Ôm tấm di ảnh của đứa con gái nhỏ, chị Lê Thị Quý (SN 1977, mẹ của em Nhung) nức nở: “Nó chết khổ quá, giá mà nhà tôi không quá nghèo đến mức nó phải nhịn đói đi học thì… bây giờ tôi đã không phải mất con rồi”.
Gần 1 năm sau ngày con gái ngã xuống dòng nước lũ chảy xiết mà chết đuối do quá đói, nỗi đau vẫn đeo đẳng gia đình nghèo ấy...
Ám ảnh vì cái chết của con gái
Chúng tôi đến thăm gia đình cháu Phạm Thị Nhung, học sinh lớp 3, trường Tiểu học Đức Bồng, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) sau gần 1 năm khi sự việc đau thương xảy ra, cướp đi sinh mạng của cô học trò nhỏ. Hôm đó vì quá đói, sức khỏe lại rất yếu khi vừa mới qua ca phẫu thuật tim nên trên đường đi học về, Nhung mệt lả rồi ngã xuống dòng nước lũ đang chảy xiết. Dù người dân xung quanh nhanh chóng đến ứng cứu nhưng đã quá muộn.
Di ảnh bé Phạm Thị Nhung |
Đôi mắt ngấn lệ, anh Phạm Hồng Vân (SN 1974, bố cháu Nhung) nhớ lại: “Tôi đạp xe phía sau chở 2 đứa em của Nhung, còn nó một mình một xe đạp phía trước. Đến gần cây cầu thì bất ngờ nó bị ngã rồi cả người và xe rơi xuống sông. Tôi vội chạy đến lao xuống dòng nước nhưng tìm mãi không thấy con đâu, sau đó phải hô hào người dân đến ứng cứu, tìm kiếm mãi mới thấy thi thể của cháu.
Tôi vẫn nhớ rất rõ rằng hôm đó nó còn chưa ăn gì, lại xin tôi mua cho một cái kem để ăn nhưng tôi cũng chẳng đủ tiền mua cho con... ”, anh Vân vội gạt hai dòng nước mắt, nhớ lại ngày tai họa ập xuống với con gái nhỏ của mình.
Gia đình anh Vân hiện tại chỉ có mình anh là lao động chính nhưng lại phải lo cho cả bốn mẹ con chị Quý. |
Sự ra đi của bé Nhung đã để lại một nỗi đau quá lớn cho hai vợ chồng anh Vân. Cho đến bây giờ, họ vẫn chưa phút nào thôi tự trách bản thân vì chứng kiến cảnh con gái mình gặp nạn mà bản thân phải bất lực, không thể cứu được con. |
Theo lời kể của anh Vân, khi đó, nước lũ trên sông quá lớn nên dù đi ngay phía sau và lao mình theo để cố cứu con nhưng anh Vân vẫn không thể cứu được đứa con gái bé bỏng của mình. Trong cơn tuyệt vọng, anh Vân dầm mình trong mưa lạnh, cố gắng tìm kiếm và gào thét mong có đến người đến ứng cứu. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng lại quá đau lòng. Làng xóm xung quanh đều không cầm nổi nước mắt khi chứng kiến anh Vân nước mắt hòa nước mưa, tự than trách bản thân đã không đủ sức mua cho con gái dù chỉ một cây kem nhỏ.
"Nếu nó không quá đói, chắc có lẽ đã không bị rơi xuống dòng nước lũ ấy", anh Vân nghẹn ngào.
Người mẹ đau đớn khi nhớ đến đứa con gái xấu số, “giá mà nhà tôi không quá nghèo, cháu nó được ăn một bữa sáng trước khi mất”. |
Ôm tấm di ảnh của đứa con gái nhỏ vào lòng, chị Lê Thị Quý nức nở: “Nó chết khổ quá, giá mà nhà tôi không quá nghèo đến mức nó phải nhịn đói đi học thì… bây giờ tôi đã không phải mất con rồi”.
Cũng theo chị Quý, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên cháu Nhung luôn phải nhịn bữa sáng để đến trường. Hơn nữa, bản thân Nhung mắc phải căn bệnh tim và đã trải qua cuộc phẫu thuật kéo dài nên sức khỏe của bé rất yếu.
“Như gia đình khác, con ở bệnh viện trở về thì được tẩm bổ rồi chăm sóc cẩn thận nhưng tôi còn không lo nổi cho con bữa ăn sáng. Hôm đó thấy cháu cũng rất mệt nên tôi bảo cháu ở nhà đừng đi học nhưng nó không nghe, nó ham học lắm. Nó đòi đến trường để được đi học vì nó sợ phải nghĩ học mãi mãi …”.
Vẫn nơm nớp nỗi lo những đứa con bị đói...
Sau khi thông tin về gia đình được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã có một số nhà hảo tâm quyên góp ủng hộ cho gia đình anh chị một số tiền giúp trang trải phần nào nợ nần nhưng hiện tại cuộc sống của gia đình anh Vân, chị Quý vẫn còn hết sức khó khăn. Chị Quý sức khỏe rất yếu không thể làm được các công việc nặng nhọc, chỉ ở nhà chăm 3 đứa con nhỏ. Mọi chi tiêu sinh hoạt của gia đình đều dựa hoàn toàn vào sức lao động của anh Vân. Nhưng những ngày công đi làm thuê ở vùng quê nghèo cũng chẳng đáng là bao nên việc lo cái ăn thường ngày rồi trang trải chi phí học hành cho các con rất khó khăn.
“Căn nhà nhỏ của vợ chồng cũng nhờ vào xã hội, chính quyền địa phương giúp đỡ hỗ trợ trong chương trình xóa nhà tranh tre nứa lá trên địa bàn, chứ vợ chồng tôi làm còn không đủ ăn, không đủ nuôi các con thì lấy đâu ra tiền mà cất nhà. Chứ cứ sống mãi trong túp lều tranh dột nát rồi mỗi lần mùa mưa bão đến mấy mẹ con lại phải co ro ôm nhau ở một xó nhà thì …”, chị Quý cho biết.
Vợ chồng anh Vân, chị Quý có 4 người con, ngoài Nhung là con gái đầu còn có 3 em nhỏ khác là: Phạm Thị Tuyết (8 tuổi), Phạm Thị Nga (4 tuổi) và Phạm Văn Phước (2 tuổi). Gia đình đông con, khó khăn, chị Quý sức khỏe rất yếu nên mọi chi phí sinh hoạt của gia đình đều đặt lên đôi vai của anh Vân.
Anh Vân hiện đang vắt kiệt sức để lao động kiếm sống vì từng ngày trôi qua, người đàn ông này vẫn luôn nơm nớp lo sợ nỗi đau mất con vì... đói nghèo sẽ lại lặp lại thêm một lần nữa. |
"Nhà lại ít ruộng nên tôi thường xuyên phải đi làm thuê ở khắp nơi mong lo được cái ăn cho cả gia đình. Có những lúc kiệt sức, tôi gục ngã, đổ bệnh nằm liệt giường thì cả gia đình phải chịu đói", anh Vân nói.
Anh Vân chia sẻ, ngay khi biết bé Nhung mắc bệnh tim, gia đình đã cố gắng chạy vạy vay mượn khắp nơi được 20 triệu để đưa bé đi làm phẫu thuật. Thế nhưng, số tiền vay mượn để chữa bệnh cho bé Nhung còn chưa trả hết thì cô bé đáng thương đã nằm lại nơi bàn tay tử thần hung ác.
Hiện tại cuộc sống của gia đình chị anh chị vẫn còn rất khó khăn, chưa ngày nào được ăn no, mặc ấm. Sau nỗi đau quá lớn, hiện anh Vân vẫn tiếp tục đi làm công cho các tốp thợ trong làng để kiếm bát gạo, miếng cơm nuôi sống cả gia đình. Dù phải vắt kiệt sức lao động, phải làm nhiều gấp 5, gấp 10 mọi người nhưng người đàn ông này vẫn luôn cố gắng không cho phép mình được ngã quỵ vì chỉ cần một ngày anh không đi làm là ngày đó vợ con phải nhịn đói... Và vì anh vẫn luôn canh cánh nỗi lo, biết đâu đấy, nếu những đứa con của mình vẫn còn bị đói thì nỗi đau như hồi anh mất bé Nhung sẽ vẫn có nguy cơ lặp lại...
Mọi sự giúp đỡ cuat các nhà hảo tâm xin gửi về: Chị Lê Thị Quý Xóm 6, xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. SĐT: 01632.830.267 |