Gia đình bị “ma ám” vì bốn đời hành nghề “cướp cơm của Hà Bá”? Đời Sống Pháp Luật
+Aa-
Zalo

Gia đình bị “ma ám” vì bốn đời hành nghề “cướp cơm của Hà Bá”?

  • DSPL

(ĐS&PL) - (ĐSPL) - Có một điều trái ngang, chẳng biết từ đâu nhưng miệng đời đồn thổi rằng hai người con gái sinh đôi của cụ bị dị dạng do ma sông nước “ám”.

(ĐSPL) - Khúc sông ngoằn ngoèo chảy qua địa phận thôn Vạn Chài, xã Văn Khê (Mê Linh, Hà Nội) mang vẻ huyền bí gắn liền với sự bí ẩn của gia đình cụ Phan Đình Oanh bấy lâu nay. Hiện tại, nhà cụ đã có đến bốn đời làm cái nghề lênh đênh trên sông nước cứu người. Có một điều trái ngang, chẳng biết từ đâu nhưng miệng đời đồn thổi rằng hai người con gái sinh đôi của cụ bị dị dạng do ma sông nước “ám”. Vượt qua mọi lời đàm tiếu, thêu dệt, các thế hệ sau gia đình cụ vẫn làm công việc không công ấy với tâm niệm: “Cứu người hành thiện chứ không mong chờ báo ơn”.

“Tái sinh” mạng sống cho hơn 80 người

Chưa có một số liệu thống kê đầy đủ, thế nhưng vào mùa mưa bão, đoạn sông Hồng chảy qua thôn Vạn Chài luôn đọng lại nước mắt. Mỗi khi phải đi qua bến sông, ai cũng rùng mình, nơm nớp lo sợ “Hà Bá” dưới sông lấy mạng. Theo nhẩm tính của Trưởng thôn Vạn Chài thì ngày trước, trung bình mỗi năm có khoảng gần 10 người chết đuối trên sông.

Về sau đó, cái biệt danh “ông Oanh vớt xác người trên sông” đã trở nên quá quen thuộc. Mỗi khi trong xóm có người chết đuối hay phải tìm xác người chết là y như rằng họ đến gõ cửa nhà ông. Tiếp đó đến đời ông Oánh, rồi thế hệ sau là anh Phan Đình Anh vẫn “hành nghề” chở đò, vớt xác, cứu người trên sông Hồng.

Vì năm nào cũng có người phải nộp mạng cho Hà Bá, nhiều người dân Vạn Chài sợ sẽ đến lượt mình gặp tai ương nên dần bỏ bến hoặc chuyển hẳn lên bờ để sinh sống bằng nghề khác. Dù vậy, gia đình ông Phan Đình Oánh (64 tuổi) nhiều đời nay vẫn kiên quyết bám trụ ở khúc sông này. Ngày ngày, hai cha con họ vẫn trôi theo con nước, thả lưới bắt tôm, đánh cá mưu sinh và kiêm thêm việc vớt xác, cứu người.

Theo lời người dân kể lại, gia đình ông gốc ở xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc, từ gần 100 năm, ông nội ông Oánh là cụ Phan Đình Nhung bỏ xứ, ngược sông Hồng lên Vạn Chài đóng thuyền mưu sinh. Ông Oánh cho biết: “Gia đình tôi cũng không nhớ đã cứu được bao nhiêu người không may bị đuối nước. Chỉ nhớ năm ngoái khi mọi người ngồi nói chuyện với nhau nhẩm lại thì cũng cứu được khoảng 80 người. Trong đó, đa phần là người dân quanh vùng”.

Đáng nhớ nhất là lần cụ Nhung liều mạng cứu 40 người. Hồi ấy, cụ đang cất lưới đánh cá ở đoạn sông thuộc xã Thạch Hà, thì gặp chuyến đò đưa 40 công nhân sang sông bị lật giữa dòng, làm mọi người nháo nháo ngã xuống sông. May thay cụ Nhung kịp thời phóng thuyền ra ứng cứu đưa được cả 40 người vào bờ an toàn. Nhiều người mang ơn cứu mạng, đã mang lễ đến nhà để tạ ơn, nhưng cụ không nhận. Cụ luôn răn dạy con cháu: “Cứu người hành thiện chứ không mong chờ người ta trả ơn”. Bởi thế gia đình cụ nghèo khó nhưng được người dân gần xa yêu mến, nức lời khen ngợi.

