Tính tới ngày ¾, Thuỵ Sỹ có tới 19.303 trường hợp nhiễm Covid-19 với trung bình 1.000 trường hợp nhiễm mới mỗi ngày.
Tính tới ngày 3/4, đã ghi nhận hơn 19.000 ca nhiễm Covid-19 ở Thuỵ Sỹ. Ảnh: LT |
Bộ Y tế Thụy Sỹ cho biết đã xét nghiệm virus SARS-CoV-19 cho 145.780 người, kết quả dương tính chiếm khoảng 15%. Trong số 484 người chết, có 307 nam và 177 nữ ở độ tuổi 32-101. Với 469 người chết đã có bệnh án đầy đủ, 97% mắc một hoặc nhiều bệnh lý nền gồm cao huyết áp, bệnh tim mạch hoặc tiểu đường.
Daniel Koch, người đứng đầu bộ phận phụ trách bệnh truyền nhiễm của Văn phòng Y tế Công cộng Liên bang Thụy Sỹ, cho biết số ca nhiễm mới tăng khoảng 1.000 mỗi ngày.
"Điều này có nghĩa là tốc độ tăng không còn quá cao nhưng vẫn có số lượng đáng kể người nhiễm bệnh mỗi ngày. Chúng tôi chắc chắn chưa đạt đến đỉnh dịch và còn quá sớm để dự báo khi nào Thụy Sỹ quay trở lại bình thường", Koch nói trong cuộc họp hôm nay báo tại Bern.
Koch cho biết giới chức sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp "làm dịu tình trạng khẩn cấp", đồng thời khuyên dân chúng ở nhà, giữ khoảng cách và thực hiện các biện pháp vệ sinh để giảm lây nhiễm Covid-19.
Trước đó vào ngày 1/4, Chính phủ Thụy Sỹ công bố gói hỗ trợ tài chính mới để giúp nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khi 15% người lao động quốc gia này ở trong tình trạng thất nghiệp một phần.
Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sỹ Guy Parmelin cho biết, gói hỗ trợ lần này trị giá 32 tỷ CHF (khoảng 32,6 tỷ USD) sẽ hướng tới các doanh nghiệp nhỏ độc lập không được nhận hỗ trợ từ gói cứu trợ lần thứ nhất đã ban hành trước đó (trị giá 20 tỷ CHF), các công ty một thành viên bao gồm cả trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và những người lao động theo yêu cầu.
Bộ trưởng Parmelin đánh giá, hiện nền kinh tế Thụy Sỹ đang trong cuộc khủng hoảng lớn, nặng nề nhất kể từ Thế chiến 2. Con số thất nghiệp một phần đã tăng mạnh do dịch bệnh và dự kiến tiếp tục gia tăng. Tính đến ngày 28/3, khoảng 750.000 người - tương đương 15% người lao động ở trong tình trạng thất nghiệp một phần.
Mặc dù là một trong những nước giàu và có hệ thống y tế tốt nhất thế giới nhưng trước quy mô quá lớn của dịch Covid-19, Thụy Sỹ đang rất khó khăn trong ứng phó dịch và cần sự hỗ trợ nhân đạo của các tổ chức nhân đạo trong lĩnh vực y tế. Tổ chức Bác sỹ không biên giới có trụ sở tại Geneva đánh giá, Covid-19 là đại dịch lớn nhất đối với Thụy Sỹ kể từ đại dịch Cúm Tây Ban Nha năm 1918 khiến 21.000 người chết.
Thanh Tùng (T/h)