+Aa-
    Zalo

    Gặp nạn vì đòi một công ty sản xuất đồ uống bồi thường thiệt hại

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – “Lúc nhận tiền xong bỗng nhiên có nhiều thanh niên đến còng tay, tôi cảm giác lúc đó hoang mang, trời đất sụp đổ", nữ chủ quán kể lại.

    (ĐSPL) – “Lúc nhận tiền xong bỗng nhiên có nhiều thanh niên đến còng tay, tôi cảm giác lúc đó hoang mang, trời đất sụp đổ", nữ chủ quán từng đòi một công ty sản xuất đồ uống bồi thường vì sản phẩm có "dị vật" kể lại.

    “Ách giữa đàng quàng vào cổ”

    Theo lời chị Nguyễn Thị Thu Hà ngụ tại P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa, Đồng Nai trình bày với báo Đời Sống và Pháp luật, từ năm 2009, chị làm chủ quán kinh doanh dịch vụ ăn uống Thác Vàng và thường xuyên lấy nước ngọt của một công ty sản xuất đồ uống về bán cho khách ăn nhậu tại quán.

    Thời điểm này, quán của chị Hà làm ăn phát đạt, đông khách nên doanh thu hàng tháng là 20 triệu đồng. Kinh doanh được một thời gian thì nhân viên của quán đã phát hiện một chai sữa đậu nành vón cục mặc dù vẫn còn thời hạn sử dụng cũng như nắp chai chưa bị khui.

    Do là lần đầu tiên nên chị Hà quyết định im lặng và tự đứng ra xin lỗi những vị khách trong quán của mình. Nhưng sau đó, chị Hà lại liên tục phát hiện 1 chai nước ngọt chưa khui nhưng có ống hút cắm trong chai và có thêm 3 chai sữa đậu nành cũng bị vón cục, có màu vàng.

    Chị Hà kể lại sự việc.

    Lần này, chị Hà và các nhân viên liên tục gọi điện cho nhân viên chăm sóc khách hàng của công ty một công ty sản xuất đồ uống nhưng phía công ty hẹn lần hẹn lữa sau hơn nửa tháng mới đến gặp chị Hà để giải quyết.

    Tuy nhiên, sau những lần làm việc giữa hai bên chị Hà vẫn thấy mọi việc không được giải quyết đến nơi đến chốn. Cũng từ khi quán chị Hà xuất hiện những chai nước “lạ” thì từ đó “miếng cơm” của chị bị ảnh hưởng. Quán đang làm ăn khấm khá, khách đông nhưng do tin đồn nên từ đó vắng khách hẳn, chỉ còn vài khách quen hiểu chuyện nên không bỏ quán.

    Sau đó, vào năm 2011 chị Hà làm đơn gửi lên Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đồng Nai và đến cuối năm 2011, Hội đã mời chị Hà cùng đại diện công ty sản xuất đồ uống này lên làm việc trước sự chứng kiến của nhiều ban ngành trong tỉnh Đồng Nai.

    Bản tường trình sự việc của chị Hà.

    Trong biên bản của làm việc thì Giám đốc marketing của công ty sản xuất đồ uống này là ông Nguyễn An có xác định “Chai sữa đậu nành và chai nước tăng lực mà bà Hà khiếu nại là các sản phẩm mang thương hiệu của công ty, còn nguyên chưa khui.

    Tuy nhiên chưa xác định được đây có thật là sản phẩm của công ty hay không nhưng công ty cảm ơn sự thông báo của khách hàng về các sản phẩm bị lỗi, xin thu hồi lại sản phẩm và hỗ trợ cho người tiêu dùng 5 thùng trà xanh.

    Trong trường hợp bà Hà yêu cầu bồi thường thiệt hại mất thu nhập thì cần có cơ sở chứng minh mất thu nhập của bà Hà”.

    Biên bản làm việc với Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

    Nhưng do mức bồi thường là 5 thùng trà xanh nên chị Hà đã không đồng ý.

    Về vụ việc này, ông Huỳnh Kim Hóa, đại diện Sở Công thương Đồng Nai nhận định “Công ty nước ngọt đã chậm trễ trong việc giải quyết khi nhận được khiếu nại của người tiêu dùng”.

    Vì 5 chai nước có vấn đề, quán phải đóng cửa

    Từ khi dính vào vụ nước ngọt lỗi, quán chị Hà làm ăn thua lỗ nên chị và phía công ty vẫn tiếp tục liên lạc để trao đổi thắc mắc về vấn đề. Sau đó, đại diện công ty có hỏi chị yêu cầu như thế nào về vấn đề bồi thường thì chị Hà cho biết, chị yêu cầu được hỗ trợ vì quán phải đóng cửa do không còn khách.

    Số tiền chị muốn được công ty hỗ trợ là 49 triệu đồng vì hợp đồng 1 năm, mới được 5 tháng còn 7 tháng tiền mặt bằng chưa đóng, muốn công ty hỗ trợ để đóng tiền mặt bằng.

    Cận cảnh những chai nước có vấn đề.

    Chị Hà cũng cho biết, sau khi thỏa thuận không thành thì chị đã làm đơn ủy quyền cho một văn phòng luật sư ở TP.HCM. Nhưng khi luật sư đến gặp công ty này thì công ty lại bảo là đã thỏa thuận xong xuôi với chị Hà rồi.

    Chị Hà bức xúc: “Sau khi nghe luật sư nói lại sự việc, tôi thấy công ty làm như vậy là giả dối nên tôi liền gọi điện yêu cầu công ty nhanh chóng hỗ trợ cho tôi 49 triệu, nếu không sẽ phanh phui sự việc ra”. Lần này, công ty gọi điện cho chị Hà nói là muốn bồi thường cho chị số tiền 30 triệu nhưng chị Hà không chịu và yêu cầu 49 triệu nên công ty đồng ý.

    Đến ngày 16/12/2011, ông Phạm Long M., đại diện công ty nước ngọt hẹn chị Hà đến quán cà phê Gia Bảo đối diện Công an P. Trảng Dài để giao cho chị Hà 49 triệu và lấy lại 5 chai nước có vấn đề về. Khi chị Hà nhận tiền từ ông M. đang đếm để cất vào túi thì có một nhóm người ập vào giới thiệu là Công an TP.Biên Hòa còng tay chị Hà và tịch thu 5 chai nước có vấn đề.

    Ai "vu khống" ai?

    Ngày 10/1/2012, Công an TP. Biên Hòa gửi thông báo cho chị Hà cho hay, vào ngày 2/11/2011, công ty nước ngọt trên đã làm đơn tố cáo gửi Phòng CSĐT Tội phạm về TTXH Công an tỉnh Đồng Nai tố cáo chị Hà có hành vi đe dọa, tống tiền của công ty là 49 triệu đồng.

    Ngày 16/12/2011 Phòng CSĐT Tội phạm về TTXH Công an tỉnh Đồng Nai chủ trì, Công an TP. Biên Hòa phối hợp bắt quả tang chị Hà có hành vi nhận 49 triệu đồng của anh Phạm Long Minh là đại diện của công ty nước ngọt giao tại quán cà phê Gia Bảo, thuộc KP2, P. Trảng Dài, TP.Biên Hòa, Đồng Nai. Chị Hà được đưa về trụ sở công an để làm việc và đến 17h30 cùng ngày thì được cho về.

    Đến ngày 21/6/2013, trong thông báo của Công an TP. Biên Hòa gửi cho chị Hà, Thượng tá Trần Hữu Danh lúc này là Trưởng công an TP.Biên Hòa nhận định: “Qua điều tra xác minh, xét thấy việc bà Hà nhận 49 triệu đồng của công ty nước ngọt là đã có sự đồng ý của công ty này nên hành vi trên của bà Hà là không vi phạm pháp luật hình sự. Căn cứ vào khoản 2, điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự ngày 10/1/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra công an TP. Biên Hòa đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.”


    Thông báo của công an Biên Hòa gửi cho chị Hà.

    Tại đây, chị Hà yêu cầu phía lực lượng chức năng phải lập biên bản tịch thu tài sản của chị. Sau đó, chị Hà được đưa về trụ sở Công an TP.Biên Hòa. Tại trụ sở, chị Hà đã đưa ra được số giấy tờ thỏa thuận giữa chị và công ty nước ngọt nên chị được thả ra ngay trong ngày.

    Sau đó chị Hà đã làm đơn khởi kiện ra TAND TX. Thuận An, tỉnh Bình Dương yêu cầu công ty nước ngọt bồi thường chi phí đi lại trong thời gian yêu cầu công ty giải quyết số tiền 40 triệu; Bồi thường doanh thu giảm sút dẫn đến đóng cửa quán là (18 tháng mất doanh thu) x 20 triệu là doanh thu hàng tháng ra tổng 360 triệu đồng; Bồi thường uy tín, danh dự vì vu khống chị khiến chị bị còng tay ngay giữa chốn đông người, suy sụp tinh thần nghiêm trọng vì số tiền 50 triệu đồng; Tổng các khoản bồi thường là 450 triệu đồng.

    Cho đến nay, sau nhiều lần hòa giải, mọi chuyện vẫn chưa được giải quyết nên chị Hà vẫn tiếp tục theo vụ việc đến cùng.

    Biên bản trả lại tài sản cho chị Hà sau khi chị được cho về.

    Chị Hà bức xúc: “May mắn là tôi còn giữ tất cả giấy tờ thỏa thuận giữa 2 bên, nếu không thì không biết bây giờ sẽ ra sao. Tôi định im lặng để xem công ty giải quyết ra sao nhưng chờ hoài vẫn không thấy gì. Mới đây lại lùm xùm tiếp chuyện con ruồi nên tôi càng bức xúc hơn.

    Tôi không phải đi tống tiền công ty mà thời điểm đó tôi muốn công ty hỗ trợ cho tôi để tôi trả tiền mặt bằng nhưng công ty lại làm lớn chuyện ra vậy.

    May mà tôi không sống nhờ quán chứ nếu sống dựa vào đó chắc giờ này số phận không biết thế nào khi mà đầu tư vào đó rồi bỗng chốc phải đóng cửa chỉ vì những chai nước có vấn đề. Hiện nay sự việc đã như vậy nên tôi sẽ theo đến cùng, tôi không muốn những người tiêu dùng khác gặp phải vấn đề rắc rối như tôi".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gap-nan-vi-doi-mot-cong-ty-san-xuat-do-uong-boi-thuong-thiet-hai-a83041.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan