+Aa-
    Zalo

    Gia tốc khởi nghiệp cho sinh viên ngay từ năm nhất: khát vọng vươn tầm quốc tế

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Dù chỉ mới đi vào hoạt động được hai năm nhưng dự án hỗ trợ khởi nghiệp đặc biệt dành riêng cho sinh viên UpYouth đã tạo dựng được hệ thống mạng lưới với trên 3.000 thành viên, trong đó đội ngũ cốt cán có gần 100 thành viên đến từ các trường đại học quốc tế hàng đầu như Trường Đại học Cornell, Trường Đại học Brown…

    Với quy mô quốc tế, UpYouth đã hỗ trợ các dự án khởi nghiệp thu hút hàng triệu USD đầu tư. Ít ai có thể nghĩ đây lại là dự án khởi nghiệp của các bạn sinh viên, trong đó Trần Tuấn Minh đồng sáng lập dự án hiện đang là sinh viên năm nhất của trường Đại học VinUni.  Bên cạnh UpYouth, VinUni còn có nhiều start-up sinh viên với nhiều ý tưởng sáng tạo mang tính thực tiễn cao dù mới chỉ đào tạo đến khóa sinh viên thứ 2.

    Những dự án sinh viên vươn tầm quốc tế

    Điểm chung dễ nhận thấy của các dự án khởi nghiệp của sinh viên VinUni là luôn tìm các giải pháp mới, mang giá trị cộng đồng lớn, phạm vi đối tượng tác động phủ rộng và mục tiêu hướng đến không chỉ “phủ sóng” Việt Nam mà vươn tầm quốc tế.

    a1
    Trần Tuấn Minh (bên trái), đồng sáng lập dự án UpYouth, sinh viên năm nhất trường Đại học VinUni, chia sẻ trong buổi ra mắt vườn ươm khởi nghiệp đầu tiên tại Việt Nam dành cho các tech-startup trẻ do UpYouth phối hợp với Trung tâm khởi nghiệp Trường Đại học VinUni tổ chức.

    Nhà sáng lập dự án UpYouth cho hay dự án hướng tới đối tượng sinh viên non trẻ trong độ tuổi 18-25 tuổi, là những người tập trung rất nhiều…không: không kinh nghiệm, không mối quan hệ, không vốn đầu tư, không kiến thức chuyên sâu, tầm nhìn hạn chế. Thứ duy nhất họ có là ý tưởng sáng tạo và khát khao khởi nghiệp. Tuy nhiên, với rất nhiều “không”, tỷ lệ thất bại của các start-up sinh viên rất lớn. Việc thiếu vốn cũng khiến cho rất nhiều dự án của sinh viên “chết yểu”, chỉ dừng lại trên giấy, kể cả sau khi đã khẳng định được tính khả thi sau các cuộc thi khởi nghiệp.

    UpYouth ra đời và đáp ứng nhu cầu thực tế bức thiết và tiếp sức cho các start-up sinh viên khi cung cấp người hướng dẫn đồng hành, chuyên gia cố vấn, đối tác, quỹ đầu tư, hỗ trợ đào tạo chuyên sâu. Với những nguồn lực thực chiến chất lượng khi “bắt tay” với các start-up đã có tên tuổi như Cool Mate, TopCV, Finhay… với nội dung huấn luyện được xây dựng dựa trên các vườn ươm lớn trên thế giới như Y Combinator, TechStar… UpYouth đã nhanh chóng thu hút không chỉ các sinh viên trong nước mà cả các sinh viên quốc tế, hình thành một cộng đồng sinh viên khởi nghiệp toàn cầu.

    a2
    Tiến sĩ Phí Thị Linh Giang, Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp Trường Đại học VinUni chia sẻ về mô hình hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp tại VinUni trong Hội nghị Đổi mới dạy và học. 

