(ĐSPL) - Trong mỗi người con đất Việt, hình ảnh Bác Hồ mãi mãi được lưu giữ trong tim. Mỗi người thể hiện tình cảm của mình dành cho Bác theo cách khác nhau. Với ông Ron, ông thể hiện tình cảm và sự ngưỡng mộ của mình bằng cách sưu tầm tem để "vẽ" thành một chân dung đặc biệt về Bác.
Bộ sưu tập tem thư độc đáo
Căn nhà của ông Lâm Thành Ron (86 tuổi) nằm lọt thỏm trong con hẻm nhỏ ở chợ thị trấn Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Ngôi nhà cấp bốn đơn sơ nhưng ngay từ cửa gây ấn tượng cho những vị khách phương xa là bức chân dung Bác Hồ được "vẽ" bằng tem treo trang trọng trên tường nhà.
Ông Lâm Thành Ron và bức chân dung Bác Hồ làm bằng tem. |
Chỉ tay vào chân dung Bác treo trên tường, ông Ron hào hứng kể cho chúng tôi nghe về quá trình tạo nên "công trình" này. Tháng 8/1945, ông Ron mới tròn 15 tuổi nhưng đã tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương, bằng việc đi chân đất, vác gậy tre đuổi lính Nhật đóng ở Đức Phổ. Sau đó hai tháng, chàng thanh niên ấy lại chân đất đi bộ hơn 60km đến tận điểm tuyển quân ở TP. Quảng Ngãi hiện nay, để đăng ký vào bộ đội. Được nhập ngũ vào Phân đội Phan Đình Phùng, ông Ron tham gia nhiều trận đánh ở hầu khắp các chiến trường Khu 5.
Hiệp định Geneve được ký kết, ông Ron tập kết ra Bắc, và chỉ ít lâu sau lại trở về Nam. Ở những nơi đóng quân, ông làm công tác dân vận, lại là người vui tính nên quen được rất nhiều người. Chính vì vậy, khi trở về chiến trường miền Nam, ông đã nhận được thư của nhiều người quen từ hậu phương miền Bắc. Những bức thư mang tình hậu phương, tình kháng chiến được ông đọc đi đọc lại nhiều lần. Thấy con nào tem đẹp ông lại lột ra, bỏ vào trong quyển sổ gấp cho thẳng.
Nhiều người bạn của ông đang học tập và công tác ở Liên Xô (cũ) cũng gửi thư về hỏi thăm. Nhờ đó mà bộ sưu tập của ông có đủ các loại tem của nhiều nước. "Lúc đầu chỉ giữ để làm kỷ niệm rồi trở thành người sưu tập tem lúc nào không hay. Mỗi con tem là một hình ảnh có ý nghĩa, con tem có hình những nhà yêu nước, những danh lam thắng cảnh của quê hương...nhiều nhất là tem có hình chân dung Bác Hồ. Ở đó có nhiều điều để học, để hiểu lắm", ông Ron cho biết.
Bộ sưu tập ảnh về Bác Hồ. |
Cuộc gặp bất ngờ
Năm 1966, sau khi ra Bắc an dưỡng, ông chuyển về công tác ở cục Doanh trại bộ Quốc phòng ở Mai Dịch (Từ Liêm, Hà Nội). Trong một buổi chiều, khi toàn đơn vị đang ăn cơm, bất ngờ Bác Hồ đến thăm. Cả đơn vị rộn ràng hẳn lên với tiếng hô vang: Bác Hồ, Bác Hồ! Bác đưa tay ra hiệu bảo mọi người ngồi xuống và ân cần thăm hỏi sức khỏe của cán bộ, chiến sỹ. Bác hỏi: "Các chú ăn cơm có no không? Công tác tốt chứ? Chú nào là người miền Nam?". Rồi Bác động viên phải làm tốt nhiệm vụ, góp sức cho ngày toàn thắng.
"Một con người từng đi qua bốn biển năm châu, một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc nhưng sao gần gũi đến thế. Bác trăm công nghìn việc, nhưng vẫn dành thời gian để hỏi han, động viên các chiến sỹ. Điều đó làm tôi thêm kính yêu và ngưỡng mộ Bác, rồi tự dặn lòng phải nỗ lực nhiều hơn", ông Ron chia sẻ.
