+Aa-
    Zalo

    Gặp chủ quán "ấm trà mạn giá gần nửa triệu đồng" ở chùa Hương

    • DSPL

    (ĐS&PL) - “Bên cạnh bán giá 15 nghìn mà sao ở đây bán 30 nghìn đồng một cốc. Buôn bán nơi cửa phật mà như thế à. Đúng là ăn cướp mà…”, chị Yến bức xúc.

    “Bên cạnh bán giá 15 nghìn mà sao ở đây bán 30 nghìn đồng một cốc. Buôn bán nơi cửa phật mà như thế à. Đúng là ăn cướp mà…”, chị Yến bức xúc.

    Không hỏi giá trước sẽ bị "chặt chém"

    Xuôi theo cánh chèo của chị lái đò tên Vịnh, chúng tôi ngược dòng suối Yên lên bến Trò. Cô lái đò có dáng người mảnh khảnh khuyến cáo chúng tôi, trên đường lên động không nên ăn thứ gì mà không hỏi tiền trước.

    Thậm chí, không được ngồi vào chiếu hoặc ghế của bất cứ hàng quán nào ven đường nếu không muốn trả tiền. Tuy nhiên, không phải du khách nào cũng gặp được người lái đò tốt bụng như chị Vịnh.

    Gặp chủ quán
    Quán Hà Thanh (nằm cách động Hương Tích chừng 50 mét) khiến du khách bức xúc vì bán hàng với giá cao.

    Có mặt tại quán Hà Thanh (quán nước "chém đẹp" ấm trà mạn giá 320 nghìn đồng, theo lời tố cáo của chị Hạnh qua đường dây nóng báo Dân Việt), chúng tôi cũng ngay lập tức được dịp được chứng kiến nhân viên của quán "chặt chém" một nhóm khách du lịch đến từ Đồ Sơn, Hải Phòng.

    Nhóm du khách Hải Phòng sau khi rời động Hương Tích thì vào quán Hà Thanh nghỉ chân, gọi 3 cốc nước mía nhưng không hỏi giá trước. Sau khoảng 10 phút ngồi uống nước trò chuyện khá vui vẻ, nhóm du khách từ Hải Phòng giật nảy mình vì chủ quán Hà Thanh yêu cầu trả 90 nghìn đồng cho 3 cốc nước mía.

    “Bên cạnh bán giá 15 nghìn mà sao ở đây bán 30 nghìn đồng một cốc. Buôn bán nơi cửa phật mà như thế à. Đúng là ăn cướp mà…”, chị Yến (một người trong nhóm du khách từ Đồ Sơn, Hải Phòng) bức xúc. Dù rất bức xúc song nhóm du khách đến từ Hải Phòng vẫn phải "ngậm cục tức" trả cho đủ số tiền cho nhân viên quán Hà Thanh.

    Như đã đưa tin, qua đường dây nóng của Dân Việt, chị Nguyễn Thị Hạnh (39 tuổi, Thanh Hóa) tới Dân Việt phản ánh, vừa qua chị Hạnh cùng 4 người trong gia đình về chùa Hương dự hội. Trên đường lên động Hương Tích, chị cùng gia đình có ghé vào quán Hà Thanh (cách động Hương Tích 50 mét) để nghỉ chân uống trà. Tuy nhiên, khi tính tiền, cả gia đình Hạnh chị phát hoảng vì chủ quán yêu cầu trả 320 nghìn đồng cho ấm trà vừa uống.

    “Sau khi leo từ bến đò lên đến gần động Hương Tích, chúng tôi mệt quá nên ngồi ngay vào quán nước Hà Thanh bên đường. Chúng tôi ngồi uống được 2 chén trà thì gọi chủ quán tính tiền. Họ đòi chúng tôi trả 320 nghìn cho ấm trà vừa uống. Chúng tôi hỏi sao đắt thế thì chủ quán giải thích “đưa được nước lên đây rất vất vả”. Dù rất bức xúc nhưng chúng tôi vẫn phải trả đúng 320 nghìn cho họ”, chị Hạnh cho biết.

    Theo ghi nhận của PV Dân Việt, quán Hà Thanh nằm trên đường lên động Hương Tích (cách đường xuống động chừng 50 mét). Diện tích quán rộng chừng 30 mét vuông, có 3 phản nằm để phục vụ du khách. Các mặt hàng tại quán Hà Thanh cũng khá đa dạng.

    Một nhân viên quán Hà Thanh cho hay, họ chỉ bán giá cao hơn mức bình thường tại khu di tích khi khách vào quán chưa hỏi giá tiền trước mà đã sử dụng hàng hóa của quán.

