Sau khi bắt được hung thủ giết chết 4 người trong gia đình ông Lo Văn Bình (81 tuổi) ở bản Phồng (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An), Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã trả lời những nội dung bạn đọc quan tâm liên quan đến vụ án gây chấn động dư luận này.
Quá trình truy bắt hung thủ, lực lượng công an đã gặp những trở ngại gì, thưa ông?
Đây là một địa bàn giáp biên giới, địa hình khó khăn hiểm trở. Từ thị trấn Hòa Bình(huyện Tương Dương) đi vào bản Phồng (xã Tam Hợp) bằng ôtô hết gần 2 giờ đồng hồ. Sau đó từ bản Phồng phải đi bộ vào hiện trường hết khoảng 1h30 nữa. Đường đi rất dốc, phải qua nhiều khe suối, nếu trời mưa không thể vào hiện trường được. Các chiến sĩ phải ăn lương khô, uống nước suối, có hôm anh em phải múc nước suối để pha mì tôm.
Tất cả những khó khăn vất vả của anh em từ tỉnh đến Trung ương nhìn thấy rất rõ. Tuy nhiên, những khó khăn này chưa thấm vào đâu, khó khăn nhất, vất vả nhất của anh em là không hiểu được tiếng bản địa.
Ngay cả những người dân tộc Thái, dân tộc Mông, Khơ mú... cũng không biết tiếng bản địa của tộc người Tày Poọng. Mình nói thì họ nghe được nhưng, họ nói thì mình không tài nào nghe được. Chính vì thế mà khó khăn về mặt vật chất không có gì trở ngại, trở ngại nhất, vất vả nhất vẫn là nghe tiếng của họ để thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ của vụ án.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu: Đừng vì một mâu thuẫn nhỏ nhặt mà để xảy ra việc làm vi phạm pháp luật. |
Có thông tin cho rằng: phá án nhờ khi phát hiện vỏ chanh trong lán trại hung thủ; từ đó các điều tra viên đã theo dõi những biểu hiện nghi vấn của đối tượng. Nếu đúng vậy, có cần thiết phải điều động lực lượng hùng hậu lên hiện trường để truy tìm hung thủ nữa hay không?
Về thông tin cơ quan điều tra phá án nhờ một vỏ chanh hay vỏ quýt, kết quả điều tra vụ án này phải sử dụng đến nhiều biện pháp nghiệp vụ. Trong đó có biện pháp quần chúng, vận động quần chúng.Có những biện pháp theo quy định của ngành và của luật, xin không được công bố. Chúng tôi khẳng định, không phải phá án chỉ nhờ cái vỏ chanh, vỏ quýt mà phát hiện ra vụ án này như một số thông tin đăng tải trên mạng, trên một số báo vừa qua.
Một số thông tin cho biết, có 3 đứa trẻ nhìn thấy đối tượng khả nghi nên đã phá được vụ án này?
Chúng tôi không hoàn toàn phủ nhận điều này, nhưng cũng không phải vì như vậy. Khi cơ quan điều tra vào hiện trường đã dựng lại toàn bộ biến động ở hiện trường. Ngoài thông tin từ người dân, chúng tôi phải dùng biện pháp nghiệp vụ điều tra. Từ lúc 12h30 đến khi có người phát hiện sự việc, chúng tôi dựng lại hiện trường, từ đó khoanh vùng đối tượng.
Nhiều người muốn biết, có phải hung thủ Vi Văn Hai (thường gọi Vi Văn Mằn) có quan hệ tình ái với nạn nhân đó là chị Lê Thị Yến hay không?
Việc nạn nhân Yến có quan hệ tình ái hay không không nằm trong phạm vi thu thập tài liệu của cơ quan điều tra. Pháp luật không bắt buộc phải chứng minh điều này. Đến thời điểm này, chị Yến cùng chồng, mẹ chồng và con đã chết. Chúng ta không nên nhắc lại những vấn đề không có căn cứ về người đã khuất. Cơ quan điều tra cũng xin từ chối cung cấp về thông tin này. Nhưng chúng tôi khẳng định, nguyên nhân xảy ra vụ án là do mâu thuẫn bột phát giữa anh Thọ và Vi Văn Hai chứ không liên quan chuyện tình ái.
Một mình Vi Văn Hai ra tay sát hại 4 người hay còn có thêm đồng phạm?
Tất cả những dấu vết để lại và lời khai của thủ phạm cùng tài liệu đều khẳng định kẻ gây án chỉ có Vi Văn Hai. Đối tượng giết anh Thọ rồi đuổi theo chị Yến. Gặp bà Dương đang tắm, Hai ra tay sát hại. Sau đó Hai tiếp tục đuổi theo chém chết chị Yến và đứa trẻ.
Hung thủ có để lại dấu vân tay, dấu vết máu, có gì chứng minh được đúng hung thủ là kẻ đã sát hại 4 nạn nhân hay không?
Để chứng minh tội phạm trải qua 3 giai đoạn, giai đoạn điều tra của cơ quan điều tra, giai đoạn truy tố của Viện Kiểm sát, giai đoạn kết luận của tòa án. Trong từng giai đoạn ấy mỗi cơ quan có trách nhiệm làm rõ.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tội phạm có bị kết tội hay không do tòa án quyết định. Là người lãnh đạo cao nhất của cơ quan điều tra địa phương, tôi khẳng định tất cả những dấu vết, vật chứng, lời khai chúng tôi thu được khẳng định 100\% đúng đối tượng. Tuy nhiên, để đảm bảo khách quan chúng tôi tiếp tục củng cố lời khai, chứng cứ và giám định tất cả các đồ vật để xác định khách quan. Không làm oan sai cũng như bỏ lọt tội phạm.
Được biết, thời gian gần đây, cả nước xảy ra nhiều vụ án mạng, tỉnh Nghệ An cũng không loại trừ khỏi danh sách đó; trách nhiệm này không chỉ thuộc về ngành công an mà là của toàn xã hội . Vậy, về phía cơ quan công an có biện pháp gì để tham mưu xã hội phòng ngừa loại hình tội phạm này?
Trong tất cả các loại phòng ngừa tội phạm, phòng ngừa tội phạm xã hội là phòng ngừa khó nhất. Loại tội phạm này cả xã hội phải vào cuộc một cách quyết liệt thì mới giải quyết được. Đề nghị các phóng viên, báo chí cũng cần tuyên truyền hơn nữa về nhận thức pháp luật. Đặc biệt là giải quyết mâu thuẫn hằng ngày trong nhân dân, đừng vì một mâu thuẫn nhỏ nhặt mà để xảy ra việc làm vi phạm pháp luật.
Riêng về lực lượng công an, Công an tỉnh Nghệ An đã có hẳn một đề án về phòng ngừa tội phạm do mâu thuẫn giết người. Sau khi xảy ra vụ án này (ở bản Phồng, Tam Hợp, Tương Dương), kết thúc điều tra đúng ngày 21/7, tôi đã chỉ đạo lực lượng công an các cấp, tham mưu cấp ủy chính quyền triển khai quyết liệt đề án "phòng ngừa tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội".
Hiện nay lực lượng công an tỉnh Nghệ An đang triển khai, phấn đấu dập tắt các loại tội phạm, trong đó có tội phạm nguyên nhân xã hội. Tôi xin được nhắc lại, loại tội phạm xã hội này cần chung tay của toàn xã hội, một mình lực lượng công an không làm được triệt để.
Theo báo Tiền Phong
[mecloud]Y9hLc19heX[/mecloud]