(ĐSPL) - Giá vàng hôm nay 13/8, lúc 9h30' sáng, giá vàng SJC được điều chỉnh giảm 80.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua và bán so với phiên sáng qua.
Cụ thể, giá vàng SJC tại TP HCM được Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết ở mức 36,36 triệu đồng/lượng (mua vào), 36,63 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 70.000 đồng/lượng ở chiều mua và 60.000 đồng/lượng ở chiều bán so với phiên sáng qua.
Tại thị trường Hà Nội, tập đoàn DOJI cũng điều chỉnh giá mua – bán vàng miếng SJC là 36,50– 36,57 triệu đồng/lượng, giảm 80.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua và bán so với phiên sáng qua.
Mức chênh lệch mua - bán vàng tại Hà Nội là 70.000 đồng/lượng và TP HCM ở mức 270.000 đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng thế giới tiếp tục giảm và đánh dấu tuần giảm thứ 4 liên tiếp trong năm. Các kim loại quý chủ yếu tăng trong các phiên giao dịch sau khi công bố dữ liệu kinh tế đáng thật vọng từ Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, giá vàng đang giao dịch quanh mức 1.350 USD/ounce.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 7 không đổi sau khi tăng 0,8\% trong tháng 6 khi người Mỹ cắt giảm chi tiêu đối với hàng tiêu dùng không thiết yếu.
Giá vàng trong nước hôm nay 13/8 cùng đà giảm với giá vàng thế giới. (Ảnh minh họa). |
Giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex giảm 6,8 USD, tương đương 0,5\% và kết thúc tại 1.343.20 USD/ounce. Tuần này, giá vàng thế giới giảm khoảng 0,09\%, theo số liệu của FactSet. Còn giá vàng hôm nay trên sàn Kitco thời điểm 6h30 sáng (theo giờ Việt Nam) đang đứng tại 1.335,70 USD/ounce.
Trong khi, USD giảm 0,6\% so với các đồng tiền chủ chốt trong giỏ tiền tệ sau khi số liệu doanh số bán lẻ tháng 7 khiến giới đầu tư giảm tỷ lệ đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất, tuy nhiên đà giảm của đồng bạc xanh chững lại vào cuối phiên và giảm 0,2\%.
Tỷ lệ dự đoán Fed nâng lãi suất trong phiên họp tháng 12/2016 hiện đạt 43\%, giảm so với 47\% trước khi số liệu bán lẻ được công bố, theo số liệu của CME Group. Giới đầu tư đang chờ biên bản họp chính sách tháng 7 của Fed, công bố vào ngày 17/8.
Theo số liệu từ Hội đồng vàng thế giới (WGC), năm 2015 Trung Quốc là nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới với 981,5 tấn. Ấn Độ đứng thứ hai với 864,3 tấn. Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng cầu vàng toàn cầu đạt 2.335 tấn.
Cũng theo số liệu của WGC, tính tới ngày 11/8, tổng nhu cầu vàng toàn cầu trong quý II/2016 đạt 1.050 tấn, tăng 15\% so với cùng kỳ năm 2015. Mức tăng trưởng này được giải thích là do tác động từ cú sốc Anh rời EU (Brexit) khiến giới đầu tư đổ tiền vào tài sản đảm bảo như vàng.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu phiên 12/8 lập đỉnh 3 tuần, một ngày sau khi Arab Saudi tuyên bố sẽ hợp tác với các nước sản xuất khác để ổn định giá dầu.
Song song với diễn biến của giá vàng, các kim loại quý khác cũng đồng loạt “rơi tự do”. Bạc giao tháng 9 cũng giảm 31,7 cent, tương đương 1,6\% xuống còn 19,703 USD/ounce, giảm 0,6\% trong tuần. Palladium tháng 9 giảm 1 USD, tương đương 0,1\% và kết thúc tại 690,80 USD/ounce, giảm 0,8\% trong tuần qua. Bạch kim tháng 10 cũng mất 27,4 USD, tương đương 2,4\% xuống 1.129,30 USD/ounce, giảm 1,9\% trong tuần. Còn đồng giao tháng 9 giảm 5,1 cent, tương đương 2,3\% xuống mức 2,14 USD/pound.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin