+Aa-
    Zalo

    Gặp gỡ “người giữ lửa” cho văn hóa của người Thái

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Dù tuổi đã cao, nhưng cụ Lang Thị Pen vẫn giữ được chất giọng ngọt ngào theo những điệu Khặp Thái khiến lòng người say đắm.

    (ĐSPL) - Thời gian đã biến người con gái Thái tài năng, xinh đẹp năm nào trở thành một cụ già tóc bạc, lưng còng. Mặc dù, những nét xuân sắc thuở xưa đã mất đi, nhưng chất giọng ngọt ngào theo những điệu Khặp Thái của cụ Lang Thị Pen vẫn đủ làm lòng người nghe say đắm.
    “Người giữ lửa” cho những điệu Khặp Thái
    Từ lâu, với những người Thái ở huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), cụ Lang Thị Pen được ví như một pho sử sống về nguồn cội của dân tộc mình. Để tìm hiểu về văn hóa của người Thái, về những điệu Khặp, những làn múa duyên dáng, chúng tôi tìm về nhà cụ Pen ở thôn Yên Mỹ, xã Luận Khê, huyện Thường Xuân. Trong căn nhà sàn rộng lớn nhưng đã nhuốm màu cũ kĩ của thời gian, cụ tỏ ra ngạc nhiên xen lẫn niềm hạnh phúc khi có khách đến nghe kể về văn hóa cổ của người Thái. 
    Cụ Pen say sưa kể về điệu Khặp
    Cụ Pen năm nay đã bước sang tuổi 84, những người am hiểu sâu sắc về văn hóa của người Thái như cụ Pen không nhiều. Vừa cầm trên tay cái cối nhỏ giã trầu, cụ vừa lý giải: “Khặp (hay khắp) là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Tôi không biết điệu Khặp ra đời từ khi nào, chỉ biết rằng tôi sinh ra, lớn lên đã nghe thấy những điệu Khặp được cất lên từ những người thế hệ trước. Tôi không được ai truyền dạy mà có lẽ do tình yêu với những làn điệu dân giã của dân tộc đã chảy trong máu mình. Tôi tự hát bất cứ khi nào có thể, khi ra đồng hay lên nương, khi đi chăn trâu cùng đám bạn trong làng, chúng tôi cũng học hát đối đáp nhau, rồi trong các hội làng, các đám cưới mọi người thường hát Khặp nên tôi học được từ đó. Nhờ tài hát hay và múa đẹp, mà tôi đã nổi tiếng khắp nơi và được nhiều người mến mộ. Sau này, tôi được tham gia vào đội văn nghệ của bản làng và trở thành hạt nhân của các phong trào văn hóa văn nghệ”.
    Cụ Pen còn cho biết thêm, Khặp là một hình thức sinh hoạt tinh thần không thể thiếu trong các dịp lễ, tết, cưới hỏi, lao động sản xuất. Khặp thực chất là hát hay trình diễn thơ ca, là lối hát dùng thanh nhạc làm hình thức để biểu đạt nội dung thơ, một bài thơ, một truyện thơ, đồng thời cũng là một bài hát. Qua làn điệu Khặp, người ta thể hiện những tâm tư, tình cảm của mình trước thời cuộc, thổ lộ tâm tình với người mình yêu, người bạn và giãi bày những điều khó nói...
    Nghệ nhân Lang Thị Pen truyền dạy lại những điệu múa cho lớp trẻ. Ảnh: T.T
    Mặc dù sức khỏe yếu, nhưng cụ vẫn giải thích cặn kẽ về từng loại Khặp bằng giọng hát của mình. Trong Khặp Thái lại có những loại hình khác nhau như: xư (ngâm thơ), Khặp chốm hướn mờ (hát mừng nhà mới), Khặp xờng khưởi, ton pợ (hát tiễn rể, đón dâu), Khặp chốm pì ai, pì noọng (hát mừng anh em), Khặp bào xảo (hát giao duyên), Khặp pan lau pan khau (hát trên mâm cơm)...
    Không chỉ giỏi Khặp, cụ còn thông thạo các điệu hát, điệu múa như khua luống, đánh cồng chiêng, nhảy sạp, đánh bong bù, hát múa cá sa, sằng khàn (múa cây bông).
    Cụ kể về thời trẻ của mình với ánh mắt xa xăm và giọng đầy luyến tiếc, rằng ngày còn trẻ, cụ đã đi từ Bắc vào Nam diễn Khặp. Niềm hạnh phúc mà cụ Pen mãi không thể quên và mong ước được một lần trở lại, đó là những lần đứng trên sân khấu diễn trước những tiếng vỗ tay hò reo của khán giả. “Ngày đó vui lắm, thích lắm!”, cụ nói.
    Nỗi trăn trở về sự mai một của văn hóa Thái
    Từ xa xưa, tiếng Khặp trở thành nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Thái, cùng với các làn điệu nhuôn, xuối, lắm đã tồn tại hàng ngàn năm. Nhưng những người hát dân ca Thái ngày càng hiếm, các nghệ nhân phần lớn đã cao tuổi, số người có khả năng trình diễn và truyền dạy rất ít. Tài sản quý giá ấy đang đứng trước nguy cơ bị mai một bởi cuộc sống hiện đại và dòng chảy “kinh hóa”.
    Nói về điều này, cụ Pen buồn rầu nói: “Nếu trước đây, ở các đám cưới, ngày lễ, tết hay các cuộc hội họp của thôn bản luôn vang lên những làn điệu dân ca Thái, tiếng Khặp, tiếng khèn, tiếng sáo…thì bây giờ, bọn trẻ thích nhảy nhót trong tiếng nhạc xập xình hơn. Cô dâu chú rể không mặc váy áo của người Thái nữa, mà những bộ váy cưới kiểu Tây trắng tinh từ các cửa hiệu của người Kinh mới được gọi là đúng mốt. Bây giờ không mấy người trẻ mặn mà với văn hóa của người Thái nữa”.
    Xem những làn điệu dân ca của dân tộc mình như máu thịt, cụ Pen mong muốn được truyền lại tình yêu lớn ấy cho lớp người sau. Thế nên cụ đã truyền dạy lại những điệu Khặp, điệu múa cho những người trong gia đình, những người yêu mến văn hóa của người Thái. Các con cháu của cụ nhiều người cũng biết Khặp và biết múa nhờ sự chỉ dạy tận tình của cụ.
    Theo ông Cầm Bá Huyến, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thường Xuân, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, trong đó có Khặp Thái, huyện đã ban hành nhiều chính sách như: Đề án phát triển du lịch cộng đồng, kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, đề án bảo tồn tri thức bản địa... Huyện khuyến khích người dân hát Khặp để lưu giữ những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc mình cho lớp trẻ.
    Mới đây, huyện đã tổ chức hội nghị tập huấn cho cán bộ văn hóa cơ sở để khảo sát, điều tra bảo tồn Khặp dân tộc Thái; tiến hành kiểm kê di sản, rà soát tại 140 làng, thôn thuộc 17 xã, thị trấn của huyện. Theo đó, huyện lập danh sách bình xét, lựa chọn những cá nhân tiêu biểu, trong đó có cụ Lang Thị Pen được đề nghị công nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú đối với loại hình hát Khặp.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gap-go-nguoi-giu-lua-cho-van-hoa-cua-nguoi-thai-a77971.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan