(ĐSPL) - Với niềm tin rằng giá vàng có thể sẽ tăng thêm vào những ngày tới, nhiều nhà đầu tư trong nước đã dồn vốn về kênh này để đón đầu xu thế tăng giá. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những người "nhảy" vào vàng ở ngưỡng cao hiện nay có nguy cơ lỗ.
Đẩy mạnh mua vàng
Sáng 1/7, giá vàng miếng SJC niêm yết tại CTCP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tại 2 khu vực Hồ Chí Minh, Đà Nẵng ở cùng mức giá 35,09 – 35,34 triệu đồng/lượng, tăng gần 140 ngàn đồng/lượng so với phiên giao dịch đầu giờ ngày hôm qua. Tại thị trường Hà Nội, giá vàng miếng SJC đang được niêm yết tại công ty PNJ ở mức giá 35,25 – 35,35 triệu đồng/lượng.
Công ty VBĐQ SJC niêm yết giá vàng miếng ở mức 35,05 – 35,40 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 180 nghìn đồng/lượng so với phiên giao dịch cuối ngày hôm qua. Tập đoàn VBĐQ DOJI niêm yết ở mức 35,24 – 35,40 triệu đồng/lượng.
So với đầu tháng trước, giá vàng hiện đang cao hơn khoảng 2 triệu đồng mỗi lượng. Không bỏ lỡ con sóng lớn, nhiều nhà đầu tư trong nước đã dồn vốn về kênh này để đón đầu xu thế tăng giá.
Theo con số Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji đưa ra gần đây, số lượng người bán vàng chiếm 70\% lượng giao dịch so với tỷ lệ 80\% trước đó. Ở các đơn vị kinh doanh khác, lượng mua vàng trên thị trường chiếm 1/3 so với lượng vàng mà các đơn vị bán ra. Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ cho biết, giao dịch vàng miếng trong những ngày gần đây đã sôi động hơn thời điểm đầu tháng 6, tăng khoảng 20 - 30\%.
So với đầu tháng trước, giá vàng hiện đang cao hơn khoảng 2 triệu đồng mỗi lượng. Không bỏ lỡ con sóng lớn, nhiều nhà đầu tư trong nước đã dồn vốn về kênh này để đón đầu xu thế tăng giá. (Ảnh minh họa). |
Tin tức trên báo Tuổi trẻ, những ngày gần đây nhu cầu vàng có tăng lên nhưng nhu cầu này không xuất phát từ người dân mà từ đơn vị xuất khẩu.
Ở đợt biến động giá lần này, giá vàng trong nước bám khá sát đà tăng của giá vàng thế giới. Trước đó khi giá vàng thế giới tăng mạnh, giá vàng trong nước thường bị tụt lại do lực mua yếu. Liệu điều này có phải nhu cầu mua vàng từ người dân đã quay trở lại?
Theo giám đốc một công ty vàng tại quận 1 (TPHCM), đúng là những ngày gần đây nhu cầu vàng có tăng lên nhưng nhu cầu này không xuất phát từ người dân mà từ đơn vị xuất khẩu.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá bán vàng trong nước đang thấp hơn 230.000 đồng/lượng nhưng ở chiều mua vào, giá vàng trong nước đang thấp hơn đến 550.000 đồng/lượng. Mức chênh lệch này quá hấp dẫn cho hoạt động xuất khẩu.
Theo vị giám đốc này, do chênh lệch hấp dẫn như vậy nên không chỉ giới kinh doanh mà các doanh nghiệp vàng thời gian qua cũng đẩy mạnh mua vàng để xuất khẩu dưới dạng nữ trang thu lợi nhuận.
Chính lực mua từ các doanh nghiệp này khiến giá vàng trong nước bám khá sát giá vàng thế giới. Cộng thêm sự kiện Anh rời Liên minh Châu Âu (EU) khiến giá vàng tăng vọt, người dân đẩy mạnh bán vàng khiến thị trường trong nước sôi động cả chiều mua lẫn chiều bán.
Một dấu hiệu khác cho thấy vàng trong nước đang “chảy” đi là giá USD trong nước khá bình ổn, thậm chí đi xuống. Hiện giá bán USD tại các ngân hàng ở mức 22.340 đồng/USD.
Cẩn thận "bẫy" giá vàng
Báo Thanh niên đưa tin, sở dĩ có nhiều người lao vào vàng vì một số tổ chức kinh doanh vàng thế giới dự báo giá vàng sẽ vượt qua 1.400 USD/ounce trong thời gian tới. TS Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng giá vàng hoàn toàn có thể đạt được mức này và lên 1.440 USD/ounce, tương đương với giá trong nước ở vào khoảng 38,5 - 39 triệu đồng/lượng (USD ở mức 22.350 đồng/USD). Mặc dù vậy theo ông Tín, mức giá hiện nay không phải là thời điểm để mua vàng. Sau cú sốc Brexit, thị trường vàng đang dần ổn định trở lại.
Trong tuần này, một số thông tin từ kinh tế Mỹ tốt lên, vốn chảy vào USD sẽ khiến cho giá vàng "thủng" mức 1.300 USD/ounce về 1.270 - 1.280 USD/ounce. Những người "nhảy" vào vàng ở ngưỡng cao hiện nay có nguy cơ lỗ.
Ông Dương Anh Vũ, Trưởng phòng Phân tích Công ty CP đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB) thì cho rằng: "Giá vàng thế giới khó đạt 1.400 - 1.440 USD/ounce trong năm nay nên giá vàng trong nước không có khả năng chạm đến 38,5 - 39 triệu đồng/lượng. Trong thời gian tới, nếu giá vàng thế giới không thể giữ vững trên 1.340 USD/ounce thì khả năng mất giá rất lớn. Không loại trừ khả năng sẽ trở lại xu hướng giảm”.
Cũng cho rằng đầu tư vào vàng lúc này quá rủi ro, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, giá vàng sẽ còn nhiều biến động trong thời gian ngắn sắp tới. Việc nước Anh rời Liên minh châu Âu sẽ khiến hai bên đều "thua", kinh tế sẽ bị tác động theo chiều hướng tiêu cực. Tình trạng này khiến nhà đầu tư có tâm lý tăng cường giữ vàng và sẽ càng thúc đẩy giá vàng có xu hướng đi lên trong ngắn và trung hạn.
“Nhưng nhà đầu tư không nên kỳ vọng là vàng sẽ tăng giá liên tục, mà sẽ có quãng ngừng hoặc rớt giá. Khi "cá mập" (những người nắm giữ vàng nhiều) bán ra chốt lời, “cá bé” thoát ra không kịp sẽ lỗ lớn. Vì vậy, đổ tiền vào vàng trong thời gian này cũng cực kỳ rủi ro, nhất là khi sóng vàng đã lên khá cao so với thời điểm đầu năm”, ông Hiếu nói.
Còn ông Dương Anh Vũ nhận xét, nhà đầu tư cần thận trọng với khả năng giá vàng giảm dưới 1.300 USD/ounce và duy trì quanh mức này. Do đó việc mua vàng với mục đích đầu cơ lướt sóng cần hạn chế, nhất là trong bối cảnh tâm điểm chú ý sẽ sớm trở về với USD trong ngắn hạn.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty kinh doanh nữ trang New Partners Jewelry nhận định: “Khả năng sinh lời từ vàng ở mức trên 35 triệu đồng/lượng là khó khi chênh lệch giữa giá mua và bán của vàng vẫn duy trì ở mức cao, có khi lên đến 500.000 đồng/lượng. Hơn nữa giá vàng đang ở mức cao từ 1 năm trở lại đây, đó là chưa kể đến việc biến động của giá trong nước không theo kịp giá thế giới”.
Lịch sử giá vàng ghi nhận mức giá 49 triệu đồng/lượng vào năm 2010, nhiều năm sau đó đã liên tục sụt giảm về mức thấp, mức giá 32 triệu đồng/lượng đã xuất hiện trong năm 2016. Nhiều người, doanh nghiệp lỗ nặng, phá sản vì đầu cơ vàng. Đó là bài học mà người mua vàng luôn phải khắc cốt ghi tâm để không bị sóng vàng đánh bay tài sản của mình.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin