"Gia cố, lắp đặt tùy tiện sinh ra ẩn họa” Đời Sống Pháp Luật
    +Aa-
    Zalo

    "Gia cố, lắp đặt tùy tiện sinh ra ẩn họa”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Đó là nhận xét của KTS Đỗ Thanh Tùng, Viện trưởng viện Kiến trúc Quốc gia (bộ Xây dựng) khi trao đổi với PV báo ĐS&PL về hàng loạt vụ rơi bồn nước gây chết người.

    (ĐSPL)- Đó là nhận xét của KTS Đỗ Thanh Tùng, Viện trưởng viện Kiến trúc Quốc gia (bộ Xây dựng) khi trao đổi với PV báo ĐS&PL về hàng loạt vụ rơi bồn nước gây chết người.

    Theo KTS Thanh Tùng, nguyên nhân dẫn đến những tai nạn thương tâm do bồn nước rơi, chính là sự lắp đặt, gia cố một cách tùy tiện, cẩu thả của chính con người.

    Bồn nước được lắp đặt chi chít trên nóc nhà Thủ đô. (Ảnh minh họa/báo Xây dựng)

    Việc kiểm tra lắp đặt bồn nước còn bỏ ngỏ

    Thưa ông, thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng do rơi bồn nước sinh hoạt khiến người dân bất an. Ông đánh giá như thế nào về việc dùng bồn nước sinh hoạt trong kiến trúc xây dựng hiện nay ở Việt Nam?

    Trước đây, người ta xây bể nước bằng gạch và xi măng. Nhưng bây giờ hầu hết các công trình từ nhỏ đến lớn đều chuyển sang dùng bồn nước bằng chất liệu i-nox, tôn, thép... Ưu điểm của chúng là vỏ nhẹ, không thấm nước xuống trần nhà.

    Bởi vậy, làm sao để đảm bảo an toàn đối với những bồn nước khi đầy nước có thể nặng đến cả tấn trên cao là điều đáng quan tâm. Tuy nhiên, trên thực tế, việc lắp đặt bồn nước ở các công trình còn rất tùy tiện, không đảm bảo an toàn.

    Điều đáng lo ngại, ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, lượng nhà trọ, nhà tạm, hay các khu tập thể cũ xuống cấp khá nhiều. Ở những khu này, bồn nước được lắp đặt, gia cố hời hợt bằng những thanh, ống thép nhỏ.

    Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những vụ việc đau lòng chỉ vì sự cẩu thả do con người gây ra.

    Thưa ông, không ít những vụ việc đau lòng do bồn nước rơi, vậy đâu là nguyên nhân?

    Thực tế, hiện các công trình ở nước ta lắp đặt bồn nước một cách rất tùy tiện, chắp vá, ai thích lắp thế nào cũng được. Có những nhà đặt bồn nước trên nóc tum, nhìn bằng mắt thường cũng thấy rất chênh vênh, có thể rơi bất cứ lúc nào.

    Ngoài ra, việc cấp giấy phép xây dựng còn nhiều vấn đề. Ở rất nhiều địa phương, họ cấp phép xây dựng nhà cao tầng rất tràn lan, chỉ thông qua bản thiết kế sơ sài cũng duyệt, các hạng mục nhỏ gần như không để ý. Thậm chí, có công trình sai phạm vượt quá số tầng cho phép cũng chỉ bị phạt nhẹ, coi như chuyện đã rồi. Nói thế để thấy, hạng mục lớn, sai phạm xử lý còn nhiều hạn chế, nói gì đến việc lắp bồn nước.

    Ngoài ra, nguyên nhân quan trọng đó là kết cấu giá đỡ, gia cố bồn nước chủ yếu do người dân tự gọi thợ đến lắp đặt. Cả chủ và thợ đều không có chuyên môn về kỹ thuật. Bên cạnh đó, trước áp lực cạnh tranh, nhiều công ty còn khuyến mại mua bồn nước được lắp đặt trọn gói tận công trình.

    Vì lợi nhuận, họ lắp đặt một cách qua loa, kết cấu giá đỡ chỉ là cho có, như thế làm sao đảm bảo kỹ thuật, đảm bảo an toàn. Cũng cần phải nói thêm, hiện nay chúng ta không có bất cứ cơ quan nào thanh, kiểm tra các bồn chứa nước ở các nhà cao tầng. Việc buông lỏng quản lý khiến hầu hết các gia đình chỉ gắn bồn nước một cách qua loa, cẩu thả.

    Tính mạng con người là trên hết

    Vậy các nước trên thế giới, họ có bố trí, lắp đặt bồn nước như ở nước ta không, thưa ông?

    Các nước trên thế giới họ cũng dùng bồn chứa nước bằng i-nox như chúng ta và cũng đặt ở những vị trí cao nhất của công trình. Tuy nhiên, trong kiến trúc xây dựng, họ đề cao tính thẩm mỹ và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Họ có hẳn một bộ phận thiết kế, tính toán để đặt vị trí bồn nước trong công trình.

    Ngoài ra, ở nước ngoài có những quy định rất chặt chẽ đối với từng hạng mục của công trình, trong đó có việc lắp đặt bồn nước. Bồn nước phải gắn vào công trình, tức là có mái che và được xây quây xung quanh.

    Bên cạnh đó, họ cũng có những quy định cụ thể, tùy theo kết cấu móng nhà, kết cấu công trình, diện tích bao nhiêu thì được phép lắp bồn dung tích bao nhiêu...

    Theo kinh nghiệm của ông, để hạn chế những vụ tai nạn liên quan đến sự cố bồn nước, đặc biệt trong mùa mưa bão, cần có những giải pháp nào?

    Tôi cho rằng, các địa phương cần phải có những quy định về việc quản lý những cấu kiện rời đối với công trình xây dựng trên địa bàn. Để đảm bảo an toàn, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng như nước ngoài, đó là bồn nước phải có mái che, được quây chắn chứ không phải đặt trên mái, trên nóc nhà tùy tiện như vậy.

    Tính mạng con người là trên hết. Các cơ quan cấp phép cũng như giám sát, kiểm soát xây dựng phải kiên quyết với các công trình, yêu cầu đảm bảo các hạng mục, cấu kiện rời an toàn mới cấp phép. Làm được như thế sẽ hạn chế tối đa những tai nạn không đáng có.

    Đồng thời, công tác kiểm soát, giám sát việc lắp đặt bồn nước mới, bồn nước cũ phải kiểm tra định kỳ, nếu sai phạm phải kiên quyết xử lý, không đảm bảo phải yêu cầu sửa chữa, gia cố ngay. Cũng có trường hợp do mưa nắng, nhiều thanh sắt chân bồn han gỉ dễ dẫn đến gãy, đổ. Các cơ quan chức năng phải yêu cầu chủ nhà thay thế, khắc phục.

    Đặc biệt, chuẩn bị đến mùa mưa bão, việc kiểm tra các bồn nước này rất quan trọng và cần thiết.

    Xin cảm ơn ông!

    Văn Chương-Vũ Phương-Phạm Thiệu

    Xem thêm video:

    [mecloud]saVn8LugEi[/mecloud]

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-co-lap-dat-tuy-tien-sinh-ra-an-hoa-a110345.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin cùng chuyên mục
    Nổi bật trong ngày