(ĐSPL) - Nhìn thấy em ngồi ở góc nhà, vật lộn với từng cơn đau vì căn bệnh vảy nến hành hạ, nhiều người không khỏi xót xa. Ước mơ lành bệnh, ước mơ được cắp sách đến trường với em dường như quá xa xôi.
Hoàn cảnh đáng thương đó chính là em Nguyễn Đình Kỳ (SN 2000), trú thôn Nguyên Tiến, xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa).
Ngày Kỳ lọt lòng mẹ, em không có bất cứ dấu hiệu nào của bệnh tật. Đến khi em 11 tháng tuổi, nhiều nốt mụn nhỏ bắt đầy mọc lên trên đầu, rồi dần dần chúng lớn bằng đồng xu và lan khắp cơ thể. Lo cho sức khỏe của con, gia đình đã đưa em đi khám bác sĩ. Lúc này, cả gia đình như chết lặng khi biết Kỳ bị mắc bệnh vảy nến thể mủ.
Không giống như căn bệnh vảy nến thông thường, căn bệnh của Kỳ khiến em luôn sống chung với những vết mủ hôi thối, rất khó chịu. Thương con, anh Nguyễn Đình Diệu (44 tuổi) và chị Lê Thị Lan (36 tuổi) đưa cháu đi chữa trị khắp nơi. Bao nhiêu tiền của trong gia đình cũng dồn hết vào những chuyến đi và những ngày dài chờ đợi ở bệnh viện. Thế nhưng, hi vọng để chữa lành bệnh cho cháu dường như là không thể khi căn bệnh của Kỳ vẫn tái phát. Hàng ngày, từng lớp da trên cơ thể em bong tróc hết lớp này đến lớp khác khiến em đau đớn.
Đến thăm Kỳ trong căn nhà nhỏ hẹp tại thôn Nguyên Tiến, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi khi thấy cậu bé 14 tuổi nhưng nhỏ như học sinh tiểu học đang ngồi nép ở góc giường. Mủ lấm tấm lộ ra lớp áo sơ mi Kỳ đang mặc. Ruồi nhặng bay xung quanh khiến em phải lấy tay che mặt. Thấy chúng tôi hỏi han ân cần, em mới đồng ý cho bà cởi áo ra.
Trên người em, từng mảng da thịt bong tróc, vết mủ lở loét và chảy ra dính hết vào chăn chiếu. Khắp giường, vảy da của em bong ra nhiều trắng xóa. Mùi hôi tanh, mồ hôi toát ra ngấm vào mảng da vừa bong ra khiến em chảy nước mắt vì xót.
Bố mẹ Kỳ đi làm phụ hồ từ sáng sớm tối mới về nên Kỳ ở nhà với bà cô và mấy đứa em nhỏ. Bà Nguyễn Thị Phương (68 tuổi), bà cô của Kỳ tâm sự: "Bố mẹ cháu đi làm phụ hồ kiếm tiền chạy chữa cho cháu Kỳ. Cháu bị bệnh, bố mẹ cũng chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh này khó lành lắm. Thuốc Tây, thuốc Đông y cũng đã uống nhưng bệnh vẫn tái phát”.
Căn bệnh của Kỳ đã làm bố mẹ em dường như kiệt quệ về kinh tế trong khi sau Kỳ còn có ba em nhỏ đang đi học. Đáng nói hơn, anh chị Diệu – Lan còn nuôi bà nội, một bà cô không lấy chồng và một người chú bị mắc bệnh tâm thần. Cuộc sống đã khó khăn nay lại chồng chất khó khăn khi trong nhà có đến 9 miệng ăn.
Một tay dồn vảy da của Kỳ rơi xuống giường, một tay phe phẩy ruồi đậu quanh người Kỳ, bà Phương rơm rớm nước mắt: "Căn bệnh quái ác đã hành hạ cháu nó ngày đêm. Mọi sinh hoạt của cháu phải có người nâng đỡ. Cháu cũng không tự đi lại được. Gia đình hoàn cảnh khó khăn nhưng hễ nghe nói ở đâu có thể chữa bệnh cho cháu là chúng tôi đều mang cháu đi chữa, dù có phải vay mượn tiền đến đâu. Thế nhưng, đến nay, bệnh của cháu vẫn dường như vô vọng”.
Ở cái tuổi 14, lẽ ra em phải được cắp sách tới trường với các bạn cùng trang lứa. Thế nhưng, giờ đây, em chỉ biết ngồi trên chiếc giường với những vết mủ đầy người. Hàng ngày, em cũng chỉ biết làm bạn với chiếc tivi cũ kỹ. Thi thoảng, em lấy cuốn sách lớp 1 của đứa em út ra tập đọc. Đôi mắt em như đang ánh lên khát khao được cắp sách tới trường.
Ông Tống Viết Cư, Trưởng thôn Nguyên Tiến cho biết: "Gia đình anh Nguyễn Đình Diệu thuộc diện hộ nghèo của xã. Vợ chồng trẻ rất vất vả, nuôi 4 đứa con nhỏ, hai bà già yếu và chú mắc bệnh tâm thần. Cháu Nguyễn Đình Kỳ mắc bệnh đã 13 năm nay, gia đình đã đưa đi chạy chữa nhiều nơi nhưng không khỏi. Chúng tôi cũng rất mong các nhà hảo tâm có thể giúp đỡ gia đình để bệnh tật cháu Kỳ được thuyên giảm”.