(ĐSPL) - Trong những ngày này, chúng tôi tìm về với người dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) tự hào vì vùng đất đảo tiền tiêu này là quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa, những người Việt Nam đầu tiên thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa trên biển Đông.
Bên cạnh đó, họ còn tự hào về những chiếc ghe buồm đã đưa chiến binh Hoàng Sa cưỡi sóng ra khơi, sau đó tổ tiên họ dùng làm phương tiện để chinh phục sóng dữ ra biển Đông đánh cá...
Phục dựng từ ký ức
Chúng tôi tìm đến nhà cụ Võ Hiển Đạt (82 tuổi) ở thôn Tây, xã An Vĩnh (Lý Sơn) là lúc cụ đang bận rộn với cây kéo, bút lông để cắt, vẽ những chiếc thuyền giấy, tượng trưng cho ghe của đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa. Những chiếc ghe này sẽ được thả xuống biển trong ngày lễ trai đàn bạt độ cầu siêu, nhằm triệu vong linh các chiến sỹ trong hải đội Hoàng Sa năm xưa tử vong ngoài biển khơi về với tiên linh, với quê hương đất tổ...
Mô hình chiếc ghe buồm của đội hùng binh Hoàng Sa được trưng ở nhà lưu niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại Lý Sơn. |
Sự thần kỳ của những chiếc ghe đội hùng binh Hoàng Sa sử dụng còn hấp dẫn nhiều nhà nghiên cứu lịch sử. Một lần ghé thăm nhà ông Phạm Thoại Tuyền ở thôn Đông, xã An Vĩnh (Lý Sơn), hậu duệ của cụ Phạm Hữu Nhật, nhân vật được cho là một trong những người đầu tiên cắm cột mốc chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, tôi được ông Tuyền cho xem bản vẽ mô hình chiếc ghe đi Hoàng Sa do nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã sưu tầm.
Trên ghe còn có nhiều vật dụng sinh hoạt như thùng chứa nước, thùng chứa gạo được làm bằng gỗ, củi nấu, nồi đồng nắp đậy bằng nan tre, chảo đồng... và những dụng cụ dùng để xử lý ghe những khi gặp sự cố lậu nước như: dầu rái, vỏ cây tràm... Từ ký ức và từ hình mẫu chiếc thuyền cúng trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, năm 2011, cụ Võ Hiển Đạt làm trưởng nhóm nghiên cứu nhằm phục dựng mô hình chiếc thuyền mà chiến binh Hoàng Sa dùng để chinh phục biển Đông, ra Hoàng Sa thực hiện nhiệm vụ vua giao.
“Ngay từ hồi hải đội Hoàng Sa còn hoạt động, lễ tế này đã được thực hiện nhằm làm yên lòng người đi, nên hình mẫu chiếc ghe buồm trong lễ tế vẫn được lưu truyền từ đời này sang đời khác cho đến nay”, cụ Võ Hiển Đạt nói.
Từ nửa đầu thế kỷ XX, mô hình ghe buồm của đội hùng binh năm xưa được ngư dân Lý Sơn áp dụng đi đánh bắt hải sản tại vùng biển Hoàng Sa. Lão ngư Nguyễn Ân (82 tuổi) ở khu 6, thôn Tây, xã An Vĩnh (Lý Sơn) kể: Thời ấy chỉ đi ghe buồm. Ghe được đóng ván 2 bên mạn, đáy làm bằng mê tre trát dầu rái, dài khoảng 24 thước mộc, rộng 7 thước và cao 7 tấc mộc. Mỗi lần ra khơi chỉ đi được 4 người, đánh bằng lưới gai. “Lúc có gió thì giong buồm, hết gió anh em cùng chèo. Đêm đốt đèn bão đi, phải mất 4 ngày đêm mới ra tới ngư trường Hoàng Sa, đánh bắt đúng nửa tháng là về”, ông Ân nói.
Tốc độ thần kỳ
Kể về những chiếc ghe buồm, cụ Võ Hiển Đạt cho biết, năm 1945, quân đội Pháp sang Lý Sơn và giải tán các xưởng đóng ghe buồm ở đây. Năm đó, cụ Đạt mới 15 tuổi, lứa tuổi đầy tò mò, cộng với sự hấp dẫn của những chuyện kể của ông bà về những chiếc ghe buồm mà tổ tiên của ông trong đội hùng binh Hoàng Sa đã từng chinh phục biển Đông, ông tìm những người “thợ chiến” để tìm hiểu, học nghề.
Cụ Võ Hiển Đạt cắt chiếc ghe buồm bằng giấy. |
“Hồi đó, ghe câu của ngư dân Lý Sơn dài từ 12-18m, rộng từ 2,5-3m, sâu từ 1,8-2m. Ghe câu thời ấy thường được đóng bằng gỗ và tre. Gỗ được làm khung sườn và phần trên ghe, tre được đan thành mê bao bọc phần dưới ghe, trát dầu rái để tránh nước thấm vào. Nguyên liệu tre được dùng làm ghe chính là sự sáng tạo của người xưa, bởi nó làm cho chiếc ghe trở nên nhẹ nhàng, lướt sóng dễ dàng mà chịu đựng sóng gió tốt”, cụ Đạt cho biết.
Theo các bậc lão niên ở huyện đảo Lý Sơn, nhờ ghe nhẹ nên các hùng binh Hoàng Sa dễ dàng lướt sóng, vượt qua các bãi cạn và rạn san hô, di chuyển vào sát bờ, đổ bộ lên quần đảo Hoàng Sa. Đặc biệt, nếu gặp địch, xảy ra thủy chiến thì những chiếc ghe buồm rất dễ xoay xở, tấn công chớp nhoáng khiến tàu địch đối phó không kịp.
Sử sách còn ghi, nhiều thương nhân nước ngoài khi ghé đến Đàng Trong đều nhắc đến những chiếc ghe độc đáo của ngư dân Việt. Ví như nhà sư Thích Đại Sán, khi đi thuyền vào xứ Đàng Trong vào năm 1696 đã không “đừng được” trước sự thần kỳ của chiếc ghe buồm nên đã nói rất nhiều về nó trong cuốn ghi chép “Hải ngoại ký sự”. Nhất là khi chiếc thuyền to chở ông bị mắc cạn tại vùng biển gần Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng
Ngồi trên ghe buồm mà nhà sư cứ thấy mình như “bay” trên mặt nước, vì những chiếc ghe nhẹ tênh chạy như lướt trên đầu sóng. Có lẽ vì thế mà nhà sư Thích Đại Sán mới đặt tên cho những chiếc ghe buồm của ngư dân Việt là “điêu xá”.
Nếu gặp gió thuận, chiếc ghe buồm lướt nhanh gấp 10 lần những chiếc thuyền gỗ to. Cả chính sử nước Việt và tư liệu hàng hải quốc tế cũng ghi nhận nhà Nguyễn đã nhiều lần cử ghe buồm đi cứu hộ tàu các nước Hà Lan, Pháp, Anh... bị đắm trong vùng biển Việt Nam.
Bây giờ, chiếc ghe buồm đã lùi về dĩ vãng. Thế nhưng, trong tâm khảm của những người có gần trọn cuộc đời gắn bó với nghề đóng ghe, tàu đi biển như ông Nguyễn Tấn Trà (77 tuổi) ở xã Nghĩa Phú (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), chiếc ghe buồm ngày xa xưa vẫn rất thần kỳ.
“Trong bộ sách “Nguyễn Phúc tộc đế phá tường giải đồ” của nhà Nguyễn cho thấy, để sống trên biển suốt 6 tháng, trên mạn ghe của hải đội Hoàng Sa còn được đổ đất để trồng nhiều loại rau. Ngoài ra trong kho lương còn có thịt thưng và cám gạo, xem như lương khô của quân đội bây giờ”, cụ Võ Hiển Đạt cho biết thêm.
LÃ AN
Xem thêm video: Hải quân Việt Nam - 60 năm hành trình giữ biển
[mecloud] jJGcB0piHe[/mecloud]