(ĐSPL)- Gần 10 năm qua, hình ảnh ông Sơn với mái tóc bạc trắng, khoác trên mình chiếc áo nhà chùa, khá quen thuộc với những du khách đến với đền Huyền Trân Công chúa.
Không chỉ nhận nhiệm vụ trông coi, gìn giữ tháp chuông, ông Nguyễn Sơn (ngụ ở thôn Ngũ Tây, phường An Tây, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) còn như một hướng dẫn viên thực thụ hướng dẫn du khách thập phương mỗi lần tới thăm khu di tích đền Huyền Trân. Năm nay đã 75 tuổi, nhưng mỗi ngày ông vẫn đều đặn đi lên đi xuống bốn lần trên quãng đường hơn 250 bậc thang thẳng đứng mới tới được tháp chuông Hòa Bình trên đỉnh Ngũ Phong cao 108m. Công việc của ông là trông giữ và đánh đủ 108 tiếng chuông hòa bình mỗi ngày, để cầu cho thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc...
Mỗi ngày leo đủ 250 bậc thang
Đến với Huế, chúng ta được biết đến rất nhiều địa điểm du lịch, trong đó đền Huyền Trân Công chúa, là một trong những khu vực được du khách yêu thích. Dọc theo con đường Thiên Thai, chếch về phía Tây Nam khoảng 10km, băng qua những ngôi làng là tới khu vực đền. Trung tâm đền Huyền Trân Công chúa được xây dựng thể hiện sự tri ân của nhân dân Thừa Thiên - Huế đối với vị công chúa thời Trần. Cách đây hơn 700 năm trước đã có công lớn, mang về cho nước Việt hai châu ô ly. Một mặt, đây còn là nơi tưởng nhớ vị tổ sư sáng lập Thiền Phái Trúc Lâm - Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Sau một quãng đường leo dốc, qua những bậc thang mới tới được khu vực tháp chuông Hòa Bình. Trước mắt chúng tôi là những bậc thang dài nối nhau, mà không phải bất cứ ai cũng có đủ kiên nhẫn để leo lên tới đỉnh. Thế nhưng, hằng ngày cứ 5h sáng, ông Sơn lại một mình leo lên những bậc thang tới đỉnh núi Ngũ Phong. Mỗi ngày ông leo đủ 250 bậc thang lên xuống tháp chuông. Nói chuyện cùng chúng tôi, ông tâm sự: "Tháp chuông Hòa Bình được xây dựng vào năm 2007. Tuy nhiên, khi xây dựng, người ta tìm người giữ chuông thì không tìm được. Lúc đó, tui nghĩ mình có thể làm việc đó, một công việc có ích cho mọi người. Với lại mình cũng là con nhà Phật nên tui tự nguyện lên giữ chuông".
Tháp chuông nặng 1,6 tấn, cao 2m, đường kính 1,16m là một trong những chuông đồng lớn nhất ở Việt Nam. Trên chuông có khắc hàng chữ "Thế giới Hòa Bình, nhân loại hạnh phúc". Đó là ước nguyện của ông Sơn và những du khách lên tới đây gửi gắm, khi đánh lên những tiếng chuông ngân vang, êm đềm. Vì chuông rất nặng nên việc đem lên đỉnh hồi đó rất khó khăn, lúc đó 20 thanh niên vạm vỡ cùng với việc dùng ròng rọc và mất ba ngày mới đưa được chuông lên đến đỉnh núi, ông Sơn cho biết. Những du khách đến đây đều hết sức tò mò. Và ai cũng muốn được cầu nguyện, tận tay đánh những tiếng chuông cầu mong cho thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc.
ông Sơn cho biết thêm, mỗi vị khách chỉ được đánh ba tiếng chuông: Tiếng thứ nhất là cầu cho hòa bình thế giới, nhân loại hạnh phúc. Tiếng thứ hai cầu cho quốc thái dân an. Tiếng thứ ba cầu cho gia đình, bản thân người cầu nguyện. Tuy nhiên, trước khi đánh chuông thì người đánh phải cầu nguyện, phải có tâm mới có thể linh nghiệm. Từ ngày có tháp chuông, du khách kéo đến đây càng đông. Những dịp nắng đẹp hay dịp lễ lớn, du khách tới tấp nập. Vì vậy, việc thay nhau đánh chuông có khi phải xếp hàng và chờ đến lượt.
Dù trời nắng hay trời mưa, ông Sơn vẫn có mặt ở trên đỉnh tháp chuông để đánh những tiếng chuông cầu nguyện cho thế giới hòa bình và nhân loại hạnh phúc. Mùa nắng thì không sao, còn khổ nhất chính là mùa đông, giữa cái rét cắt da cắt thịt, ông vẫn đều đặn đánh những tiếng chuông đến tối mịt mới về. Cũng theo ông Sơn, mỗi ngày, dù có du khách hay không, ông vẫn cần đánh đủ 108 tiếng chuông. Để tránh đánh thiếu hoặc thừa, nên mỗi lần đánh ông thường đọc một câu kinh. Khi đọc đủ 108 câu kinh, là đánh đủ 108 tiếng chuông theo quan niệm của nhà Phật.
|
Ông Sơn vẫn ngày ngày thỉnh vang những tiếng chuông cầu cho hòa bình thế giới. |
Người hướng dẫn viên không lương
Lên thăm đền Huyền Trân, không du khách nào không muốn lên tới tháp chuông. Mỗi du khách đến đây không chỉ được đánh chuông cầu nguyện, mà họ còn được nghe ông Sơn kể về câu chuyện bà Huyền Trân, kể về việc mở mang bờ cõi của vua Trần Nhân Tông... Nghe ông kể, chúng tôi cứ ngỡ ông là cuốn lịch sử "sống" về khu vực này. ông kể: "Lúc tui mới lên đây, khi du khách tới thăm và đánh chuông, họ thường hỏi tui về bà Huyền Trân, về các chuyện lịch sử mà tui thì không biết. Sau mấy lần như vậy, tui tính về nhà mua các sách sử về khu đền, chuyện xưa để đọc và tìm hiểu. Kể từ đó, tui đã nắm rõ lịch sử của khu vực này. Du khách đến đây đều được tui kể cho nghe".
Khi các du khách tới thăm đền Huyền Trân và tháp chuông, họ đều được ông kể cho nghe và hướng dẫn rất nhiệt tình. Thậm chí, có lúc ông còn được cán bộ ban quản lý giao cho việc làm hướng dẫn viên cho các du khách. Có một điều kỳ lạ, đó chính là dù chưa trải qua một lớp đào tạo nghiệp vụ nào mà ông vẫn hướng dẫn cho du khách như một người hướng dẫn thực thụ, với lối kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn. Bạn Loan, sinh viên năm cuối trường đại học Khoa học Huế cho hay: "Khi em đến học ở Huế, em thích nhất là việc tìm hiểu các di tích ở đây. Vì ở Huế có nhiều di tích. Tìm hiểu lịch sử nước nhà là một niềm đam mê của em. Tuy nhiên, em ấn tượng nhất chính là khi đến tháp chuông. Em cùng nhóm bạn được nghe ông Sơn kể rất nhiều chuyện về lịch sử. Vì vậy, mà mỗi dịp đi tham quan em vẫn muốn tới nơi này".
|
Ông Sơn đang kể chuyện về lịch sử ngôi đền cho du khách. |
Lúc chúng tôi lên tháp chuông, có gặp một người hướng dẫn viên đi theo đoàn du khách của mình tới tháp chuông. Sau khi anh nói qua lịch sử tháp chuông, anh này mới ghé vào tai ông Sơn nói: "ông hiểu sâu hơn về vùng này, có thể kể cho cháu và những du khách nơi đây không ạ?". Nghe lời mời của anh, ông liền chỉ tay về chuông giải thích ý nghĩa của tiếng chuông. Rồi ông say mê kể về lịch sử của đỉnh núi và về vua... Chính vì vậy nên mỗi du khách đến đây đều cảm thấy hào hứng. Khi hỏi về tiền công cho việc giữ chuông. ông mới cười nói: "Tui năm ni đã gần bước qua tuổi 80, giúp cho nước nhà được gì thì tôi giúp, chứ tiền gì hả cô. Mình già nhưng vẫn làm việc có ích cho mọi người là thấy vui lắm rồi. Với lại việc giữ chuông cũng là giúp cho người dân trên toàn thế giới và bản thân tôi được bình yên, hạnh phúc”.
Được biết, ông Sơn sinh ra và lớn lên ở vùng đất xứ Huế mộng mơ này. ông cũng không phải vì cô đơn mà phải làm công việc này. Các con của ông hiện đã khôn lớn trưởng thành. Cho đến khi việc gác chuông đang cần người, ông mới tới làm như một cách làm việc thiện giúp đời. Cho đến nay thấm thoắt đã gần 10 năm. Và dù dòng đời có đổi thay thì hình ảnh ông già tóc bạc trắng giữ chuông, vẫn luôn in đậm trong tâm trí mỗi du khách đến tham quan nơi đây. Cũng như tiếng chuông chùa ngân vang mỗi sáng sớm, nguyện cầu cho hòa bình khắp thế giới.
Ông Lê Bá Hưởng, Giám đốc trung tâm Văn hóa Huyền Trân, phường An Tây cho biết: "ông Nguyễn Sơn là một người dân trong vùng. Trước đây ông cũng là một người nông dân thuần túy. Cho đến một thời gian gần 10 năm trở lại đây, khi tháp chuông được xây dựng xong, bên công ty du lịch có tìm người, nhưng không tìm được ai. Và như có mối lương duyên tiền định, ông Sơn đã tình nguyện làm công việc đó. Tuy đã già nhưng không quản ngại sức khỏe, ông vẫn đều đặn đem những tiếng chuông cầu cho thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc". |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gap-ong-lao-hon-3000-ngay-thinh-chuong-cau-quoc-thai-dan-an-a35720.html