Rồi đến đời cụ Oanh, không quản ngày đêm hay mưa giông gió bấc, chỉ cần nghe tiếng người kêu cứu là cụ sẵn sàng lao tới, bất chấp hiểm nguy đến tính mạng. Có lần khoảng 5h sáng, ngoài trời sương giăng khắp mặt nước, mưa phùn, gió rít làm con thuyền như run lên từng hồi. Giữa cái lạnh của đêm đông, tiếng kêu cứu phá tan màn sương lạnh giá, cụ từ trong thuyền, nhanh chân lao về phía có tiếng kêu cứu. Khi cụ cứu được người lên thuyền cũng là lúc toàn thân cụ tê dại, run lên bần bật vì lạnh. “Lúc lên bờ, người toàn thân tím tái, run bần bật, nhưng cụ vẫn xua tay bảo không sao rồi gọi mọi người xung quanh đưa nạn nhân về thuyền để nhóm bếp sưởi ấm”, ông Oánh kể về người cha quá cố của mình.

Gia đình bị “ma ám” vì bốn đời hành nghề “cướp cơm của Hà Bá”!?
Ông Phan Đình Oánh và con trai Phan Đình Anh vẫn tiếp tục “kế nghiệp” cứu người trên sông Hồng.

Bị “thần sông” trả đũa?

Nhiều người trong thôn Vạn Chài đồn thổi rằng, vì cụ Oánh cướp quá nhiều “miếng cơm” của Hà Bá nên bị “thần sông” trả đũa. Cả hai người con gái sinh đôi của cụ đều bị tật nguyền. Một trong hai người đã mất năm 2011 vì bạo bệnh.

Theo tìm hiểu, hai vợ chồng cụ Phan Đình Oanh (bố ông Phan Đình Oánh) sinh được sáu người con, tất cả đều khỏe mạnh, chỉ trừ hai chị em sinh đôi bị dị dạng từ bé. Xoay quanh chuyện này có nhiều người đồn rằng do cụ Liu Thị Đọn, vợ cụ Oanh trước kia khi mang thai vẫn tham gia cứu người chết đuối nên bị “ma ám”.

Nhắc về câu chuyện của gia đình ông Oanh, một người dân sống cạnh khúc sông này cho rằng: “Người xưa truyền rằng khi xảy ra vụ đuối nước thì chắc chắn sẽ có một con ma ở đúng vị trí đó. Do vậy, con ma đó sẽ bắt người khác chết đuối để thay chính bản thân nó. Vì thế khi ông bà Oanh cứu vớt người chết đuối thì đương nhiên mang oán với con ma kia”.

Năm 2010, cụ Oanh qua đời vì bạo bệnh, ông Oánh lại tiếp nối công việc của cha ông mình. Ngày ngày, ông cùng con trai vẫn lênh đênh trên sông nước, thả lưới kiếm sống và thực hiện công việc thiêng liêng cao cả là cứu người gặp nạn. Mặc dù tật nguyền, nhưng cô Sen, một trong hai người con tật nguyền cũng từng cứu được 4 người thoát khỏi miệng Hà Bá. Trong số đó, có một cô gái ở Hạ Lộc, Mê Linh vì đau buồn chuyện tình cảm mà gieo mình xuống sông tự vẫn, sau đó cô Sen kéo lên được. Sau khi thoát chết, cô gái được cô Vinh (chị gái cô Sen) lấy tấm thân tật nguyền ra làm gương khuyên nhủ, may thay cô gái từ bỏ ý định quyên sinh. “Đến nay cô gái đã lập gia thất và thi thoảng vẫn bế con về thăm lại ân nhân”, bà Sen tâm sự.

Không chỉ dừng lại ở việc cứu người, gia đình ông còn vớt được 17 xác chết trôi từ thượng lưu về. Ngoài những xác có người đến nhận và giao cho chính quyền xã, gia đình ông cũng đã mai táng chôn cất cho 8 thi thể. “Nhà nghèo, chỉ cuốn cho họ manh chiếu, chôn xuống bãi cát và cắm nén nhang gọi là làm phúc”, ông Oánh xót xa.

Gia đình bị “ma ám” vì bốn đời hành nghề “cướp cơm của Hà Bá”!?
“Ngôi nhà” sinh sống trên sông nước của bà Sen.

Mong con thuyền có ngày cập bến

Theo lời chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến gặp bà Sen - người được đồn thổi là bị “ma ám”. Đón chúng tôi trên chiếc thuyền cũ, chòng chành theo nhịp sóng, bà Sen nhỏ bé với đôi chân tật nguyền teo tóp, đang cố gắng lái mái chèo trên dòng nước mênh mông. Dùng đôi tay lành lặn, thay cho đôi chân lê từng bước một, phải khó khăn lắm bà mới di chuyển được từ chiếc thuyền nhỏ vào bờ. Thấy vẻ mặt ái ngại của chúng tôi, bà cười bảo: “Không sao, tôi quen rồi”.

Rót nước mời khách, người đàn bà với khuôn mặt có nhiều nếp nhăn, đen sạm, cao khoảng 70cm tâm sự về những lần “chết trượt” khi sống một mình trên thuyền. “Bốn lần ngã xuống sông nhưng mà ông trời chưa cho chết, tôi chìm hết đầu rồi lại nổi lên. Có lần tôi đi buông lưới bị cái tàu chở xi măng đâm vào giữa thuyền, lăn tòm xuống sông. Cả làng chài ai cũng nghĩ tôi chết nhưng may mắn có người nhìn thấy nên cứu chứ chẳng phải ma mị gì cả”.

Im lặng trong giây lát, bà Sen bày tỏ nguyện vọng muốn được lên bờ, muốn được chữa trị bệnh. “Nhiều lần anh Oánh, anh trai tôi cũng bảo ra đón tôi về ở nhưng nhà anh ấy nghèo quá chẳng có ruộng đất, vợ anh lại bạo bệnh nên tôi không muốn thêm gánh nặng cho họ”, bà Sen thở dài.

Từ biệt bà, chúng tôi vội vã ra về vì cơn giông cuối chiều đang ập đến. Đi được một chặng, chúng tôi trú mưa bên gầm cầu thì thấy phía xa thấp thoáng con thuyền nhỏ của bà Sen vẫn đang lênh đênh trên sông nước...

Chuyện “ma ám” chỉ là câu chuyện được thêu dệt

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Đỗ Trung Chính, Trưởng thôn Vạn Chài cho biết: Gia đình ông Oánh có tiếng tốt ở quê hương bởi nhiều đời cứu người chết đuối trên sông. Trước đây do nước sông còn lớn, bà con sản xuất thường đi qua đò nên hay gặp tai nạn. Gia đình họ làm nghề cá trên sông nên cứu vớt được nhiều người, chỉ tính riêng người dân địa phương cũng lên đến dăm chục người.

Bày tỏ quan điểm về những lời đồn do cụ Oanh vớt người chết đuối khi vợ cụ Oanh đang mang thai mới sinh hai con tàn tật, vị Trưởng thôn Vạn Chài nói: “Các cụ sinh ra trong thời chiến, đi kháng chiến chống Pháp thì có thể bị chất độc màu da cam, dẫn đến việc con cái bị dị tật. Chuyện đồn thổi gia đình ông ấy bị ma ám, hay do cứu nhiều người nên “thần sông” trả thù chỉ là những câu chuyện không có thật, được thêu dệt lên”.

Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-dinh-bi-ma-am-vi-bon-doi-hanh-nghe-cuop-com-cua-ha-ba-a41741.html
Zalo

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

Đã tặng:
Tặng quà tác giả

Bổ ích

Xúc động

Sáng tạo

Độc đáo
BÌNH LUẬN
Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
Tin cùng chuyên mục
Nổi bật trong ngày
Khi nào vượt đèn đỏ không bị phạt?

Khi nào vượt đèn đỏ không bị phạt?

Tư vấn pháp luật01:15 07/01/2025

Những trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông dù không chấp hành tín hiệu của đèn giao thông nhưng sẽ không bị xử phạt.

Tác dụng bất ngờ của tro ngải cứu

Tác dụng bất ngờ của tro ngải cứu

Sức khoẻ - Làm đẹp00:05 07/01/2025

Tro ngải cứu chứa nhiều thành phần khoáng chất và hợp chất có lợi, mang lại nhiều tác dụng bất ngờ trong đời sống và y học.