(ĐSPL) - Sông Ayun đoạn qua địa bàn xã Ayun với chiều dài khá khiêm tốn, chừng 4km nhưng nằm ở vị trí đắc địa nên trở thành miếng bánh béo bở của “cát tặc”. Nhiều năm qua, “cát tặc” khai thác khiến dòng sông bị biến dạng, hai bên bờ sạt lở, ruộng rẫy của người dân bị “ăn mòn” ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất. Người dân nhiều lần “cầu cứu”, nhưng chính quyền địa phương xử lý thiếu kiên quyết. Bức xúc, người dân xã Ayun hùa nhau tự vây bắt “cát tặc”.
“Cát tặc” hoành hành
Trong những năm qua, địa bàn xã Ayun (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) được xem như “điểm nóng” của “cát tặc”.
Cụ thể, theo phản ánh của bà con sinh sống trên địa bàn xã, nhiều năm qua “cát tặc” hiên ngang hoạt động đào bới, khiến dòng sông Ayun bị biến dạng, sạt lở nghiêm trọng. Đất đai, ruộng rẫy của người dân tiếp giáp khu vực bị “cát tặc” lấn chiếm phục vụ hoạt động phi pháp. Mỗi khi mưa lũ kéo về hàng trăm héc-ta hoa màu của người dân bị nước cuốn phăng thiệt hại lớn đến đời sống kinh tế.
Lòng sông Ayun bị “cát tặc” xâu xé. Ảnh: Báo Gia Lai. |
Theo chân người dân địa phương, PV báo ĐS&PL có mặt tại “điểm nóng” nơi “cát tặc” ngày đêm hoạt động ghi nhận thêm thông tin. Quả thật, theo quan sát của PV, khúc sông Ayun đoạn chảy qua địa bàn xã Ayun khoảng 4km, phía bên dưới lòng sông xuất hiện nhiều ổ voi, đất, đá bị bới lên nham nhở để lại nhiều hõm sâu. Hai bên bờ sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào diện tích hoa màu của người dân.
Để bảo vệ tài sản, kế sinh nhai của gia đình, nhiều người dân gửi đơn kiến nghị chính quyền có phương án thiết thực bảo vệ họ. Thế nhưng, thời gian cứ trôi đi tiếng kêu cứu yếu ớt, tuyệt vọng của người dân như “muối đổ bể”. Chính quyền “án binh bất động” trong khi ruộng vườn của bà con bị đe dọa nghiêm trọng.
Ra tay bắt “cát tặc”
Chia sẻ với PV, anh A Klê (35 tuổi, ngụ làng Tur) bức xúc: ““Cát tặc” đâu phải mới hoạt động ngày một ngày hai, chúng xâu xé làm tan hoang dòng Ayun nhiều năm nay”. Lắc đầu ngao ngán, anh Klê phân trần: “Bà con ở đây gửi đơn kiến nghị lên xã rất nhiều lần, trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri cũng phản ánh, nhưng những gì chúng tôi nhận được chỉ là những “lời hứa” trôi đi cùng năm tháng. Những năm trước mưa xuống, ruộng rẫy, hoa màu ngập chìm trong nước, bà con thiệt hại rất nhiều tiền của”.
“Rút kinh nghiệm, năm nay, chuẩn bị bước vào đầu mùa mưa sợ tình trạng cũ tiếp diễn, bà con chúng tôi đề nghị xã, huyện phải kiên quyết vào cuộc xử lý. Điển hình ngày 30/5, dân làng các thôn lân cận đồng tình ùa nhau ra bãi bắt giữ “cát tặc” không cho họ tiếp tục khai thác tạo áp lực lên chính quyền, tình hình mới tạm lắng xuống”, anh A Klê kể.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch UBND xã cho biết, tình trạng “cát tặc” hoành hành mà bà con phản ánh xã đã nắm thông tin, đưa ra nhiều biện pháp xử lý. Tuy nhiên, cái khó, “cát tặc” khai thác lén lút, khi bị phát hiện sẵn sàng đổ cát tẩu thoát. Phương tiện chúng dùng là các loại xe cơ giới nhưng theo thẩm quyền, xã không được phép dừng kiểm tra loại hình phương tiện này. Trước diễn biến phức tạp của “cát tặc”, chính quyền xã đã báo cáo lên huyện đề xuất phương án ngăn chặn lập nhiều chốt barie ngăn không cho xe xuống chở cát để giảm thiểu vấn nạn, giúp bà con yên tâm sản xuất.
HỒ NAM
[mecloud]IBz9TjTNo2[/mecloud]