Lâu nay, bà Lê Thị Huệ (SN 1959, ngụ ấp Tường Trí B, X. Tường Lộc, H. Tam Bình, T. Vĩnh Long) được bà con trong vùng gọi vui là “người canh giấc ngủ”.
Bà Huệ sống cô độc những năm qua trong ngôi nhà tồi tàn.
Bởi từ năm 33 tuổi, bà bỗng nhiên bị chứng mất ngủ một cách lạ thường. Cứ hễ nhắm lại, những hình ảnh kỳ quái lại hiện ra khiến bà vô cùng sợ hãi. Từ đó đến nay đã 22 năm, người phụ nữ này chỉ mong ước duy nhất là có một giấc ngủ bình thường như bao người khác nhưng chưa bao giờ thực hiện được.
“Ngày cũng như đêm”
Trao đổi với người viết về trường hợp bà Lê Thị Huệ, ông Lê Văn Hiền, Trưởng ấp Tường Trí B (X. Tường Lộc, H. Tam Bình, T. Vĩnh Long) cho biết: “Việc bà Huệ mắc bệnh mất ngủ đã 22 năm, mọi người trong ấp đều biết rất rõ. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này thì không ai rõ, nhưng tôi nghĩ, có thể là do bà ấy gặp áp lực lớn về tinh thần. Việc sống lẻ loi một mình lâu ngày cũng khiến bà ấy buồn chán, cô đơn và khó ngủ. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ cố gắng tạo điều kiện cho bà Huệ làm bảo hiểm y tế để có điều kiện đi thăm khám, chữa khỏi căn bệnh quái ác này”.
Căn bệnh mất ngủ kỳ lạ này không chỉ khiến sức khỏe bà Huệ giảm sút mà còn đẩy cuộc đời người đàn bà này vào bi kịch. Vì thấy bà tối ngày thức trắng, những người đàn ông ai cũng tránh xa. Vậy là khi đã gần bước sang tuổi 60, bà vẫn phải một mình sống thui thủi trong căn nhà lá nằm cuối con hẻm thuộc ấp Tường Trí B. “Thời trẻ, Huệ vốn là cô gái xinh đẹp nên được nhiều chàng trai để ý. Nhưng vì gia cảnh khó khăn, cô ấy quyết định gác lại chuyện tình cảm riêng tư để chăm lo cho mẹ. Đến khi ngoảnh lại thì tuổi xuân đã trôi qua lúc nào không hay, lại còn mắc thêm căn bệnh lạ nên không người đàn ông nào dám gắn bó. Thật đáng thương!”, anh Nguyễn Vũ Linh (SN 1971, một người hàng xóm của bà Huệ) cho biết.
Được biết, nhà bà Huệ vốn đông anh em. Khi cha mất, các anh bà lần lượt lập gia đình riêng nên chỉ còn bà ở với mẹ. Hai mẹ con quanh quẩn bên nhau, tuy nhà nghèo nhưng cảm thấy ấm cúng và hạnh phúc. Bà Huệ cho biết bắt đầu mất ngủ từ sau khi mẹ bà qua đời. Đó là vào những ngày cuối năm 1992, khi đó bà 33 tuổi. “Đó là quãng thời gian tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi, bởi mẹ - người tôi yêu quý nhất qua đời. Trong khi các bạn cùng trang lứa đều đã chồng con đề huề thì tôi vẫn một mình lẻ bóng. Những điều này làm tôi suy nghĩ rất nhiều và thường nằm trằn trọc đến rất khuya mới ngủ được. Rồi một đêm, không hiểu sao cứ nhắm mắt, tôi lại mơ thấy rất nhiều chuyện kỳ quái, khi thì thấy những bóng trắng bay lập lờ trước mắt, lúc lại thấy có người lạ mặt cứ đuổi theo mình… Tôi không dám ngủ nữa, thức trắng tới sáng luôn. Những đêm sau đó, tôi cũng gặp tình trạng tương tự nên không dám ngủ. Cứ như vậy ngày này qua ngày khác, tôi cũng không biết mình mắc bệnh mất ngủ từ lúc nào nữa…”, bà Huệ chia sẻ.
Những ngày đầu mắc bệnh, bà Huệ nghĩ do mình suy nghĩ quá nhiều khiến thần kinh căng thẳng rồi sinh ra ác mộng. Nhưng sự việc ngày càng kéo dài khiến bà vô cùng hoang mang, lo lắng. Vì lẽ đó, bà lặn lội đi khắp nơi tìm thầy giỏi, bài thuốc hay mong chữa được căn bệnh của mình. “Thời gian đó, cứ hễ nghe ở đâu có thầy thuốc giỏi, tôi lại tìm đến. Đầu tiên tôi dùng thuốc Nam của một vị lương y mãi tận vùng Bảy Núi (An Giang) nhưng dùng cả năm mà bệnh vẫn không hết. Sau đó nghe mọi người khuyên, tôi chuyển qua uống thuốc Bắc nhưng cũng vô tác dụng. Đặc biệt trong thời gian này, tôi không dám ăn đồ nóng, nhất là trà và cà phê, chỉ ăn các loại có thể giúp an thần nhưng cũng không hề hiệu quả. Cuối cùng, các cháu quyết định đưa tôi lên TP. HCM thăm khám ở bệnh viện”, bà Huệ nhớ lại.
