Giá USD hôm nay 13/7, tại các ngân hàng, tỷ giá tiếp tục được duy trì ổn định so với ngày hôm qua.
Cụ thể, Ngân hàng Vietcombank niêm yết tỷ giá USD/VND tại mức mua vào 22.260 đồng/USD và bán ra là 22.330 đồng/USD, không đổi so với ngày hôm qua.
Ngân hàng Vietinbank niêm yết tỷ giá USD/VND ở mức 22.255 – 22.335 đồng/USD, giảm 5 đồng chiều mua vào- bán ra.
Tại ngân hàng Eximbank, chiều mua vào- bán ra được giữ nguyên ở mức 22.250- 22.330 đồng/USD.
Ngân hàng ACB niêm yết tỷ giá ở mức 22.250 – 22.330 đồng/USD chiều mua vào- bán ra.
BIDV tiếp tục mua – bán USD ở mức 22.260 – 2.330 đồng/USD.
Ngân hàng Techcombank niêm yết tỷ giá USD/VND ở mức 22.250 – 22.340 đồng/USD, giảm 10 đồng chiều mua vào.
Ngân hàng HSBC niêm yết tỷ giá USD/VND tại mức mua vào 22.250 đồng/USD và bán ra là 22.350 đồng/USD.
Tỷ giá USD tự do tại Hà Nội ngày 13/07 hiện giao dịch tại mức mua vào 22.290 đồng/USD, bán ra vào khoảng 22.320 đồng/USD, giảm 10 đồng chiều mua vào và tăng 10 đồng chiều bán ra so với ngày hôm qua (12/7).
Giá USD hôm nay 13/7 tại các ngân hàng tiếp tục được duy trì ổn định so với ngày hôm qua. (Ảnh minh họa). |
Trên thị trường tiền tệ khác, trong phiên giao dịch chứng khoán châu Á sáng nay, Yên Nhật đã “gỡ gạc” lại được một số khoản lỗ trong tuần này sau khi chìm xuống mức thấp trong hơn 2 tuần gần đây do khả năng Nhật Bản sẽ đưa ra thêm kích thích kinh tế giúp củng cố tâm lý thị trường.
Sáng nay, Đô la Mỹ giảm 0,5\% còn 104,20 USD/JPY. Hôm thứ 3, Đồng bạc xanh đã chạm đỉnh tại 104,98 USD/JPY – mức cao nhất kể từ 24/6. Tính riêng trong tuần này thì Đô la Mỹ vẫn tăng cao hơn 3,6\% so với Yên.
Tuy hôm nay Euro có giảm 0,5\% so với Yên còn 115,26 EUR/JPY, song tốc độ tăng trong tuần vẫn đạt 3,7\%.
“Có một số lệnh bán kiếm lời đồng Yên bởi các nhà đầu tư Yên ngắn hạn và khiến đồng tiền này tăng giá”, Ayako Sera, chuyên gia kinh tế thị trường tại Sumitomo Mitsui Trust Bank tại Tokyo cho biết.
Một trong những lý do khiến đồng Yên suy yếu gần đây là kỳ vọng của các nhà đầu tư vào cuộc họp giữa cựu Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ – Ben Bernanke và các quan chức Nhật Bản trong tuần này, rằng sau cuộc họp này Nhật Bản sẽ thông qua chính sách kinh tế với tên gọi “trực thăng rải tiền”.
Thuật ngữ “trực thăng rải tiền” do nhà kinh tế học người Mỹ Milton Friedman đặt ra, được nêu lên bởi ông Bernanke trước khi ông trở thành Chủ tịch Fed vào năm 2006, khi thảo luận về những cách thức mà các ngân hàng trung ương có thể tài trợ cho ngân sách nhà nước để chống lại tình trạng lạm phát.
“Một số nhà đầu tư hy vọng rằng “trực thăng rải tiền” sẽ đến với Nhật Bản, song Tổng thư ký Nội các mới đây đã chỉ rõ rằng điều này sẽ không xảy ra, và Đô la Mỹ đã rớt giá ngay sau đó”, Sera cho biết.
Đô la Mỹ đã xuống tới mức thấp trong phiên tại 103,95 USD/JPY ngay sau khi Tổng thư ký Nội các Nhật Bản – Yoshihide Suga phát biểu trước một cuộc họp báo rằng Ngân hàng Nhật Bản sẽ quyết định chính sách tiền tệ theo trình tự dựa vào các yếu tố như diễn biến của thị trường và môi trường kinh tế, và tin chính phủ đang cân nhắc giải pháp “trực thăng rải tiền” là không đúng sự thật”.
Ngoài các lệnh chốt lời ngắn hạn, thị trường chứng khoán đang phục hồi đã khiến các nhà đầu tư bớt nắm giữ các tài khoản dự trữ an toàn, ví dụ như đồng Yên. Đồng tiền này đã tăng giá mạnh mẽ dưới hệ quả của quyết định bầu chọn rời khỏi Liên minh châu Âu của Anh gây sốc hồi tháng trước.
Đáng chú ý, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm thứ 3 đã yêu cầu Bộ trưởng kinh tế Nhật Bản chuẩn bị một gói kích thích kinh tế vào cuối tháng này để vực dậy nền kinh tế còn đang trì trệ.
Bên cạnh chi tiêu tài chính, thị trường vẫn chú ý tới việc liệu Ngân hàng Nhật bản có nới lỏng thêm tiền tệ vào cuộc họp chính sách cuối tháng này hay không, nhất là sau khi ông Bernanke nói với Thủ tướng Abe rằng BOJ vẫn đang có sẵn nhiều công cụ để trợ giúp nền kinh tế.
So với Đô la Mỹ, Euro sáng nay tăng nhẹ lên 1,1064 EUR/USD. Còn Bảng Anh thì cao hơn 0,3\% tại 1,3288 GBP/USD sau khi tăng 1,9\% trong ngày hôm qua.
Gần đây, Bảng Anh đã tăng cường trở lại khi tin tức Bộ trưởng Nội vụ Theresa May chuẩn bị đăng cơ Thủ tướng Anh đã giúp các nhà đầu tư lấy lại bình tĩnh sau cú sốc Brexit và bất ổn chính trị.
Sự kiện kinh tế đáng chú ý trong tuần này đối với Bảng Anh chính là cuộc họp chính sách của BOE vào thứ 5. Trong cuộc họp này, thị trường kỳ vọng rằng lãi suất sẽ được cắt giảm để bảo vệ nền kinh tế khỏi cú sốc từ cuộc bỏ phiếu Brexit.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin