(ĐSPL) - Mỗi dịp đến ngày 27/7, anh hùng Trịnh Văn Huyền lại đem những kỷ vật từ thời chiến ra xem lại. Những ký ức về đồng đội nằm lại nơi đất mẹ cứ ùa về khiến mắt ông nhòe đi. Ông bảo, mình may mắn được trở về, đồng đội của ông nhiều người hài cốt vẫn chưa tìm thấy. Bởi vậy, khi có thời gian, ông lại lặn lội trở lại chiến trường xưa tìm mộ đồng đội. Ông từng vinh dự được Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen nhờ sự dũng cảm, mưu trí và sau này đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Ký ức thời khói lửa
Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trịnh Văn Huyền (SN 1930) sống trong một con ngõ nhỏ ở phố Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội). Căn nhà ông ở rất giản dị, trên bức tường đã cũ treo nhiều bằng khen, giấy khen và các huân huy chương được Nhà nước trao tặng. Anh hùng Trịnh Văn Huyền cho biết: “Bằng khen, giấy khen, huân huy chương đó tôi vừa mới treo lên, mỗi lần nghe dự báo thời tiết mưa vài ngày là phải tháo xuống, trời hửng nắng mới treo lên chứ không ẩm mốc hết”.
Anh hùng Trịnh Văn Huyền bên những phần thưởng, danh hiệu được Nhà nước trao tặng. |
Gần nửa đời người chiến đấu, vào sinh ra tử lấp hố bom, phá bom, bảo vệ những cung đường huyết mạch, góp phần vào chiến thắng vĩ đại trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, nhưng chưa bao giờ Anh hùng Trịnh Văn Huyền đòi hỏi hay than phiền về cuộc sống khó khăn hiện tại. Ông bảo, cuộc sống biết thế nào cho đủ, ông thấy mình rất may mắn khi còn sống trở về trong khi nhiều đồng đội đã ngã xuống. Trong những ngày cả nước chuẩn bị hướng về kỷ niệm ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, mắt ông lại nhòe đi khi nhớ về những đồng đội đã nằm lại nơi đất mẹ vì độc lập tự do của Tổ quốc. Trong thâm tâm ông, dù cuộc chiến đã đi qua nhiều năm, ông cũng ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng ký ức trong những ngày lửa đạn như vẫn còn vẹn nguyên.
Nhà có 10 anh em, ông Trịnh Văn Huyền là con thứ chín, vì nhà nghèo không được học hành, ông từng phải đi ở. Ông Huyền kể: “Nhà đông anh em, từ nhỏ, tôi đã quen gian khổ nên khi vào chiến trường có khổ mấy cũng chịu được. Ngày còn nhỏ, tôi mải chơi nên đánh mất trâu nhà tôi thuê để cày. Bố mẹ đành bán tôi cho một địa chủ ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) để có tiền đền trâu lại giảm được một miệng ăn, còn quê gốc của tôi ở Đức Đồng (Đức Thọ, Hà Tĩnh)”. Năm 16 tuổi, ông Trịnh Văn Huyền xung phong đi dân công hỏa tuyến với nhiệm vụ tải đạn, lương thực cho chiến trường Bình Trị Thiên.
Năm 1953, hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, chàng trai Trịnh Văn Huyền xung phong đi bộ từ Hà Tĩnh ra Thanh Hóa để thành lập đội thanh niên xung phong đặc biệt có chức năng, nhiệm vụ như quân đội phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ. Với những thành tích xuất sắc khi còn công tác ở đơn vị cũ, Trịnh Văn Huyền được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ Đội trưởng đội phá bom Đại đội 293 thuộc đội TNXP 34. Đội của ông có hơn 200 người có nhiệm vụ phá bom mìn và đảm bảo các tuyến đường thông suốt phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong những ngày đóng quân ở đèo Chẹn (Sơn La), địa hình rất cheo leo, hiểm trở, đơn vị ông được giao nhiệm vụ chiến đấu với máy bay địch, đồng thời vừa phá bom nổ chậm vừa san lấp, sửa đường. Nhận thấy việc vận chuyển đất đá từ chân đèo để lấp những hố bom do địch bắn phá nếu cứ làm theo cách cũ một người gánh từ chân đến đỉnh đèo rất mất thời gian mà năng suất thấp, Đội trưởng Trịnh Văn Huyền có sáng kiến người khỏe gánh đoạn chân đèo dốc nhất, người yếu hơn gánh đoạn giữa, còn người yếu nhất gánh chặng cuối. Ai mệt mỏi lại đổi vị trí cho nhau. Năng suất lao động tăng gấp ba lần, tất cả các hố bom đã được lấp hết trong một thời gian ngắn. “Ngày đó anh em chủ yếu là học sinh mới ra trường, không quen gánh gồng, đường dốc cao nên muốn hoàn thành đúng thời hạn được giao rất khó. Để tăng năng suất chỉ có cách làm việc theo dây chuyền. Ngày đầu tiên, khối lượng đất đá vận chuyển đã tăng gấp 4 lần hôm trước và chỉ vài ngày đơn vị đã chuyển gần 600m3 đất đá để san lấp hố bom. Lấp xong hố bom, chữa xong đường, máy bay thực dân Pháp lại oanh kích thả bom như mưa. Anh em trong đơn vị phải chia nhau ra, vừa chiến đấu vừa đánh dấu bom nổ chậm, bom bươm bướm để tìm cách phá”, ông Trịnh Văn Huyền kể.
Nặng lòng tìm hài cốt đồng đội
Chưa từng tiếp xúc với bom bươm bướm, một loại bom nổ chậm rất nguy hiểm mà theo Đội trưởng Trịnh Văn Huyền thì loại bom này từng trở thành “nỗi khiếp sợ” của nhiều người. Bom bươm bướm mẹ nổ tung ra 250 quả bom con, khi có tác động là xòe cánh bay lên và nổ, rất khó phá. “Mới đầu, anh em chưa quen, thương vong do trúng bom bươm bướm ngày càng nhiều, có không ít người đã nằm lại chiến trường. Đau lòng lắm!”, ông Huyền ngậm ngùi nói.
Phải chứng kiến và tự tay khâm liệm đồng đội vì bom bươm bướm, Đội trưởng Trịnh Văn Huyền đã thức trắng nhiều đêm nghĩ cách phá loại bom này bằng được. Ông nghĩ ra cách đào một hố đủ sâu để ngồi nấp, sau đó dùng cây tre dài vài sải tay chọc vào quả bom. Quả bom nào chọc mà không nổ sẽ tập hợp lại một hố rồi dùng thuốc nổ phá. Ông Huyền tự hào cho biết: “Nhờ cách này mà sau đó thương vong do bom bươm bướm hầu như không có. Trong lúc giặc ném bom vẫn có thể phá bom chứ không như trước đây phải chờ máy bay địch rút đi. Nhiều đơn vị bạn đã mời tôi hướng dẫn cách phá bom”.
Một bài báo Bác Hồ viết về chiến sĩ thi đua toàn quốc Trịnh Văn Huyên năm 1955. |
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đội trưởng đội 293 giao cho Đội trưởng đội Phá bom Trịnh Văn Huyền phải đảm bảo 10 xe chở đạn, gồm 437 viên đại bác 105 ly đi qua đèo Pha Đin (Điện Biên). Ông Huyền kể lại: “Bảo vệ 10 xe chở đạn là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và rất khó khăn bởi xe đi cả ban ngày, rất dễ bị địch phát hiện. Cuối tháng 4/1954, khi đang làm nhiệm vụ phá bom nổ chậm, san lấp đường trên đèo Pha Đin, tôi phát hiện 4 máy bay địch không kích gần vị trí đóng quân của đơn vị. Tôi ra lệnh cho cả đội nhanh chóng về cứu đơn vị. Về đến nơi phát hiện máy bay địch đang bắn phá 10 xe chở đạn đang qua đèo. Trước tình thế cấp bách, tôi ra lệnh cho toàn bộ xe lái xuống dốc đèo và hô to “thà chết không để đạn nổ, tất cả tập trung đưa xe và đạn về nơi an toàn”. Hai xe bị dính đạn khói bốc nghi ngút. Bất chấp máy bay địch bắn phá, nguy hiểm cận kề, tôi cùng anh em chuyển đạn sang xe khác. Gần 10 tiếng chiến đấu với địch và hướng dẫn xe về nơi an toàn, đội của tôi cứu được 8/10 xe chở đạn”. Nhờ sự mưu trí và dũng cảm, ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen ngợi sau khi bảo vệ xe chở đạn về nơi an toàn.
Sau ngày giải phóng Điện Biên Phủ, ông về công tác tại Đoàn thanh niên Trung ương rồi chuyển về bộ Xây dựng đến lúc nghỉ hưu. Có thời gian ông lại khăn gói trở lại chiến trường tìm lại hài cốt đồng đội còn nằm lại chiến trường. Vào những dịp đất nước kỷ niệm ngày Thương binh liệt sỹ, trong căn nhà nhỏ, ông lại chuẩn bị tươm tất trên bàn thờ rồi thắp nén hương cho đồng đội.
Được Bác Hồ tặng áo lụa
Ông Trịnh Văn Huyền vinh dự được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng tấm bằng danh hiệu AHLLVTND. |
Đội trưởng Trịnh Văn Huyền có nhiều sáng kiến cải tạo đường ngầm qua suối, được phổ biến toàn đoàn hay nuôi lợn, nuôi gà “cơ động” trên vai khi hành quân để bồi dưỡng cho những đồng chí bị thương, đau ốm. Cùng nhiều sáng kiến, thành tích trong quá trình chiến đấu và lao động khác, ông được Bác Hồ viết thư khen ngợi và tặng chiếc áo lụa. Trong thư, Bác Hồ viết: “Trong một năm, đồng chí ấy đã được khen thưởng 23 lần. Vừa rồi, ở đại hội thi đua, đồng chí Huyền đã được bầu là chiến sỹ số 1 toàn đoàn”. Ngoài ra ông còn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương và được TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cử đi Vacsava dự hội nghị thanh niên ưu tú thế giới vào tháng 7/1955. Ngày 23/7/2014, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
VŨ PHƯƠNG