+Aa-
    Zalo

    Gia đình có cả 3 con nghi chết vì bệnh Whitmore: Nguồn nhiễm khuẩn từ đâu?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thông tin nghi nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm khuẩn Whitmore dẫn đến cái chết của cả 3 cháu bé trong một gia đình ở Sóc Sơn, Hà Nội khiến nhiều người lo sợ.

    Thông tin nghi nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm khuẩn Whitmore dẫn đến cái chết của cả 3 cháu bé trong một gia đình ở Sóc Sơn, Hà Nội khiến nhiều người lo sợ.

    Nguồn gốc lây bệnh chưa xác định, người dân hoang mang

    Cả 3 cháu bé (1 gái 2 trai) là con vợ chồng anh Trần Văn C. (32 tuổi) và chị Trần Thị N.Q. (27 tuổi, cùng trú thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn) lần lượt qua đời chỉ trong vòng 7 tháng không chỉ gây nên nỗi đau khôn nguôi cho gia đình mà còn khiến người dân rất lo lắng. Đến nay, nguồn lây vẫn chưa rõ ràng nên có người cho rằng có bệnh nguy hiểm lưu hành mà Sở Y tế không cảnh báo đến người dân.

    Đứa con cuối cùng của vợ chồng anh C. cũng đã rời bỏ bố mẹ nghi do nhiễm bệnh Whitmore. Ảnh: Trí thức trẻ

    Nói về việc này, cùng ngày, ông Trần Văn Chi (bố anh C) cho biết, gia đình ông đang rất hoang mang vì không biết nguyên nhân tử vong của 3 cháu nội ông.

    "Cả 3 cháu từ khi sinh ra đến trước khi sự việc xảy ra đều rất khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh tật. Còn nguồn nước đó gia đình tôi cũng vẫn dùng từ xưa đến nay mà không có ai bị sao.

    Nếu thực sự các cháu tôi tử vong là do vi khuẩn từ nguồn nước xâm nhập vào vết thương hở của cả ba cháu trong quá trình tắm rửa dẫn đến nhiễm khuẩn gây bệnh Whitmore thì thực sự khiến gia đình tôi rất hoang mang. Gia đình mong các đơn vị chuyên môn nghiêm cứu và sớm đưa ra kết luận để chúng tôi được biết", ông Chi nới với Đất Việt.

    “Cả ba đứa con của tôi đều có vết thương hở. Một đứa bị tai nạn phải khâu bốn mũi, một đứa mổ ruột thừa, cháu bé nhất sau khi xảy ra chuyện với hai đứa con đầu, vợ chồng tôi đưa cháu đi lấy máu xét nghiệm kháng thể. Có thể chính mũi kim để lại trên da sau khi lấy máu đã nhiễm vi khuẩn trong quá trình các cháu tắm rửa”, anh C. cũng nghi ngờ.

    Chia sẻ về việc này, đại diện thôn Đô Lương cho rằng, trường hợp 3 cháu nội nhà ông Chi là rất đặc biệt. Toàn xã Bắc Sơn từ trước đến nay chưa có trường hợp nào xảy ra như thế.

    Giếng nước khoan gia đình anh C. nghi ngờ là nguồn lây vi khuẩn Whitmore cho các con qua vết thương hở. Ảnh: Pháp luật TP HCM

    "Do chưa có kết luận về nguyên nhân tử vong của 3 cháu nên tôi cũng chưa dám thông báo cho bà con trong thôn. Hiện nay người dân trong thôn vẫn đang sử dụng nước giếng khoan này.

    Rất nhiều gia đình gọi điện cho tôi hỏi về trường hợp này, tôi chỉ dám động viên bà con yên tâm, chờ đợi kết luận của các cơ quan chuyên môn", đại diện thôn Đô Lương cho biết.

    Cơ quan chức năng lên tiếng

    Báo cáo của Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn cho biết các gia đình xung quanh gia đình bệnh nhân không có ca bệnh tương tự.

    Do bệnh Whitmore lây từ bùn, đất có vi khuẩn qua đường tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở, ngoài ra có thể lây qua hô hấp, tiêu hóa và có lây từ người sang người nhưng rất hiếm gặp.

    "Nguy cơ bùng phát thành dịch tại Sóc Sơn là không cao" - phó giám đốc Trung tâm y tế Sóc Sơn Lê Đức Tuyên trấn an người dân.

    Báo cáo bệnh lý. Ảnh: Đất Việt

    Chiều ngày 20/11, lãnh đạo Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn cho hay, Viện vệ sinh dịch tễ Trung Ương đã về gia đình vợ chồng anh C. để lấy mẫu nước sinh hoạt đi xét nghiệm.

    "Hiện giờ vẫn chưa có kết quả xét nghiệm mẫu nước đó. Việc này rất khó để bình luận bởi phải dựa vào bằng chứng khoa học mới nói được, còn đâu tất cả mới chỉ là giả thiết thôi. Theo tôi được biết, từ trước đến nay, gia đình anh C vẫn sử dụng nước giếng khoan đó", lãnh đạo Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn cho biết.

    Tuổi Trẻ Online đã liên lạc với ông Nguyễn Khắc Hiền, giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Ông Hiền cho biết Sở Y tế đang điều tra nguồn lây, nguy cơ của căn bệnh này và sẽ có thông báo sớm đến người dân.

    Whitmore, hay còn gọi là "vi khuẩn ăn thịt người" có tỷ lệ tử vong lên đến 40-50%, từng được coi là "căn bệnh truyền nhiễm bị lãng quên" do số mắc rất ít trong khoảng 50 năm qua. Nhưng gần đây bệnh có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt từ tháng 8-2019 đến nay, riêng Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận trên 20 bệnh nhân.

    Trường hợp tử vong đầu tiên là bé T.Q.T (7 tuổi, con gái anh C). Ngày 6/4/2019, bé T. có biểu hiện sốt cao nhưng không có triệu chứng nào khác. Do chủ quan, gia đình không đưa bé đi khám mà chỉ mua thuốc về điều trị tại nhà.

    Tuy nhiên, điều trị tại nhà không có hiệu quả, gia đình đưa T. đến Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn. Một ngày sau, bé được chuyển lên Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn lúc 2h ngày 9/4. Đến 7h ngày 9/4, cháu T. tử vong với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột.

    Trường hợp thứ hai là cháu T.C.V., 5 tuổi. Sau vài tháng chị gái mất vì nhiễm khuẩn, cháu V. cũng có biểu hiện sốt cao vào ngày 27/10. Trước đó tròn một tháng, cháu V. phải trải qua ca phẫu thuật mổ ruột thừa.

    Tại bệnh viện, các bác sĩ kiểm tra thấy vết mổ không nhiễm trùng, xét nghiệm máu không ra bệnh. Vì sốt không rõ nguyên nhân nên các bác sĩ chỉ điều trị sốt thông thường. Đến 21h, ngày 31/10, cháu tử vong. Sau khi cháu qua đời, Bệnh viện có kết quả xét nghiệm máu cháu dương tính với vi khuẩn gây ra bệnh Whitmore.

    Cũng trong khoảng thời gian này, bé út là cháu T.Q.H (1 tuổi) có biểu hiện sốt cao giống anh chị mình. Bé được đưa đến Trạm y tế xã Bắc Sơn, sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn trong ngày 11/11 và cuối cùng được điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương.

    Qua quá trình điều trị, bé đỡ sốt, ăn được nhưng đến ngày 16/11, bé cũng tử vong. Các bác sĩ nghi ngờ bé bị nhiễm vi khuẩn Whitmore.


    Minh Khôi (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-dinh-co-ca-3-con-nghi-chet-vi-benh-whitmore-nguon-nhiem-khuan-tu-dau-a301688.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Hà Tĩnh: Gần 40% ca nhiễm Whitmore tử vong

    Hà Tĩnh: Gần 40% ca nhiễm Whitmore tử vong

    Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh đã tiếp nhận 6 ca nhập viện do bị nhiễm vi khuẩn Whitmore. Theo các chuyên gia cho biết, trong 7 tỉnh được khảo sát