(ĐSPL) - Đó là nhận định của ông Võ Việt Hà - Phó Ban tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, Hội Luật gia Việt Nam tại Hội thảo "Công nhận quyền im lặng & việc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung - Tác động đa chiều" được tổ chức vừa qua tại Hà Nội.
Ông Hà nhấn mạnh, trong các cuộc hỏi cung bị can, cơ quan điều tra phải tiến hành ghi âm, ghi hình một cách công khai. Do đó, cũng cần điều chỉnh, cân đối các phương án, góp phần đưa tiến bộ vào lộ trình hoàn thiện Luật Tố tụng Hình sự.
Xem video:
Đồng quan điểm với ông Võ Việt Hà, bà Đặng Thị Nga - Chuyên gia tư vấn pháp lý cũng cho rằng, ghi âm, ghi hình trong các cuộc hỏi cung là việc làm phù hợp. Tuy nhiên, quy định này không phải luôn áp dụng đối với tất cả các trường hợp mà cần có sự linh hoạt nhất định.
Xem video:
Liên quan tới chủ đề trên, Thiếu tá Ngô Đức Thắng, Trưởng phòng V19 - Bộ Công an phân tích: quy định về việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can là một quy định tiến bộ, ngoài việc góp phần bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình thì việc ghi âm, ghi hình còn bảo vệ người hỏi cung trước sự vu cáo về việc bức cung, dùng nhục hình.
Tuy nhiên, quy định về việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can như thế nào để vừa đạt được mục đích, yêu cầu, hiệu quả đề ra, nhưng đồng thời phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam là vấn đề cần được quan tâm. Theo đó, cần xem xét vấn đề này dưới các góc độ để cân nhắc, tính toán quy định sao cho phù hợp.
Xem video:
"Để bảo đảm yêu cầu, mục đích đề ra; đồng thời, bảo đảm tính khả thi thì không nên quy định ghi âm, ghi hình tất cả các cuộc hỏi cung bị can, chỉ nên quy định ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trong những trường hợp bị can kêu oan, không nhận tội hoặc các bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng" Thiếu tá Thắng nhấn mạnh.
Hội thảo "Công nhận quyền im lặng và việc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung – Tác động đa chiều" nằm trong chuỗi hội thảo khoa học thuộc Chuyên mục “Luật sư & Sự kiện” của Báo Đời sống & Pháp luật được tổ chức vào sáng ngày 15/9 tại Văn phòng Hội Luật gia Việt Nam. Hội thảo có sự tham gia của các Giáo sư, Tiến sỹ, chuyên gia hàng đầu về luật đến từ các cơ quan: Viện Chính sách công và Pháp luật; Đại học Luật Hà Nội; Liên đoàn Luật sư Việt Nam; TAND tối cao, Ủy ban Pháp luật Quốc hội; Bộ Công an cùng đông đảo các luật sư, luật gia... |
Vũ Đậu