật phẫu thuật tiên tiến, hiện đã có một số trường hợp sống qua tuổi thiếu niên.
Một trong số rất ít người mắc hội chứng Sirenomelia nhưng may mắn sống sót là bé gái người Peru tên là Milagros Cerron, người được bạn bè và gia đình trìu mến gọi bằng biệt danh “Nàng tiên cá nhỏ”. Năm 2006, một nhóm các chuyên gia đã tách thành công đôi chân của em. Nhờ vậy, Milagros có thể tự đứng một mình và bước đi không cần người khác trợ giúp. Tuy nhiên sau đó, cô bé vẫn cần phải phẫu thuật liên tục để đẩy lùi các biến chứng liên quan đến thận, hệ thống tiêu hóa và sinh dục.
Một trường hợp kỳ diệu không kém là cô bé Shiloh Pepin tại Kennebunkport, Mỹ. Tờ Vnexpress dẫn theo ABC News, Shiloh sinh ra với đôi chân dính liền, không bàng quang, tử cung, hậu môn, âm đạo; chỉ có một phần tư quả thận và một bên buồng trứng. Bố mẹ Shiloh đã được thông báo về tình trạng bé gái trước khi em chào đời và nghĩ rằng Shiloh chỉ sống được vài tháng. Nhưng rồi, cô bé vẫn sống tiếp bất chấp thể trạng ốm yếu. Tổng cộng, Shiloh đã lên bàn mổ 150 lần, chủ yếu nhằm tái tạo hoặc bù lại các phần nội tạng bị thiếu. Cô bé qua đời năm 2009 vì viêm phổi.
Tính đến thời điểm hiện tại Tiffany York là “nàng tiên cá” sống lâu nhất trên thế giới. Cô gái sinh năm 1988 này đã được phẫu thuật tách chân ngay trước sinh nhật 1 tuổi của mình. Do xương chân yếu, nên Tiffany phải sử dụng nạng hoặc xe lăn. Cô đã qua đời vào tháng 2/2016 ở tuổi 27.
Có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được tình trạng bẩm sinh kể trên có thể ảnh hưởng đến những câu chuyện liêu trai về nàng tiên cá hay không. Chỉ biết rằng sự giống nhau giữa truyền thuyết và dị tật đã mang lại một hiệu ứng tích cực - Nó đã giúp những trẻ em mắc chứng Sirenomelia cảm thấy tự hào vì mình giống những sinh vật xinh đẹp hiện diện trong thần thoại cổ xưa.