Tính đến ngày 28/10, toàn bộ 63 Đảng bộ tỉnh, thành phố đã tiến hành đại hội, bầu ra ban Chấp hành nhiệm kỳ mới. Điều đáng nói, rất nhiều nhân sự được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ ở độ tuổi trẻ, thuộc thế hệ 7X. Xung quanh vấn đề lựa chọn cán bộ trẻ có đức, có tài, dám nghĩ dám làm, luôn có sự sáng tạo, đột phá, PV ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Nguyên Hồng, chuyên viên cao cấp Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ảnh minh họa |
Xu hướng trẻ hoá các thế hệ cán bộ
PV: Trong số nhiều nhân sự được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ có nhiều người ở độ tuổi trẻ, thuộc thế hệ 7X. Ông có xem đây là bước đột phá về nhân sự trong nhiệm kỳ này không?
Ông Hoàng Nguyên Hồng: Qua theo dõi từ truyền thông, tôi nhận thấy một điều đáng chú ý đó là nhiều nhân sự giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ ở tuổi đời tương đối trẻ, nhiều nhân sự ở thế hệ 7X. Điển hình, có tân Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp sinh năm 1978. Đây là một tín hiệu tốt trong công tác cán bộ, cho thấy xu hướng trẻ hoá các thế hệ cán bộ và có nhiều lớp cán bộ khác nhau.
Thế hệ Bí thư Tỉnh uỷ trẻ tuổi ở nhiệm kỳ này cao hơn nhiệm kỳ trước. Có thể thấy, những nhân sự được chọn ở thế hệ 7X này cũng đã qua quá trình đào tạo, rèn luyện qua nhiều vị trí công tác. Việc sắp xếp cán bộ trẻ cũng là tạo điều kiện bồi dưỡng để nhân sự có điều kiện phát triển lên cao hơn.
PV: Ông đánh giá như thế nào về công tác cán bộ thời gian qua?
Ông Hoàng Nguyên Hồng: Trong cuộc đời hoạt động cách mạng và lãnh đạo của Người, Bác luôn đề cao vai trò của công tác cán bộ, trong đó xem việc chọn lựa hiền tài là gốc rễ của mọi thành công.
Đánh giá cán bộ qua quá trình công tác là một khâu rất quan trọng. Theo tôi, hiện quy trình bổ nhiệm hay bầu các chức danh lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị cũng khá đầy đủ và chặt chẽ. Cán bộ cấp càng cao thì càng nhiều tầng nấc đánh giá, xem xét.
Lựa chọn cán bộ theo các bước của quy trình đã giúp chúng ta tránh được chủ quan, phiến diện và trong thời gian qua cũng đã phần nào tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, bảo đảm có một đội ngũ cán bộ cốt cán của hệ thống chính trị vững vàng về phẩm chất chính trị, năng động, sáng tạo, tận tâm với công việc.
Theo tôi, quy trình là công cụ rất quan trọng nhưng không thể coi đó như “cây gậy thần” để tìm ra cán bộ lãnh đạo tốt và độ tuổi dù là yếu tố luôn phải tính đến nhưng cũng không phải là yếu tố quyết định cho việc lựa chọn được người quản lý tài.
Ông Hoàng Nguyên Hồng. |
Chọn người tài không nên giới hạn tuổi
PV: Theo ông, có thể coi độ tuổi là một tiêu chí quan trọng khi lựa chọn để quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo, quản lý?
Ông Hoàng Nguyên Hồng: Trước đây, trong những năm kháng chiến và xây dựng XHCN ở miền Bắc, có những tỉnh ủy viên rất trẻ (25-32 tuổi). Nếu so sánh về độ tuổi, do thời bình phải trải qua học tập các cấp, bằng cấp, trưởng thành lên từ quá trình công tác nên độ tuổi cũng giới hạn hơn.
Về mặt lý thuyết, ban chấp hành gồm những người có tâm, có tầm, có trí và năng lực, bản lĩnh vượt trội trong thời đại 4.0 thì không nên quy định giới hạn tuổi, miễn là người đó có sức khỏe và làm việc thì đều có đủ điều kiện ứng cử vào ban chấp hành các cấp của Đảng (Trung ương, tỉnh thành, xã phường). Cán bộ lãnh đạo vừa phải có đủ năng lực, kinh nghiệm nhưng lại vừa có đủ sự minh mẫn để điều hành, lãnh đạo.
Nếu coi độ tuổi như một tiêu chí cứng thì đôi khi cũng không phù hợp. Có trường hợp chỉ vì quá một vài ngày theo quy định mà một cán bộ rất có năng lực vẫn dừng lại làm cấp phó cho một cán bộ khác đơn giản vì vị kia trẻ tuổi hơn mặc dù không thực sự thuyết phục được bằng năng lực.
Nếu quy định tuổi (trên 65 tuổi phải nghỉ-PV) là lãng phí trí tuệ và kinh nghiệm trong Đảng và xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân; đồng thời, tạo ra mâu thuẫn thế hệ.
Một con người có ý chí và nghị lực, có tư duy, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm là từ khi sinh ra, khi đi học đã có tính cách và nhân đức, độc lập và tự chủ từ bé. Vấn đề là tuyển chọn, công khai và dân chủ trong số đông sẽ tìm ra người hiền tài, đức độ tham gia lãnh đạo địa phương và quốc gia.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, cán bộ trẻ sẽ có sức bật, sự sáng tạo và có thể đột phá hơn, dám nghĩ, dám làm. Ông có đồng tình với ý kiến này?
Ông Hoàng Nguyên Hồng: Mọi sự lựa chọn cần cụ thể, đối với từng người, đối với từng công việc. Thực tế cho thấy, có những công việc cần kinh nghiệm, sự điềm tĩnh, uy tín của những cán bộ lâu năm nhưng ngược lại có những nhiệm vụ cần sự quyết đoán, mạnh mẽ, nhanh nhẹn của tuổi trẻ. Lựa chọn cán bộ, nói chung và cán bộ lãnh đạo nói riêng cũng cần phải tính đến yếu tố này.
PV: Nhiều nhân sự đắc cử Bí thư Tỉnh ủy với số phiếu rất cao, gần như 100%. Ông đánh giá như thế nào về việc này?
Ông Hoàng Nguyên Hồng: Tại các đại hội có thể thấy, việc lấy phiếu tín nhiệm giới thiệu nhân sự giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy đã được thực hiện với số phiếu rất cao ở nhân sự được giới thiệu. Sở dĩ, những nhân sự đắc cử Bí thư với số phiếu rất cao, gần như 100% là do các địa phương đã chuẩn bị rất kỹ về đề án nhân sự. Ban Chấp hành Đảng bộ cũng thống nhất cao với sự giới thiệu, chuẩn bị của đại hội. Việc lấy phiếu tín nhiệm giới thiệu cũng rất tập trung nên khi ra ban Chấp hành có sự thống nhất rất cao.
Cũng phải nói thêm rằng, hiện nay, nhân sự được cạnh tranh số đông, dân chủ và công khai từ cơ sở qua sản xuất, học tập, nghiên cứu... nên được tín nhiệm cao và tỉ lệ đó là thực chất về năng lực, bản lĩnh và tài đức, được nhân dân tín nhiệm, công nhận và lựa chọn.
Cán bộ được bố trí, luân chuyển phải làm việc công tâm
PV: Vậy còn việc thực hiện chủ trương Bí thư không là người địa phương thì sao, thưa ông?
Ông Hoàng Nguyên Hồng: Việc bố trí Bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương đã có từ lâu, việc thực hiện việc này cũng là một bước đột phá.
Về lý thuyết, các cụ xưa nói “đất nào cây nấy” và “rừng nào cọp nấy”. Con người sinh ra ở điều kiện và hoàn cảnh nào thì tiếp thu tinh hoa văn hoá tinh thần và truyền thống nơi đó. Do đó, con người không thể tách ra khỏi môi trường sống. Luân chuyển cán bộ và bố trí, điều chuyển Bí thư nơi khác đến có thể ví những người không có “chân rễ” và trưởng thành từ địa phương. Do đó, sẽ có luồng ý kiến cho rằng, Bí thư không phải người địa phương nếu không tận tâm với công việc thì chỉ cố gắng làm “tròn vai” để mong cho qua thời gian luân chuyển để đi lên, ngồi ghế cao hơn. Cho nên, việc bố trí Bí thư người địa phương khác tới địa phương này, có thể vẫn sinh ra cục bộ cùng quê hoặc tạo vây cánh cho mình an toàn trong thời gian tại vị ở địa phương.
Vấn đề ở đây, người đứng đầu phải đủ đức đủ tài, năng lực và uy tín tự đi lên và khẳng định mình; tâm có trong sáng vì dân vì nước, độc lập làm theo pháp luật và quy định của đảng hay vun vén cá nhân, nín thở cho hết nhiệm kỳ.
Cũng có luồng ý kiến phản biện, sợ người địa phương lên làm Bí thư sẽ kéo theo “bè phái, sử dụng người theo thân quen, huyết thống thành “tổ kén”. Theo quan điểm của tôi, vấn đề là tiêu chuẩn nội dung công việc cần giải quyết, nếu họ làm đúng pháp luật, quy định của Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, vô tư và bình đẳng, công khai đề bạt cán bộ thì dù ai cũng không sợ Bí thư là người địa phương sẽ kết bè thành “tổ kén” thân quen, huyết thống.
Cán bộ được bố trí, luân chuyển phải làm việc một cách khách quan, công tâm và phải là người có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, phải là người giỏi mới được tập thể, được cấp dưới và nhân dân tín nhiệm.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hương Lan
Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 7 (44)