Tại cơ sở y tế, bà Huệ được chẩn đoán bị suy nhược thần kinh và kê đơn thuốc điều trị. Nghe vậy, bà vô cùng vui mừng và hi vọng có thể trở về cuộc sống bình thường như trước. “Nhưng dù đã uống đủ các thứ thuốc an thần, bệnh tình của tôi vẫn không có tiến triển. Đã vậy khi uống quá nhiều thuốc an thần, tôi còn cảm thấy mệt mỏi hơn. Cũng vì thế, tôi đã bỏ dùng thuốc và chấp nhận sống chung với căn bệnh kỳ quái này”. Bị chứng mất ngủ, bà Huệ luôn thấy trong người rất khó chịu, mệt mỏi. Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, bà đã bị sụt tới 10kg và thường xuyên đau đầu. Nghe có người mách nước, bà lấy trái chanh xoa lên đầu, triệu chứng đau đầu cũng giảm bớt nhưng cứ tái đi tái lại. Thời gian gần đây, những cơn đau xuất hiện nhiều hơn khiến sức khỏe bà giảm sút nghiêm trọng, khả năng lao động cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.
Chứng mất ngủ không chỉ làm suy giảm thể chất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống tinh thần của bà Huệ. Vì cả ngày lẫn đêm đều lọ mọ hoạt động nên nhiều người đồn rằng bà Huệ là kẻ lập dị. Nhiều người ác miệng còn nói bà bị “quả báo” do tiền kiếp làm chuyện xấu xa. Không ngày nào, bà không thôi suy nghĩ về căn bệnh lạ mình mắc phải, khiến cuộc sống ngày càng mệt mỏi, ngột ngạt hơn. Cũng bởi những lời đồn đoán kia mà từ khi mắc bệnh, không có người đàn ông nào dám “bén mảng” đến gần bà. “Hàng đêm, tôi chỉ biết đi tới đi lui mong cho trời nhanh sáng. Ban ngày, tôi thỉnh thoảng cũng thử chợp mắt nhưng vẫn không sao ngủ được. Nhiều người mong được thức còn tôi chỉ ước có một đêm ngủ ngon giấc. Nhưng xem ra, ước mong này sẽ mãi mãi không trở thành hiện thực. Đã 22 năm trôi qua và chắc chắn còn lâu nữa. Tôi không biết mình còn có thể chịu đựng được bao lâu nữa. Đã có lúc, tôi chỉ muốn tìm đến cái chết để thoát khỏi cuộc sống mệt mỏi này nhưng cũng không dễ gì…”, bà Huệ chua chát nói về căn bệnh quái lạ của mình.
Ông Nguyễn Phú Lâm, Chủ tịch Hội Đông y huyện Mang Thít trao đổi với PV về căn bệnh của bà Huệ.
Có thể do bị trầm cảm nặng
Trao đổi với phóng viên về tình trạng mất ngủ suốt 22 năm nay của bà Lê Thị Huệ, ông Nguyễn Phú Lâm, Chủ tịch Hội Đông y huyện Mang Thít (Vĩnh Long) cho biết: “Đông y gọi mất ngủ là bất mị hay thất miên. Mất ngủ là trạng thái rối loạn giấc ngủ thể hiện ở ban đêm không ngủ được hoặc thiếu ngủ. Có thể mất ngủ lúc mới vào giấc ngủ, nằm trằn trọc mãi không ngủ được; mất ngủ vào giữa giấc ngủ nghĩa là đang ngủ đêm tỉnh dậy không ngủ lại được; mất ngủ vào cuối giấc ngủ, người bệnh dậy quá sớm không ngủ lại được. Còn trường hợp của bà Huệ là rất đặc biệt, đây có thể là một dạng của mất ngủ mạn tính. Trong Đông y có rất nhiều bài thuốc có thể chữa bệnh mất ngủ nhưng tùy vào từng trường hợp để có bài thuốc chuyên biệt. Chính vì vậy, bà Huệ nên tìm tới các trung tâm, Hội Đông y thăm khám để tìm ra bài thuốc hiệu quả nhất cho mình”.
Còn theo Bác sỹ Đàm Xuân Tùng, Phó khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ thì có khả năng, bà Huệ bị mất ngủ là do bị trầm cảm nặng. “Do bà Huệ ngay từ đầu đã không điều trị dứt điểm nên bị nhờn thuốc. Mất ngủ mạn tính cộng thêm tình trạng bị lờn thuốc khiến việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn”, bác sỹ Tùng cho biết. Cũng theo bác sỹ Tùng, giấc ngủ có vai trò quan trọng, giúp cho hệ thống thần kinh hoạt động tốt. Mất ngủ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống miễn dịch. Nếu mất ngủ ít thì ban ngày dễ buồn ngủ và không thể tập trung, dẫn đến những rắc rối trí nhớ, cử động vụng về và giảm khả năng tính toán. Nếu mất ngủ nhiều có thể bị ảo giác và thay đổi tính tình.
“Mẹ qua đời là một cú sốc tâm lý rất lớn của bà Huệ. Cộng thêm sự cô đơn, trống trải, không có người quan tâm, sẻ chia khiến bà bị stress và mất ngủ tạm thời. Nhưng do không giải tỏa được tâm lý, chạy chữa sớm khiến tình trạng rối loạn giấc ngủ kéo dài. Một sai lầm nữa là lúc đầu khi mất ngủ, bà Huệ tự chạy chữa theo kinh nghiệm, không đúng phương pháp nên bệnh mất ngủ chuyển sang mãn tính và nhờn thuốc. Để có thể chấm dứt bệnh này, bà Huệ cần nhanh chóng đi thăm khám tại các bệnh viện uy tín để các bác sĩ chuyên khoa có thể giúp bà điều trị. Đặc biệt, bà cần phải tự giải tỏa tâm lý bằng cách tích cực giao lưu, vui chơi cùng mọi người, làm các công việc nhẹ nhàng phù hợp với sức khỏe… Khi tinh thần thoải mái thì việc tìm lại giấc ngủ cũng không phải là chuyện khó khăn.