    Tương tự như UpYouth, dự án về ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết vấn đề tâm lý học đường của Trần Tuệ Nhi (sinh viên năm thứ 2 ngành Khoa học máy tính, trường Đại học VinUni) cũng đặt mục tiêu sẽ không chỉ “phủ sóng” tất cả các trường cấp 2, 3 ở trong nước mà còn vươn tới các quốc gia có nhiều áp lực học tập như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuệ Nhi cho hay dự án phát triển ứng dụng có khả năng số hóa quy trình tư vấn tâm lý học đường, bao gồm ba bước: phòng ngừa, can thiệp nhóm và trị liệu cá nhân; các chương trình huấn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề tâm lý. Nhóm cũng phát triển hệ thống AI có khả năng đánh giá, dự báo tâm lý để kịp thời phát hiện được những khó khăn tâm lý của học sinh.

    “Chúng em cũng đang ứng dụng AI vào sản phẩm kính thông minh cảm xúc, có khả năng nhận diện cảm xúc của người đeo kính qua các dấu hiệu sinh học trên khuôn mặt”, Tuệ Nhi hào hứng chia sẻ.

    Với khát vọng vươn tầm quốc tế, nhiều sinh viên VinUni đã chủ động mang dự án khởi nghiệp của mình “đi đánh xứ người” để gọi vốn đầu tư. Mới đây, Nguyễn Minh Tuấn, sinh viên năm hai VinUni vừa nhận được tài trợ từ một trong những hệ sinh thái tiền điện tử tốt nhất thế giới - NEAR Foundation (quỹ phi lợi nhuận về blockchain có trụ sở tại Thụy Sĩ) và Filecoin Foundation (tổ chức độc lập quản lý mạng lưới đồng Filecoin), tài trợ tổng gần 100.000 USD (tương đương gần 2,3 tỷ VNĐ) để thực hiện dự án phát triển một nền tảng số ứng dụng công nghệ Blockchain nhằm xác thực thông tin cá nhân. Tuấn đặt mục tiêu thành lập công ty tại Singapore vào tháng 9 tới, gọi vốn 2 triệu USD cho vòng đầu tiên và định giá doanh nghiệp khoảng 20 triệu USD.

    Dự án Icheck của sinh viên Trần Diễm Quỳnh (năm 2 ngành Kinh Doanh quản trị) cùng đồng đội trong nhóm TAMU đã vinh dự lọt vào top 20 toàn cầu và đạt giải thưởng Ý tưởng kinh doanh có tác động tích cực đến xã hội tại vòng 1 của cuộc thi Sáng tạo Kinh doanh xã hội toàn cầu – Social Business Creation (SBC) 2022 và chuẩn bị tranh tài ở vòng 2.

    Môi trường thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo

    Chia sẻ về quá trình phát triển dự án khởi nghiệp của mình, Tuệ Nhi cho hay em may mắn khi được học ở môi trường có tính chất quốc tế và luôn thúc đẩy, khuyến khích sinh viên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ rất sớm như VinUni.

    “Nhiều trường coi sinh viên năm nhất là rất non nớt nhưng ở VinUni, các thầy cô luôn tin tưởng sinh viên đồng thời sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ hết mình”, Tuệ Nhi chia sẻ.

    Chia sẻ về điều này, TS. Phí Thị Linh Giang, Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp, trường Đại học VinUni cho hay ngay từ khi thành lập, VinUni đã đặt tinh thần khởi nghiệp là cốt lõi và là một trong những trụ cột chính của giáo dục đại học. Điều này được thể hiện rõ trong chương trình đào tạo cũng như chiến lược hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp rất hệ thống, chuyên nghiệp và khác biệt của đại học này.

    Cụ thể, ngay từ năm đầu tiên vào trường, các sinh viên dù học bất cứ chuyên ngành nào cũng sẽ được “gieo” tinh thần và tư duy khởi nghiệp qua môn học bắt buộc về đổi mới sáng tạo. Đây cũng là chương trình giáo dục khởi nghiệp chung được thiết kế bởi Đại học Cornell, top 20 đại học hàng đầu thế giới - đối tác chiến lược của VinUni. Sinh viên chỉ cần có ý tưởng sẽ được các Trung tâm Khởi nghiệp VinUni hỗ trợ. Với lợi thế tỷ lệ sinh viên trên giảng viên rất thấp, chỉ 1/7, các giảng viên có thể quan tâm đến dự án của từng em.

    a3
    Sinh viên VinUni trong sự kiện Hackathon, hợp lực để làm một dự án khởi nghiệp, đây là cách các em thi qua môn Agile Innovation – môn học bắt buộc về Đổi mới sáng tạo tại trường, nơi trang bị cho các em nền tảng quan trọng cho tư duy khởi nghiệp.

    Những dự án chất lượng, có tính khả thi cao sẽ được nhà trường đưa vào chương trình “ươm tạo” kéo dài ba tháng và hỗ trợ tài chính 2,000 USD để có thể triển khai ra sản phẩm. Những dự án triển vọng có thể tiếp tục được đầu tư lên tới 10,000 USD.

    “Tại VinUni, các dự án không chỉ dừng lại sau một cuộc thi mà Trung tâm Khởi nghiệp sẽ đồng hành cùng các em trong suốt 4 năm, thậm chí vẫn tiếp tục hỗ trợ sau khi sinh viên đã ra trường. Về lâu dài, các cựu sinh viên có thể quay trở lại hỗ trợ sinh viên khóa sau để hình thành cộng đồng lớn và tạo vòng tuần hoàn khởi nghiệp”, TS. Linh Giang chia sẻ.

    Cũng theo bà Giang, với định hướng trở thành đại học nghiên cứu đẳng cấp quốc tế, các start-up sinh viên cũng sẽ được định hướng nghĩ “lớn” ngay từ đầu về tầm nhìn để tiếp cận vấn đề theo hướng tạo tác động cho nhiều người nhất có thể, không chỉ trong nước mà cả thế giới. “Khi xây dựng sản phẩm trên tư duy đó, dự án đã có khác biệt và sẽ vươn xa hơn rất nhiều”, TS. Linh Giang nói.

    Dù các dự án của sinh viên VinUni có tính khả thi cao và đã đạt những thành quả nhất định, nhưng TS. Giang cho rằng điều quan trọng nhất không nằm ở việc sinh viên khởi nghiệp thành công hay không mà là những bài học các em có được trong quá trình thực hành khởi nghiệp.

    “Tạo môi trường sáng tạo và gia tốc khởi nghiệp cho sinh viên ngay từ sớm cũng là cách giáo dục đang được nhiều đại học hàng đầu thế giới triển khai. Giáo dục tinh thần khởi nghiệp và môi trường kinh doanh tại trường đại học là những yếu tố quyết định chính đến các ý định và hoạt động kinh doanh của sinh viên. Tinh thần đó cộng với các bài học khởi nghiệp thực tế ngay khi ngồi trên giảng đường sẽ là tiền đề để sinh viên thành công trong quá trình khởi nghiệp sau này”, bà Giang chia sẻ./.

    Thu Hà

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-toc-khoi-nghiep-cho-sinh-vien-ngay-tu-nam-nhat-khat-vong-vuon-tam-quoc-te-a542389.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Vingroup và Intel ký MoU hợp tác chiến lược về công nghệ

    Vingroup và Intel ký MoU hợp tác chiến lược về công nghệ

    Tập đoàn Vingroup công bố ký Biên bản ghi nhớ (MoU) hợp tác chiến lược với Intel trong 5 lĩnh vực: các giải pháp Thành phố thông minh hỗ trợ 5G; Quy trình sản xuất thông minh; Chiến lược đa đám mây; Trí tuệ nhân tạo và Hệ thống trợ lái nâng cao ADAS dựa trên công nghệ Mobileye.

    Vingroup trao 48 tỷ đồng học bổng du học Thạc sĩ, Tiến sĩ KHCN 2022, thành lập Mạng lưới Học giả trẻ Vingroup Toàn cầu

    Vingroup trao 48 tỷ đồng học bổng du học Thạc sĩ, Tiến sĩ KHCN 2022, thành lập Mạng lưới Học giả trẻ Vingroup Toàn cầu

    Ngày 24/6/2022, Chương trình “Học bổng Khoa học Công nghệ (KHCN) Đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ Du học Nước ngoài” của Tập đoàn Vingroup (Học bổng KHCN Vingroup) tổ chức Lễ trao học bổng cho 30 du học sinh bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ - niên khóa 2022, đồng thời công bố ra mắt Mạng lưới Học giả trẻ Vingroup Toàn cầu.