+Aa-
    Zalo

    Gia sản "khổng lồ" của "tứ đại phú hộ" Nam Kỳ Đỗ Hữu Phương

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trong điển tích Nhất Sỹ - Nhì Phương – Tam Xường – Tứ Định, vị tổng đốc Đỗ Hữu Phương này được xếp hàng thứ hai, chỉ kém người giàu hơn vua Bảo Đại đôi phần.

    (ĐSPL) - Trong điển tích Nhất Sỹ - Nhì Phương – Tam Xường – Tứ Định, vị tổng đốc Đỗ Hữu Phương này được xếp hàng thứ hai, nghĩa là tài sản chỉ kém người giàu hơn cả vua Bảo Đại đôi phần.

    Với dân gian Sài Gòn xưa, cái danh Nhì Phương này không chỉ nói về tài sản mà còn nói về cả chức vụ cũng như sự khét tiếng của một con người thăng tiến bởi thực dân Pháp. Tuy nhiên, những sử sách còn chép lại thì cho thấy dù là người giàu thứ nhì Sài Gòn, tiền vàng chất thành núi, nhưng để gây dựng ra cơ đồ này thì chẳng phải ông Tổng đốc mà đứng sau đó là bóng dáng của một người đàn bà họ Trần nổi tiếng đảm đang, tháo vát ở Nam Kỳ khi thực dân Pháp vào chiếm đóng lục tỉnh Nam Kỳ.

    Tổng đốc Đỗ Hữu Phương.

    Tuổi ấu thơ nhung lụa

    Nhắc đến cái tên Đỗ Hữu Phương, nhà văn Vương Hồng Sến, một trong những con người rất am hiểu về lịch sử, văn hóa Nam Kỳ từng khẳng định: “Sự nghiệp của ông Phương trở nên đồ sộ nhất nhì trong xứ, phần lớn do tay phu nhân Trần thị gây dựng. Bà giỏi tài đảm đang nội trợ, một tay quán xuyến trong ngoài làm của đẻ thêm ra mãi, lại được trường thọ, mất sau chồng…”. Còn theo các sử sách ghi lại thì nhân vật này được coi là một trong những người thực dân Pháp tin dùng bậc nhất trong các cuộc đàn áp khởi nghĩa. Tuy nhiên nội dung bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới ông Đỗ Hữu Phương giàu có như thế nào, tiền bạc nhiều ra sao để có sự so sánh với ông Huyện Sỹ - người giàu hơn vua Bảo Đại mà các số báo trước đã đăng tải.

    Ông Đỗ Hữu Phương sinh năm 1841 tại khu vực chợ Đũi của Sài Gòn. Ông này là con của một đại địa chủ Nam Kỳ tên là Bá hộ Khiêm. Có lẽ nhờ vào việc người cha giàu có mà ngay khi mới sinh ra, ông Hữu Phương nghiễm nhiên có trong tay cả một cơ ngơi mà không nhiều vị địa chủ có được. Tuy nhiên, để trở thành người giàu thứ hai ở Nam Kỳ xưa thì còn phải nhờ vào giai đoạn ông Đỗ Hữu Phương theo thực dân Pháp làm quan này, quan kia để rồi khi đã được quan Tây tin tưởng thì bao nhiêu tiền bạc, quả nả, đất đai cứ thế đổ về túi ông.

    Ông Phương được học tiếng Hán từ nhỏ, sau này biết thêm cả tiếng Pháp nên việc giao tiếp hết sức dễ dàng. Sau này, ông Phương cưới được một người vợ có tiếng xinh đẹp nết na, là con một vị Lang trung Bộ Bình, một chức quan khá lớn trong triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Dù trước đó bố vợ của ông Phương làm quan ở đất Quảng Nam nhưng sau này đã chuyển vào Nam Kỳ làm Chi Phủ trước khi “nghỉ hưu”.

    Dĩ nhiên, bản thân ông Phương cũng phải nổi tiếng giàu có thì mới có thể cưới được tiểu thư đài các. Hơn nữa, ngay bản thân ông Phương cũng là một thanh niên có tầm hiểu biết, giỏi ngoại ngữ có kiến thức văn hóa chứ không đơn thuần là mấy cậu công tử con nhà bá hộ chỉ biết tiêu tiền ne nẹt người khác bằng quyền uy của gia đình để lại… Sau khi cưới, vợ chồng ông Phương sinh sống trong một căn nhà lớn nhất nhì Sài Gòn khi đó và được nhiều người bắt đầu gọi bằng cái tên ông bà Bá hộ Phương.

    Cha của ông Phương vốn là một bá hộ có tiếng ở Sài Gòn Nam Kỳ. Trong thời kỳ thực dân Pháp chưa vào chiếm đóng, gia đình ông Phương cai quản cả một vùng rộng lớn về phía bắc thành phố Sài Gòn. Từ đất cát, ruộng đồng, những mảnh vườn cây trái bạt ngàn cho đến hàng trăm những cửa hàng, nhà ở trong nội đô để cho tiểu thương thuê. Bên cạnh đó, bá hộ Khiêm còn được biết đến như là một trong những người đầu tiên thực hiện giao thương với người nước ngoài. Từ việc mua bán các mặt hàng nông sản cho đến việc thôn tính các cơ sở kinh doanh tại Sài Gòn. Rồi sau này ông Phương kế nghiệp gia sản đó và đã phát triển lên rất nhiều lần đến mức dân gian còn khẳng định, nếu để một người ngồi đếm tiền của nhà ông Tổng đốc Phương thì có lẽ ngồi đếm cả đời cũng không hết.

    Thăng tiến nhờ quan Tây

    Chuyện ông Tổng đốc Phương là một mật thám khét tiếng của Pháp đã được một số sử sách chép lại. Ngay cả dân gian cũng có nhiều câu chuyện đồn thổi xung quanh nhân vật này. Riêng về chuyện làm ăn, phát triển thêm của nả, đất đai thì nó tịnh tiến đều theo những chức vụ mà ông Phương được Pháp giao phó. Chỉ biết rằng, thời kỳ cực thịnh, ông Phương được đưa sang Pháp rồi nằm trong nhóm địa diện cho người bản địa Đông Dương tham gia hội chợ và được giới thiệu như là một trong những người có công đầu trong việc trợ giúp Pháp xây dựng chính quyền Nam Kỳ ở Việt Nam.

    Những chức vụ mà ông Phương được đảm nhận có lẽ công lớn nhờ một nhân vật quan Tây có tên là Francis Garnier, là tham biệt hạt Chợ Lớn. Khu chợ khi đó được chia làm 25 hộ thì ông Đỗ Hữu Phương làm chủ một hộ. Thực chất công việc thật của ông Phương là mật thám, là trợ lực cho thực dân Pháp trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa ở khắp nơi. Còn về gia sản của gia đình, sau khi người cha Bá hộ Khiêm mất đi, vợ chồng ông Phương bắt đầu cai quản khối tài sản kếch xù, những cánh đồng bạt ngàn, những cửa hàng được người vợ cai quản một cách rất tốt.

    Từ việc tính toán cho thêm mùa vụ, rồi đến việc kết nối với các tiểu thương ở khắp nơi xây dựng nên một hệ thống buôn bán riêng biệt, gia đình ông Phương gần như đã chi phối được một phần giao dịch thông thương ở Sài Gòn xưa. Bên cạnh đó, việc ép nộp tô, thuế của người dân khi thuê lại ruộng cũng mang lại nguồn thu cực lớn. Thóc lúa trong nhà ông Phương chất thành núi để la liệt ở các nơi nhưng người vợ đã khéo bán sang tay với giá rất cao để có thể vừa thu tiền về để quản lý, vừa tránh được thất thoát không đáng có.

    Vợ chồng ông Phương có tới 8 người con, 5 trai, 3 gái đều là những người được cho ăn học đầy đủ và sau này đều có nơi, có chốn với những gia đình môn đăng hộ đối. Con nhà quan thì lại kết duyên với con nhà giàu, những gia đình kiểu như nhà ông Phương được coi là những cá thể riêng biệt, sống sung sướng trong cảnh đất nước lầm than. Khi mà người dân khắp nơi còn đang bon chen với cái đói, cái nghèo, cái bức bối vì bị áp bức thì với việc được thực dân Pháp tin tưởng ông Phương đã khiến cho gia sản của mình cứ nhân lên từng ngày.

    Có một điển tích về gia đình ông Phương là có riêng một đội đếm tiền được sắp xếp bí mật trong căn phòng phía sau nhà. Khi đến mùa vụ hoặc các dịp thu tiền của thương lái, tiểu thương, những người này được bố trí ăn ở ngay tại chỗ để đếm tiền, bó buộc cho chặt rồi cất giấu vào một căn phòng kín có cửa kiên cố và khóa nhiều lớp. Chùm chìa khóa của căn phòng cất tiền này chỉ có vợ ông Phương được giữ và gần như nó là vật bất ly thân đối với người đàn bà này, thậm chí lúc đi ngủ cũng phải nắm chặt trong tay…

    (còn nữa)

    LAM LINH

    Xem video: Kẻ xúi giục dân khởi kiện, bôi nhọ các cơ quan chức năng lĩnh án

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-san-khong-lo-cua-tu-dai-phu-ho-nam-ky-do-huu-phuong-a93188.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan