Người phát ngôn của tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom cho biết, một tàu phá mìn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được phát hiện tại đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) 1 vào năm 2015, Reuters đưa tin ngày 11/10 (giờ địa phương).
Vào thời điểm năm 2015, phía công ty Nord Stream từng cho biết rằng một "vật thể bom, đạn" đã được lực lượng vũ trang Thụy Điển thu dọn tại đường ống Nord Stream 1 và không cung cấp thêm thông tin chi tiết về vật thể này.
Ông Sergei Kupriyanov, người phát ngôn của Gazprom, chia sẻ với đài truyền hình nhà nước Nga rằng một tàu ngầm phá ngư lôi không người lái SeaFox của NATO đã được mang lên từ độ sâu khoảng 40m và không bị hư hại.
"Việc vận chuyển khí đốt bị tạm dừng vì sự cố này nhưng sau đó đã được khôi phục", ông Kupriyanov cho biết thêm.
Tập đoàn năng lượng Gazprom sở hữu 51% cổ phần công ty Nord Stream AG (nhà điều hành Nord Stream 1).
Một cuộc điều tra quốc tế đang được tiến hành về một vụ rò rỉ đường ống khí đốt Nord Stream 1 và Nord Stream 2 vào cuối tháng trước. Đường ống khí đốt này được Nga xây dựng ở biển Baltic.
Theo Reuters, những đường ống khí đốt này vốn đã trở thành tâm điểm trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Chúng bị rò rỉ khí đốt ra biển Baltic, ngoài khơi bờ biển Thụy Điển và Đan Mạch. Phía châu Âu nghi ngờ một hành động "phá hoại" được thực hiện liên quan đến sự cố rò rỉ này.
Ngày 10/10, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tuyên bố nước này sẽ không chia sẻ kết quả điều tra về vụ nổ xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế Thụy Điển với nhà chức trách Nga.
"Ở Thụy Điển, các cuộc điều tra sơ bộ của chúng tôi là bí mật, và tất nhiên, điều đó cũng được áp dụng trong trường hợp này", bà Andersson cho hay.
Tuần trước, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã gửi một bức thư tới chính phủ Thụy Điển đề nghị cho các cơ quan hữu trách Nga và tập đoàn Gazprom tham gia cuộc điều tra, song Thụy Điển đã từ chối. Dù vậy, lãnh đạo Thụy Điển cũng cho biết, nước này không có quyền ngăn các tàu Nga tiếp cận các địa điểm xảy ra vụ rò rỉ đường ống Nord Stream khi cuộc điều tra tại hiện trường kết thúc.
"Chúng tôi đã dỡ bỏ lệnh cấm và các tàu khác có thể tới khu vực", bà Andersson nói, đồng thời cho biết một nhóm điều tra chung trong khuôn khổ Liên minh châu Âu (EU) đang tìm hiểu về sự cố trên hai tuyến Nord Stream. Vị trí rò rỉ nằm trên vùng biển quốc tế, do đó Nga có thể tiếp cận dù khu vực nằm trong EEZ của Thụy Điển.
Đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 đột ngột mất áp suất vào ngày 26/9, sau một loạt vụ nổ mạnh dưới nước ngoài khơi đảo Bornholm của Đan Mạch. Sự cố làm rò rỉ khí gas với khối lượng lớn ra biển. Các vết nứt được coi là kết quả của sự phá hoại, được thực hiện bởi một bên không xác định.
Bích Thảo(Theo Reuters)