Younis đã từng bị gả cho một ông lão 78 tuổi năm lên 9. Em chỉ là một trong số hàng trăm bé gái trong xã hội đầy những cặp vợ chồng ông-cháu tại Kenya.
"Khi tôi mới 9 tuổi, cha bắt tôi phải cưới một ông già 78 tuổi. Ông ta nói với tôi rằng tôi sẽ là vợ của ông ấy, nhưng tôi muốn đi học, tôi nói rằng tôi không muốn trở thành vợ của ông ta. Thế là tôi bị đuổi ra khỏi nhà"
Đó là Younis, một cô bé chỉ mới 13 tuổi, nói về quá khứ tồi tệ 4 năm trước của mình trong nước mắt. Cô bé chỉ là một trường hợp trong hàng trăm bé gái tộc người Samburu, Kenya phải tuân theo hủ tục tảo hôn và cắt bỏ bộ phận sinh dục vẫn đang tồn tại ở một số bộ lạc nước này. Cùng với vài bé gái khác, Younis đã dũng cảm đứng lên chống lại hủ tục man rợ đang hành hạ nữ giới tại quốc gia Châu Phi với sự trợ giúp của "mẹ Kulea".
Younis, bé gái từng bị gả cho gã đàn ông bằng tuổi ông mình năm 9 tuổi. |
Khi bị gã đàn ông đáng tuổi ông mình xua đuổi khỏi nhà do dám chống lại yêu cầu trở thành người vợ thứ 3 của hắn. Younis trên đôi chân trần đã đi bộ hàng chục km đến Maralai và gặp được cô Josephine Kulea, người đứng đầu tổ chức Các cô gái Samburu do chính cô sáng lập. Cô bé đã được Kulea đưa về cùng 8 bé gái khác có hoàn cảnh tương tự, tới mái nhà chung cùng 200 em gái khác do người phụ nữ tốt bụng cứu giúp. Đối với hàng trăm đứa trẻ Samburu tội nghiệp, Josephine Kulea đã trở thành người mẹ thứ hai của chúng, sau khi bị chính gia đình mình từ bỏ.
Kulea chia sẻ rằng mình đã phải chiến đấu với hủ tục man rợ này đã được một thời gian dài, từ khi cô chỉ mới là một cô gái nhỏ tuổi. Có điều kiện được đi học đầy đủ, tốt nghiệp một khóa y tá ở một tỉnh khác tại Kenya, Josephine Kulea bàng hoàng nhận ra rằng, chỉ có bộ lạc Samburu của cô là vẫn duy trì tục cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ. Cảm thấy đây là một điều sai trái và tổn hại đến nữ giới, Kulea muốn tạo một sự khác biệt và bắt đầu công cuộc cứu giúp các bé gái từ năm 2011. Những cô gái đầu tiên được Kulea giải cứu chính là hai em họ của cô, một em 10 tuổi và một em gái 7 tuổi bị bố mẹ gả đi để đổi lấy một con bò.
"Lớn lên ở cộng đồng này, người ta nhìn vào tôi mà nói rằng tôi phải giống họ và không được chống lại họ. Đó là một nguy cơ đối với tôi nhưng vẫn phải liều thôi", Josephine chia sẻ.
Chân dung nhà sáng lập tổ chức Các cô gái Samburu Josephine Kulea. |
Thông thường một bé gái người Samburu sẽ bị hiếp dâm bởi nam giới cùng tộc ngay từ khi còn nhỏ, mỗi lần "hành sự" xong, các em sẽ được xâu một viên ngọc, càng nhiều ngọc chứng tỏ bé gái càng đắt giá. Khi đến độ tuổi kết hôn, các bé gái sẽ bị gả cho người thuộc tộc khác. Nếu trước khi kết hôn bé gái bị phát hiện mang bầu, em sẽ bị yêu cầu phá thai, và nếu bé gái vẫn ngoan cố sinh con, cả hai mẹ con sẽ bị cộng đồng xua đuổi, xa lánh.
Đến thời điểm này, Tổ chức Các cô gái Samburu đã lớn mạnh hơn nhiều, Kulea cũng nhận được nhiều yêu cầu trợ giúp hơn từ những người phụ nữ ở các khu làng dọc theo khu vực bộ lạc Samburu. Cô tiếp cận những địa điểm này bằng các chương trình radio, làm việc với hệ thống pháp luật địa phương mặc cho nhiều nguy hiểm đến từ sự phản đối của nam giới trong bộ lạc. Năm 2013, nước Mỹ vinh danh Josephine Kulea nhằm tôn vinh những nỗ lực mà cô đã bỏ ra để giải cứu phụ nữ bộ lạc Samburu. Trong thời điểm ấy, 11 em gái mà Kulea cứu giúp đang mang bầu và bị buộc phải phá thai, tuy nhiên với sự giúp đỡ từ "mẹ hai Kulea", các em đã hạ sinh suôn sẻ, mẹ tròn con vuông.
"Để có được sự thay đổi, phải có một sự bắt đầu, và đây là sự bắt đầu", Kulea phát biểu.
Josephine Kulea trở thành người mẹ thứ hai của hàng trăm cô gái Samburu trẻ. |
Theo Trí thức trẻ
Xem thêm video:
[mecloud]EuJ0bZB0ts[/mecloud]