+Aa-
    Zalo

    Giải mã cơ chế chống tái nghiện bằng phương pháp “đặc dị”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Với những người trót “dính” vào “cái chết trắng”, cuộc sống luôn là chuỗi ngày bi kịch với những nỗi đau thể xác và tinh thần.

    (ĐSPL) - Với những người trót “dính” vào “cái chết trắng”, cuộc sống luôn là chuỗi ngày bi kịch với những nỗi đau thể xác và tinh thần. Có người thậm chí đã chấp nhận quyên sinh để giải thoát, người thì năm lần bảy lượt vào trại cai nghiện để làm lại cuộc đời. Thế nhưng, việc thoát khỏi cơn ác mộng mang tên ma túy không chỉ đòi hỏi quyết tâm mà được. Con số 90\% người tái nghiện sau khi cai đã phần nào nói lên thực tế đó.

    Tác nhân tiềm ẩn và cơ chế tình cảm

    Số liệu công bố mới đây tại hội thảo Một số nghiên cứu mới trong phòng ngừa và chống tái nghiện ma túy do trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ phát triển tâm lý cho người nghiện ma túy (PSD) Sở KH và CN TP.Hà Nội phối hợp cùng tạp chí Trí thức và Phát triển tổ chức đã khiến dư luận giật mình.

    Theo đó, tại Việt Nam có 90\% người tái nghiện sau khi cai và số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý đã tăng gần 4 lần trong 20 năm, kể từ năm 1994 đến nay. Nhiều người, sau mỗi lần từ trung tâm cai nghiện ra, lại tiếp tục dấn sâu hơn vào con đường tội lỗi. Khát vọng hoàn lương, sự động viên của gia đình, bè bạn chưa đủ để kéo họ thoát ra khỏi “lưỡi hái tử thần” của ma túy. Nhiều người đã quyên sinh để mong thoát được những đọa đày của kiếp nhân sinh, nhiều người dũng cảm đương đầu nhưng phần nhiều thất bại. Cuộc sống của họ cứ chìm dần trong những cuồng quay của cơn thèm thuốc và lặng lẽ chấp nhận bản án mà “tử thần” đã chuẩn bị gạch tên.

    Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới đây của tập thể cán bộ PSD trong việc phòng và chống tái nghiện được kỳ vọng là mở ra một hướng mới trong công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam. Từ những trải nghiệm thực tế sau những năm tháng vật vã cai nghiện của người sáng lập PSD – ông Lê Trung Tuấn, phương pháp mới này hướng tới mục tiêu chống tái nghiện bền vững cho khoảng 60\% đối tượng nghiện.

    (bgiay)Giải mã cơ chế chống tái nghiện bằng phương pháp “đặc dị”

    Ông Lê Trung Tuấn trình bày phương pháp mới tại hội thảo.

    Trao đổi với PV, ông Lê Trung Tuấn chia sẻ: “Trong suốt hơn 12 năm qua, tôi luôn trăn trở làm sao để con người thoát khỏi ma túy? Con người liệu có đủ sức vượt thoát được những cám dỗ thể xác, vượt thoát được những ám ảnh ảo giác do ma túy mang lại? Bản thân tôi đã có những trải nghiệm đớn đau với những tháng ngày suy kiệt cả về thể chất lẫn tinh thần. Và giờ đây, khi đã đoạn tuyệt với ma túy, tôi muốn chia sẻ với những người cùng chung nỗi đau để hiện thực hóa khát vọng hoàn lương của họ. Sau những năm tháng miệt mài cùng các cộng sự, chúng tôi đã nghiên cứu và xây dựng được phương pháp chống tái nghiện bền vững cao mang tên Xóa bỏ sự lệ thuộc vào ma túy bằng ngôn ngữ tình cảm”.

    Theo ông Lê Trung Tuấn, mục đích của phương pháp này là tìm ra cơ chế nghiện và tái nghiện để tiến tới phục hồi những rối loạn, ổn định lại quá trình trao đổi chất của hệ thống chức năng và tự cân bằng mọi hành vi liên quan đến người nghiện ma túy. Bằng những bài tập đặc biệt, kết hợp sự hướng dẫn bằng ngôn ngữ tình cảm, người nghiện sẽ tìm được sự thoải mái, dễ chịu về thể chất và tâm lý. Họ sẽ được luyện tập để chuyển đổi các khuôn mẫu mang tính bệnh lý nhằm xóa bỏ sức hút ở những tác nhân tiềm ẩn, kích hoạt động cơ sử dụng lại ma túy của người nghiện. Dưới sự ảnh hưởng của các tác động bằng ngôn ngữ tình cảm, các khuôn mẫu chức năng mang tính bệnh lý được hình thành từ quá trình sử dụng chất ma túy sẽ được chuyển đổi và hình thành nên các khuôn mẫu tình cảm mới mang tính bền vững. Từ đó, người nghiện có thể “miễn nhiễm” với những yếu tố tác nhân có thể khiến họ tái nghiện.

    Có thể cai nghiện bền vững lên tới 60\%

    Đây là kết quả khảo sát mức độ nhận thức về ma túy và hành vi sử dụng ma túy trên gần 20.000 học viên tại 21 trung tâm chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội ở 10 tỉnh, thành phía Bắc của PSD. Nếu kỳ vọng vào 60\% người áp dụng phương pháp này sẽ thành công thì cánh cửa hy vọng mở ra là rất lớn.

    Thông tin này thực sự mang lại những hy vọng mới cho những cuộc đời tưởng như sẽ vĩnh viễn không thoát được cơn ác mộng ma túy. Anh Lương Minh Tuấn (SN 1977, từng làm việc tại phòng Tư pháp một huyện thuộc tỉnh Yên Bái) chia sẻ câu chuyện của mình với PV.

    Anh kể: “Tôi bắt đầu sử dụng ma túy từ năm 2001, khi đang là sinh viên trường đại học Luật Hà Nội. Ban đầu, vì sự rủ rê của bạn bè, sau dần, cuộc đời tôi cứ lún sâu vào vũng lầy tăm tối. Lúc cao điểm, tôi chi 1,5 triệu đồng/ngày để mua ma tuý sử dụng mới thoả mãn được cơn nghiện. Ma túy đã lấy đi của tôi tất cả: Tình yêu, gia đình, sự nghiệp... Đã có thời điểm, tôi tự tử để giải thoát nhưng không được.

    Trong suốt hơn 10 năm trời, ra vào các trung tâm cai nghiện không biết bao nhiêu lần để rồi hy vọng bao nhiêu thì lại thất vọng bấy nhiêu. Thời điểm đó, tôi cai ma tuý được lâu nhất là 15 ngày. Sau đó, tôi lại tiếp tục lao vào vòng tội lỗi. Tôi tìm đủ mọi cách để có tiền mua chất ma tuý sử dụng, từ trộm cắp của gia đình lẫn ngoài xã hội, tôi cũng từng bị công an bắt và có tiền án. Cuộc đời tưởng vĩnh viễn sẽ phải sống trong sự khinh rẻ của xã hội và sự kỳ thị của người đời. Thế nhưng, may mắn, tôi biết tới phương pháp của PSD và hiện nay, tôi đã rời xa ma túy được hơn hai năm rồi. Tôi đã tìm được ánh sáng cuộc đời từ những mảnh vỡ do chính mình gây ra”.

    Trường hợp của anh Nguyễn Thành Trung (xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) cũng vậy. Trong hành trình cai nghiện kéo dài suốt hơn 7 năm trời của mình, anh đã quá quen với chuyện cai nghiện rồi lại tái nghiện. Ra vào các trung tâm cai nghiện như cơm bữa, nhiều lúc muốn buông xuôi tất cả để tìm tới cái chết, anh Trung chia sẻ: “Gần chục năm trời đi cai nghiện, tôi những tưởng cứ mãi ngụp lặn trong cơn quay cuồng của ma túy. Quyết tâm lắm chứ, dằn vặt lắm chứ nhưng sau mỗi lần đi cai nghiện về, gặp đám bạn nghiện, tôi lại không thắng được bản thân. Nhiều lúc nghĩ, thà chết đi cho xong để nhẹ nợ cho gia đình và xã hội. Sau khi được điều trị bằng phương pháp mới hơn một năm nay, tôi không còn nghĩ tới ma túy nữa”.

    Phát biểu tại cuộc hội thảo, Thứ trưởng bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm tỏ ra rất đồng tình và ủng hộ. ông cho rằng, phương pháp này xuất phát từ cơ sở khoa học quốc tế, không dùng thuốc. Tuy nhiên, kết quả thực tế đến đâu còn phải chờ xem xét, công nhận của các nhà khoa học và tiếp tục thử nghiệm. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm chia sẻ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẵn sàng tạo điều kiện để PSD có thể đưa phương pháp này vào ứng dụng rộng rãi trong phạm vi toàn xã hội nếu nó thực sự hiệu quả.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-ma-co-che-chong-tai-nghien-bang-phuong-phap-dac-di-a72428.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan