Gia Lai được hỗ trợ xây dựng 570 nhà tiêu hợp vệ sinh tại 9 xã thuộc 7 huyện trong tỉnh. Đây là yếu tố quan trọng góp phần thay đổi hành vi vệ sinh ở nông thôn.
Nằm trong khuôn khổ chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” được thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), Gia Lai được hưởng lợi như trên.
Theo đánh giá của Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho biết, nhu cầu về vệ sinh của người dân nông thôn, đặc biệt là người nghèo, người dân tộc miền núi vẫn còn rất lớn. Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh (NTHVS) ở vùng miền núi, vùng người dân tộc và người nghèo còn rất thấp so với trung bình cả nước.
Xây nhà tiêu hợp vệ sinh tại Gia Lai. |
Tình trạng sử dụng cầu tiêu ao cá không hợp vệ sinh vẫn còn phổ biến ở khu vực ĐBSCL gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước, gia tăng nguy cơ phát sinh dịch, bệnh. Vệ sinh kém không những làm tăng chi phí khám chữa bệnh mà còn ảnh hưởng sức khoẻ, bệnh tật và cải thiện chiều cao của trẻ em, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, vệ sinh kém đã làm nước ta mất khoảng 1,3% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm.
Bền vững về vệ sinh và nước sạch là một trong những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam đến năm 2015 và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Mới đây, Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết với cộng đồng quốc tế mục tiêu đến năm 2025 sẽ chấm dứt việc đi tiêu bừa bãi, đến năm 2030 sẽ có 100% hộ gia đình có NTHVS.
Đầu tư cho vệ sinh là đảm bảo quyền tiếp cận vệ sinh cho mọi người theo cam kết của Chính phủ, đồng thời cũng là đầu tư cho sức khỏe dân tộc và thế hệ tương lai của đất nước: Mỗi giờ cứu 1 người, mỗi ngày cứu 2 trẻ dưới 5 tuổi, nâng cao tầm vóc, trí tuệ của thế hệ tương lai.
Cứ đầu tư 1 USD vào cải thiện vệ sinh ở các nước chưa hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ thì lợi ích thu được là 9,1 USD (lợi ích kinh tế từ vệ sinh tốt: Về sức khỏe tránh được bệnh tật 1,6%; tránh được chi tiêu cho người bệnh 0,2%; tránh được cái chết 5%; tiết kiệm được thời gian 90%; tăng được ngày làm việc, học hành, sống khỏe mạnh 3,1%). Đầu tư vào NTHVS mang lại lợi ích cho mỗi hộ gia đình từ 6,5 - 7,5 triệu đồng/năm. Đầu tư cho vệ sinh là đầu tư cho môi trường sống bền vững; ngăn được 1.500 tấn phân tươi/ngày thải trực tiếp ra môi trường, nguồn nước.
Trước đó, tỉ lệ NTHVS thấp nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (57%), miền núi phía Bắc (58%), Tây Nguyên (61%). Trong 5 tỉnh Tây Nguyên, tỉnh có tỉ lệ NTHVS thấp nhất là Gia Lai (43%), Kon Tum (54%). Tỉ lệ trường học có nguồn nước và NTHVS toàn quốc 91%, trong đó thấp nhất là vùng Tây Nguyên 72% (riêng Gia Lai 51%).
Khi chương trình được thực hiện, tỉ lệ này đang dần thay đổi tích cực. Tính đến năm 2017, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh toàn tỉnh Gia Lai là 53,1%; số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh vùng nông thôn là 118.396; tỷ lệ trường học tại xã vùng nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh là 1.039/1.989 trường học, đạt tỷ lệ 56,25%; hiện tại còn 870/1.989 trường học (chiếm tỷ lệ 43,74%) tại xã thuộc vùng nông thôn của tỉnh chưa có nhà tiêu hoặc có nhà tiêu nhưng không hợp vệ sinh, nhiều nhà tiêu xuống cấp nghiêm trọng.
Các xã được chọn triển khai đều là xã trọng điểm mà theo khảo sát trước đó số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh còn khá thấp, trung bình chỉ 52,1%. Đó là các xã: Đak Rong (huyện Kbang), Ia Phang (huyện Chư Pưh), Ia Ka, Hòa Phú (huyện Chư Pah), Ia Sao, Ia Hrung (huyện Ia Grai), Ia Hiao (huyện Phú Thiện), Đak Yă (huyện Mang Yang) và Ia Glai (huyện Chư Sê).
Nhờ sự quan tâm vào cuộc của chính quyền địa phương trong tuyên truyền về an toàn vệ sinh nên nhận thức người dân những năm qua đã được nâng lên, nhiều thói quen, hành vi vệ sinh chưa chuẩn mực đã thay đổi theo chiều hướng tích cực, góp phần cải tạo môi trường sống, phòng-chống bệnh tật. Tuy nhiên, vì thói quen, tập quán sinh hoạt, nhiều người vẫn tiện đâu xả đó, phóng uế bừa bãi. Ngoài ra, do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều gia đình không xây dựng nhà tiêu hoặc có xây dựng nhưng không hợp vệ sinh gây ảnh hưởng môi trường, dẫn đến nguy cơ bệnh tật.
Uyển Mỹ (T/h)