(ĐSPL) - Giá USD tăng kịch trần và chưa có dấu hiệu dừng lại. Vậy có nên mua USD để "đầu cơ"?.
Trong khi giá vàng không ổn định thì giá USD trong ngân hàng (NH) tiếp tục tăng chóng mặt, chạm mốc 21.700 VND/USD. Trên thị trường tự do USD tăng vọt lên suýt soát ngưỡng 21.800 VND/USD.
Đến 17h chiều 6/5, mỗi USD bán ra tại các điểm thu đổi ở Hà Nội là 21.690 đồng, tăng khoảng 10 đồng so với sáng. Giá mua vào dao động 21.660 đồng. Tỷ giá tại thị trường TP HCM cao hơn Hà Nội vài chục đồng, dao động quanh 21.670-21.730 đồng, cao hơn hôm qua 30 đồng. Chủ một điểm thu đổi ngoại tệ trên đường Lê Lợi (quận I) cho biết, giao dịch hôm nay tăng so với mấy ngày trước đó.
Diễn biến tăng giá của USD trong các ngân hàng bắt đầu từ 4/5 - ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ. Từ mức bán ra dao động quanh 21.630 đồng, các ngân hàng đã tăng 20 đồng lên 21.650 đồng. Sang ngày 5/5, mỗi đôla Mỹ vọt lên 21.670 đồng và đến hôm nay thì kịch trần 21.673 đồng (trừ Vietcombank giữ giá 21.670 đồng). Mức thu mua cũng được đa số nhà băng nâng lên sát 21.630 đồng đổi một USD. Như vậy, chỉ sau ba ngày, mỗi USD đã tăng 43 đồng và cao hơn đầu năm 268 đồng.
Giá USD trong ngân hàng (NH) tiếp tục tăng chóng mặt. |
Một lãnh đạo ngân hàng cổ phần cũng cho biết, diễn biến cung cầu trong hai ngày nay có phần căng thẳng. "Nhu cầu mua USD từ khách có tăng hơn nên chúng tôi buộc phải điều chỉnh giá lên kịch trần", vị này giải thích.
Ngoài ra, trên thị trường gần đây việc xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi như con số nhập siêu trong 4 tháng đầu năm gần 3 tỷ USD, bằng 6\% tổng kim ngạch xuất khẩu (cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra 5\%). Ngân hàng Nhà nước đang được chỉ đạo nghiên cứu dùng dự trữ ngoại hối để cho vay ngân sách. Tiếp đó là thông tin Vietcombank đầu tư trái phiếu trị giá tới một tỷ USD tại thị trường nội địa.
Sức ép lên tỷ giá còn đến từ nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước của doanh nghiệp nước ngoài, sự thu hẹp chênh lệch lãi suất bằng VND với lãi suất bằng USD, sự tăng giá USD toàn cầu có khuynh hướng chuyển tài sản đầu tư sang đôla Mỹ...
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Trạng thái tỉ giá hiện nay là bất thường, không thể loại trừ nguyên nhân đang bị làm giá. Với tình trạng tín dụng không khả quan cùng sức ép doanh thu, lợi nhuận để bù đắp trích lập dự phòng rủi ro, rất có thể dòng tiền đang được đổ vào USD nhằm tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, cơ quan này có yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn báo cáo tình hình và nhu cầu ngoại tệ thực tế nhưng không thấy đơn vị nào kêu khó về nguồn cung. "Hiện tại, cung cầu ngoại tệ của các nhà băng vẫn bình thường và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng. Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi sát diễn biến thị trường, nếu cần thiết sẽ có biện pháp can thiệp", ông Minh nhấn mạnh.
Theo nhận định của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), giá USD danh nghĩa cả năm sẽ tăng hết dư địa 2\% mà Ngân hàng Nhà nước đã vạch ra từ đầu năm dưới các áp lực hiện có. Tuy nhiên, Việt Nam đang bước vào một chu kỳ chính trị mới, tính ổn định vĩ mô được ưu tiên và sẽ không có những điều chỉnh đột ngột cho đến cuối năm.
Báo cáo này nhìn nhận khả năng kiểm soát tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước với lượng dự trữ ngoại hối hiện có (được đưa ra ở mức 36,7 tỷ USD ) và cán cân thanh toán vẫn thặng dư nên nếu điều chỉnh thì sẽ rơi vào cuối quý IV/2015. Ngoài ra, theo VEPR, quyết định lùi thời điểm tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), qua đó làm giảm mức tăng giá của USD trên toàn cầu, cũng phần nào ảnh hưởng nhất định đến quyết định giữ tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Giá USD tăng nhưng nhiều người vẫn đến các cửa hàng vàng để mua vào. (Ảnh: HNM). |
Giá USD tăng không ngừng khiến nhiều nhà đầu tư quay sang mua USD thay vì rót vốn vào vàng, chứng khoán, hay bất động sản. Với suy nghĩ giá USD sẽ tiếp tục tăng nên các nhà đầu tư đổ xô đi mua USD, chờ giá tiếp tục tăng để bán kiếm lời. Bởi vậy, tại các điểm giao dịch ngoại tệ trên phố Hà Trung, Hà Nội, lượng người đến mua USD tăng mạnh. Trong khi đồng USD tăng giá thì giá EUR trên thị trường thế giới vẫn ở mức thấp kỷ lục so với đồng USD, cùng với đó, vàng cũng mất đi vị thế là nơi gửi gắm "niềm tin" của giới đầu tư thế giới.
Thông tin trên báo Hà Nội Mới, theo giới chuyên gia, nếu nhà đầu tư toàn cầu lựa chọn USD thì không có lý do gì nhà đầu tư trong nước không lựa chọn đầu tư vào đồng tiền này. Nhưng, nhà đầu tư trong nước không nên quá tin tưởng, chạy theo xu hướng thế giới, vì ngoài USD, thị trường chứng khoán hay bất động sản đang mở ra nhiều cơ hội. Giá USD đã có một đợt sóng khá dài, nhưng cho đến hết ngày 6/5 vẫn chưa thấy động thái gì từ phía NHNN về việc có hay không điều chỉnh tỷ giá. Theo giới chuyên gia, USD tăng giá chưa tác động nhiều đến các DN, bởi giá USD chưa đạt "mức trần" của NHNN và vẫn trong tính toán của DN. Nếu điều chỉnh tỷ giá thời điểm này có thể sẽ có lợi cho xuất khẩu, nhưng sẽ tác động không tích cực tới nhập khẩu, bởi vậy, trước khi điều chỉnh tỷ giá, NHNN sẽ phải tính đến bài toán cân đối giữa DN nhập khẩu và xuất khẩu. Liệu NHNN có giữ được "lời hứa" về việc điều chỉnh tỷ giá khi đã nới tỷ giá 1\% trong khi dự báo biên độ nới tỷ giá năm 2015 chỉ là 2\%?
Đầu tư vào vàng khá "bấp bênh" bởi giá trong nước quá cao so với thế giới, còn với USD, nhà đầu tư cũng lo ngại bởi chưa biết NHNN có quyết định điều chỉnh tỷ giá hay không?
Phó tổng giám đốc một ngân hàng nhận định, USD cũng giống như vàng, chỉ phù hợp với nhu cầu tích trữ hơn là đầu cơ.
Ngọc Anh(Tổng hợp)