Đến giữa năm 1969, khi đang điều trị ở bệnh viện 42, bộ Quốc phòng, cách TP.Vinh chừng 5km, một buổi trưa, qua sóng radio, ông và các thương bệnh binh khóc ngất khi nghe tin Bác mất. "Cả bệnh viện mọi người đều giàn giụa nước mắt. Tôi cố kìm lòng mà nước mắt rưng rưng. Từ đó tôi nghĩ phải làm một việc gì đó để bày tỏ niềm kính yêu, sự ngưỡng mộ của bản thân mình với Bác. Ý tưởng về một bức chân dung của Bác bằng tem bắt đầu từ đó", ông Ron vừa nói vừa chỉ tay lên bức chân dung trên tường nhà.
Năm 1975, đất nước thống nhất. Trở về Nam, hành trang của ông Ron là thùng gỗ đầy tem thư. Về quê công tác tại địa phương, ý định làm một bức chân dung Bác Hồ bằng tem cứ nung nấu trong ông nên khi nhận thư của người thân, bạn bè, ông lại tiếp tục làm công việc sưu tầm, nhặt nhạnh những con tem.
Đến năm 1990, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác Hồ, ông Ron bắt đầu thực hiện "công trình" và ông xem đây là cách riêng của mình để kỷ niệm ngày sinh nhật Bác. Ông Ron mang những con tem mà gần nửa đời người sưu tập bày cả lên bàn rồi chọn lựa từng con tem một. Ông đóng một tấm bảng gỗ, nhờ người cháu là họa sỹ phác họa chân dung của Bác.
Kể từ đó, ngoài giờ làm việc, trở về nhà, ông Ron lại lên căn gác nhỏ, một mình cặm cụi chọn tem, cần mẫn dùng dao lam cắt dán. Sau hơn một tuần làm việc cật lực, ông đã hoàn thành việc khắc họa chân dung của vị lãnh tụ kính yêu. Và như một cơ duyên, vào ngày cuối cùng, ông đã nhận được bức thư từ một người bạn ở Hà Nội với con tem dán bên ngoài mang hình của Bác.
"Tôi liền đến nhờ nhân viên bưu điện Sa Huỳnh đóng dấu đúng ngày 19/5/1990 để kết thúc công trình sưu tầm của mình vào con tem đó. Con tem này chính là chân dung Hồ Chủ tịch thời mới giành độc lập, tôi ưu tiên dán đúng nơi "trái tim" của chân dung", ông Ron kể.
Hoàn tất chân dung Bác Hồ, thấy còn nhiều tem, ông Ron quyết định làm một bản đồ thế giới (tuy không thật đầy đủ) ở bên dưới, phác họa một số nước Bác đã đi qua. Ông Ron giải thích: "Đây là bản đồ gồm có 24 nước, những nơi mà Bác đã đặt chân đến trong hành trình đi tìm đường cứu nước. Hình bản đồ này vừa ý nghĩa, vừa có tính thẩm mỹ làm đế nâng bức chân dung Bác".
"Công trình" hoàn thành, ông Ron phấn khởi đến xưởng mộc làm khung rồi thuê cắt một tấm kính để lồng vào. Xong xuôi, ông xếp đặt làm một bàn thờ có bức chân dung Bác rồi mời những cán bộ nghỉ hưu, người thân trong xóm đến xem. Từng người, từng người một thắp hương viếng Bác, kể cho nhau nghe những câu chuyện về Bác, những lần được gặp Người. Và họ như được sống lại ký ức một thời...
Sau này, ông Ron còn làm thêm một bản đồ Việt
Nhân kỷ niệm 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa qua, ông Ron kính cẩn đem tất cả ảnh về Bác Hồ mà ông sưu tập được dán thành bức tranh to. Ông Ron chỉ tay vào bức tranh và nói: "Điều đặc biệt trong bộ sưu tập ảnh về Bác Hồ là tôi chọn đưa thêm vào bức ảnh của Bác Phạm Văn Đồng. Bởi giữa Bác Hồ và Bác Đồng có mối quan hệ khăng khít. Hơn nữa, Bác Đồng còn là người con xuất chúng của quê hương Quảng Ngãi".
Hết lòng vì công việc
Ông Nguyễn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ) cho biết, ông Ron là một người luôn hết lòng vì công việc, dù đảm đương chức vụ nào, ông cũng hoàn thành tốt và đạt thành tích cao. 36 năm, ông đảm đương 20 công việc khác nhau ở xã, trong đó, 25 năm làm Chủ tịch Mặt trận xã Phổ Thạnh, Phó Chủ tịch hội Chữ thập đỏ, Chủ tịch hội Người cao tuổi... Sau này, khi đã về hưu, ông vẫn nhiệt tình tham gia tư vấn cho các công việc của xã.
NHƯ Ý
Xem thêm video:
[mecloud]LWa5qVj7dI[/mecloud]