+Aa-
    Zalo

    Gia tài đồ sộ & những khoảnh khắc tiếc nuối của phóng viên ảnh Trần Hồng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Với Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, được làm báo, đặc biệt là khoác áo lính làm báo và lăn xả nơi đạn bom khói lửa, là một cơ hội lớn để trải nghiệm, để trưởng thành và góp phần ghi lại lịch sử. Ông xem đó là kho báu vô giá trong sự nghiệp của mình.

    May mắn được tôi luyện từ lửa đạn chiến trường

    Được biết đến là nhà báo trưởng thành từ lửa đạn chiến trường, Đại tá Trần Hồng đã có hơn nửa thập kỷ lăn xả, cống hiến với nghề và tích lũy cho mình cả một gia tài vô giá, với hàng nghìn tấm ảnh quý. Mỗi tấm ảnh mang một câu chuyện, mà bản thân nhà báo Trần Hồng, bất cứ khi nào nhắc đến, vẫn còn nhớ như in diễn biến sự kiện và cảm hứng thôi thúc bấm máy.

    Năm 1968, sau khi vừa tốt nghiệp THPT, chàng thanh niên năm ấy cũng hừng hực khí thế như bao trai tráng khác, lên đường nhập ngũ.

    Bén duyên với sự nghiệp “tay súng, tay máy” từ rất sớm, lại dành trọn vẹn cả thanh xuân với từng hơi thở, nhịp đập từ tiền tuyến, nhà báo Trần Hồng cho đó chính là một trong những may mắn rất lớn của bản thân.

    gia tai do so nhung khoanh khac tiec nuoi cua phong vien anh tran hong1

    Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng chia sẻ về những câu chuyện gắn liền với từng tấm ảnh ông đã chụp.

    “Lớp thanh niên chúng tôi khi ấy, chỉ có một con đường, từ quê hương tiến vào mặt trận. Cũng chưa dám nói là ra đi xả thân cứu nước hay gì đó to tát, mà với tôi, trước tiên, đó là nơi để rèn luyện bản thân, tích lũy những kinh nghiệm tuyệt vời và có cơ hội tìm thấy niềm đam mê của mình.

    Vào chiến trường được một năm, tôi được cử ra Bắc học tại trường Báo chí - Xuất bản (nay là Học viện Báo chí & Tuyên truyền) khóa 1. Hoàn thành khóa học từ năm 1969-1973, tôi may mắn được làm việc ở báo Quân đội Nhân dân, cùng tác nghiệp với những người lính thế hệ đàn anh say nghề báo.

    Sự sắp xếp của tổ chức trùng với mong muốn, ý chí của bản thân đã là quá tuyệt vời, mà được làm việc, được kề vai sát cánh với những đàn anh lão luyện trong nghề mà học hỏi, lại càng tuyệt vời hơn. Đó là một “trường học” tuyệt vời để rèn nghề” - nhà báo Trần Hồng nhấp ngụm nước trà và bắt đầu nhâm nhi lại chuyện cũ.

    Ông bộc bạch: “Có những thứ quý hơn cả một tấm hình. Đó là, khi trở thành phóng viên chiến trường, tôi được có mặt ở những nơi khó khăn nhất, gian lao nhất, ác liệt nhất, không phải ai cũng trải qua được. Khi ấy, bản thân tôi là người được trực tiếp chứng kiến sự kiện, dõi theo diễn biến, và lại là người thu lại hình ảnh ấy theo góc độ của mình, để truyền tải đến công chúng. Đó là một điều vô cùng ý nghĩa đối với tôi”.

    “Người làm báo, đặc biệt là phóng viên ảnh, hạnh phúc nhất là được trở thành người đầu tiên chứng kiến được sự thật và ghi lại sự thật. Làm báo không làm nên lịch sử, nhưng ghi lại lịch sử, đó cũng là vinh quang, là điều hạnh phúc nhất.

    Tất nhiên, ghi lại những khoảnh khắc lịch sử là phải biết chọn những khoảnh khắc sự kiện tiêu biểu cho cả một chiến dịch. Không phải dễ gì trong bom rơi đạn lạc, lại có thể tỉnh táo tìm được một tứ, một “khoảnh khắc vàng” có thể lột tả được cốt lõi cả quá trình” - nhà báo Trần Hồng chia sẻ.

    gia tai do so nhung khoanh khac tiec nuoi cua phong vien anh tran hong2

    Say sưa bên những tấm hình chụp mỗi ngày, chính là niềm hạnh phúc của vị phóng viên chiến trường năm xưa.

    Phóng viên chiến trường thực sự là một nghề nguy hiểm, khi luôn thường trực phải dấn thân, lăn xả giữa “mưa bom, bão đạn”. Có khi, trong cùng một đoàn quân, người đi trước trúng đạn, người đi sau chạm mìn, nhưng người ở giữa vẫn may mắn bình an.

    Tuy có thể lúc trở về, hình ảnh các đồng đội hy sinh ngay trước mắt vẫn còn nhiều ám ảnh, nhưng nhà báo Trần Hồng cho biết, ngay tại thời điểm đó, cho dù trong lòng có buồn, có hoang mang đến đâu, ông cũng phải tự nhủ với mình “Đừng chết!”, giữ bình tĩnh để hoàn thành nhiệm vụ.

    Một ngày đầu tháng 3/1979, trong đoàn công tác đi thực địa chiến trường tại Lạng Sơn, đoàn xe chở nhà báo Takano Isao (một nhà báo người Nhật Bản) đi ngay phía trước xe của nhà báo Trần Hồng. Nhưng may mắn không mỉm cười với người đồng nghiệp xấu số trong buổi sáng hôm ấy, khi Takano đang lúi húi bấm máy tác nghiệp, loạt đạn bắn tỉa của quân Trung Quốc vang lên, đã tước đi hơi thở của người đồng nghiệp đến từ đất nước Mặt Trời mọc... Đó chỉ là một trong rất nhiều hình ảnh về sự ra đi đột ngột trong cuộc chiến.

    Vậy nên, theo ông, phóng viên chiến trường, bên cạnh sự dũng cảm, bản lĩnh, còn cần có sự thông minh, nhanh nhạy, để vừa có tể tư duy, chọn được góc độ tiếp cận tốt, vừa giữ được an toàn cho bản thân.

    Gia tài đồ sộ và những khoảnh khắc tiếc nuối

    Không chỉ ghi lại hình ảnh những người lính ở tuyến đầu, ông còn khai thác hình ảnh những người mẹ hy sinh thầm lặng, những “người anh hùng” ở hậu phương trên dọc dải đất thân thương hình “chữ S”. Đó hẳn là gia tài đồ sộ mà bất kỳ người làm báo nào cũng mơ ước.

    Tuy nhiên, nhà báo Trần Hồng cũng không ngần ngại chia sẻ, suốt những năm tháng tay súng, tay máy, có những lần, ông gặp “tai nạn nghề nghiệp”, vì sự bất cẩn trong lúc vội vàng.

    “Có lần, tôi đã chụp xong một cuộn phim - 36 kiểu, nhưng lại không cẩn thận, đưa vào máy chụp lần thứ hai. Đó là một mất mát kinh khủng, hai lần 36 bức ảnh cứ thế ghi chồng lên nhau, hỏng cả cuộn phim. Hồi ấy, một kiểu phim cũng đã rất quý, mà cả cuộn phim lại càng đáng quý biết nhường nào...

    Nhưng đó chỉ là nỗi đau mất mát về vật chất, còn tiếc hơn cả, là 72 bức ảnh đó cũng là lần phải dấn thân, phải lao vào để chụp, thậm chí, có đôi lúc phải trả bằng máu mới có được một cú bấm máy đó. Tiếc vô cùng!” - ông bộc bạch.

    Lần khác, trong một chuyến tác nghiệp, nhà báo Trần Hồng theo chân lính trinh sát ghi nhận thực địa, ông bắt gặp một tên địch lọt vào hố đặt bếp Hoàng Cầm, mặc dù bị thương nặng nhưng vẫn còn sống... “Linh tính của tôi khi ấy, muốn chụp một bức ảnh trọn vẹn khuôn mặt kẻ xâm lược, đang mở mắt nhìn thẳng vào sự thất bại... Nhưng cứ chực giơ máy lên, là tên đó lại nhắm tịt mắt. Tôi không thể chụp được.

    Đang trong tư thế chờ, một chiến sĩ trinh sát chạy đến hối: “Nhà báo ơi, đi ngay!”. Sau đó, tôi đã không còn cơ hội để chụp bức ảnh mà mình đang nung nấu trong đầu nữa. Đó là một sự tiếc nuối rất lớn. Nhiều khi, trong đầu mình đã hình dung ra tứ ảnh, nhưng điều kiện thực tế lại không cho phép...”.

    gia tai do so nhung khoanh khac tiec nuoi cua phong vien anh tran hong3

    Chia sẻ về một trong số ít những lần phải rưng rưng khi chứng kiến những nỗi buồn day dứt, Đại tá, nhà báo Trần Hồng nhớ lại: “Trong chiến tranh, chứng kiến nỗi buồn, những hy sinh, mất mát, vốn là chuyện không sao kể xiết... Tôi từng chứng kiến những bà mẹ, khi chúng tôi hành quân qua, bà mẹ ấy cứ ngỡ trong đoàn quân có con mình, chạy ra ôm từng người một. Khi ấy, thực sự không cầm được nước mắt.

    Có một lần, chúng tôi hành quân ra Huế, đêm đó phải nghỉ lại bên nhà dân, một bà mẹ nửa đêm thức dậy, rén chân lại, sờ vào quả đạn của một đồng chí và thì thầm: “Con ơi con, con đừng có nổ con nhớ!”. Hóa ra,bà mẹ ấy có hai người con ở hai chiến tuyến, có thể sẽ gặp cảnh đạn nổ bom rơi bất kỳ lúc nào... Đó là những nỗi buồn âm thầm, buồn xé ruột...”.

    gia tai do so nhung khoanh khac tiec nuoi cua phong vien anh tran hong4

    Bức ảnh “Quân ta xông lên, kẻ thù đổ gục” của nhà báo Trần Hồng.

    “Những kỷ niệm ấy cứ đeo đẳng mãi, không nguôi. Tiếp cận với bất kỳ bà mẹ nào trên đất nước Việt Nam này, cũng đều có những nỗi buồn, kể cả không có con hy sinh, thì cũng có rất nhiều người thân ruột thịt khác hy sinh trong cuộc chiến. Vậy nên, gần như bà mẹ nào cũng có nỗi đau... Mà nỗi đau của cuộc đời, của kiếp người lớn nhất là nỗi đau của người mẹ mất con.

    Vì lẽ đó, tôi đã say sưa đi tìm và chụp chân dung các bà mẹ, khai thác tiềm năng chịu đựng và sức sống mãnh liệt của các bà mẹ... Gần như tuần nào, tháng nào, tôi cũng tiếp cận với những người mẹ như vậy. Nỗi đau tuy không nói ra, nhưng với thói quen và sự nhạy cảm của nghề nghiệp, tôi chỉ cần nhìn gương mặt là thấy được nỗi đau đang giằng xé trong lòng.

    Nhưng cũng chính trong nỗi đau ấy, đã tiếp thêm cho tôi nguồn năng lượng. Tiếp thêm ý chí, lan tỏa trách nhiệm cho mình cứng cỏi lên, cảm thấy như mình đang “có tội” với những người này, cảm thấy càng phải dấn thân hơn, để tiếp cận thêm thật nhiều với những nỗi lòng” - nhà báo lý giải.

    Đến nay, mặc dù đã ngoại thất thập, người phóng viên ảnh lăn xả trên chiến trường năm nào, vẫn say sưa với nghề, chân đi không mỏi trên dọc miền đất nước, săn tìm những khoảnh khắc độc đáo, đầy ấn tượng.

    hông chỉ được biết đến là người chụp và lưu giữ hàng nghìn tấm ảnh quý về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sự nghiệp của Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng còn được bao quát qua hàng nghìn bức ảnh khác, tượng trưng cho hàng nghìn khoảnh khắc mà ông được trực tiếp chứng kiến, cảm nhận, từ hiện thực khốc liệt nơi trận mạc khói lửa đến nỗi day dứt, mỏi mòn sau mỗi nếp nhà đợi mong.

    Tuệ Linh

    Bài đăng trong số đặc biệt kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-tai-do-so-nhung-khoanh-khac-tiec-nuoi-cua-phong-vien-anh-tran-hong-a541679.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền: Báo Chí có vai trò to lớn trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

    Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền: Báo Chí có vai trò to lớn trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

    Nhân kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã lắng nghe những chia sẻ của TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam về đóng góp của báo chí đối với hoạt động Hội cũng như kỳ vọng của Chủ tịch đối với công tác báo chí thuộc Trung ương Hội.