    "Nếu khách hỏi mua một quả trứng gà, bọn em sẽ bán 12 nghìn đồng/1 quả. Nhưng nếu khách vào quán chưa hỏi giá bao nhiêu đã ăn thì sau đó bọn em sẽ lấy 25 nghìn/1 quả.

    Có hôm, một nhóm khách vào quán em, leo lên chiếu ngồi, gọi đủ thứ đồ. Đến khi chúng em lấy 6,3 triệu đồng, họ bức xúc gọi công an, nhưng chẳng làm được gì”, một nhân viên trong quán Hà Thanh hồn nhiên kể lại.

    Một con sâu làm rầu nồi canh?

    Ra khỏi quán Hà Thanh và trở lại với chị lái đò trên suối Yến, sau khi biết chúng tôi rời động Hương tích với những câu chuyện "chặt chém" trên, một đồng nghiệp với chị Vịnh tâm sự với chúng tôi, chuyện hàng quán ở chùa Hương cao hơn so với giá thị trường là chuyện thường bởi chi phí vận chuyển hàng hóa vào đây cao hơn. Tuy nhiên, chuyện "chặt chém" như quán Hà Thanh chỉ là số ít.

    "Em là người chùa Hương và làm nghề chèo đò đã hơn chục năm nay nên em biết, thực tế ở đây có chuyện chủ hàng quán "chặt chém" du khách về hành hương. Tuy nhiên, số đó rất ít, chỉ như "một con sâu làm rầu nồi canh".

    Du khách vẫn có thể được thỏa mãn nhu cầu của mình mà không phải bức xúc nếu như họ tỉnh táo trả giá trước và chịu khó tìm hiểu.

    Gặp chủ quán
    Đồ ăn uống ở các hàng quán cạnh bến Trò thường thấp hơn hàng quán trên đường lên động Hương Tích.

    Ví như, du khách muốn ăn uống thì nên chọn các hàng quán ở cạnh bến Trò thay vì ăn uống dọc đường leo lên động Hương Tích. Giá một suất cơm ở bến Trò chỉ 50 nghìn nhưng trên đường lên động có thể cao hơn.

    Sở dĩ các hàng quán ven đường lên động Hương tích cao hơn vì để đưa được thực phẩm lên trên đó họ phải thuê người gánh hoặc tự gánh bộ lên. Có cáp treo nhưng không ai cho mang hàng hóa lên", một chị lái đò giải thích cho chúng tôi hay.

    Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban quản lý khu di tích và thắng cảnh chùa Hương, Phó ban chỉ đạo Lễ Hội chùa Hương 2014 cho biết, khi du khách về dự hội chùa Hương, Ban chỉ đạo Lễ Hội đã cảnh bảo du khách “khi mua hàng có sự thỏa thuận trước” ngay trên vé vào.

    Trên đường vào khu di tích, chúng tôi cũng lắp hệ thống loa truyền thanh và các biển cảnh báo du khách. Về vấn đề giá các mặt hàng các hộ ở chùa Hương bán cao hơn so với giá thị trường là vì họ mất rất nhiều công vận chuyển từ bên ngoài vào bến Trò, chùa Thiên Trù và động Hương Tích.

    Gặp chủ quán
    Bản đồ khu di tích và thắng cảnh chùa Hương.

    “Chúng tôi cho rằng, việc du khách bức xúc là vì họ chưa hiểu hết những khó khăn khi các hộ dân thuê buôn bán ở khu di tích chùa Hương. Ví như, để dựng một cái quán trên đường đi lên động Hương Tích, họ phải vận chuyển bàn, chiếu, phản… từ bên Yến vào bến Trò, sau đó lại phải thuê người gánh từng ít lên động khu vực Hương Tích. Các mặt hàng cũng phải vận chuyển như vậy nên giá cao hơn so với ở đồng bằng cũng là điều dễ hiểu.

    Vấn đề là nhiều khi du khách bức xúc vì phải trả giá cao nhưng các chủ quán không biết cách giải thích.

    Có trường hợp, một nhóm du khách vừa mang đồ, vừa lễ vào một quán trên đường, ngồi ăn trong khoảng 1 tiếng nhưng chỉ gọi 1 bát mỳ. Sau đó, khi chủ quán thu 100 nghìn thì họ bức xúc và gọi Ban tổ chức lễ hội. Tuy nhiên, sau khi được Ban tổ chức giải thích, số tiền 100 nghìn đồng một bát mỳ ở đây như là phí phục vụ, phí thuê chỗ và mang rượu vào quán thì du khách họ hiểu và chấp nhận”, ông Thanh cho hay.

    Về việc nhân viên quán Hà Thanh cho hay họ thu 6,3 triệu đồng nhóm khách khi vào quán, ông Nguyên Chí Thanh phân vân: "Không biết quán này bán cái gì mà thu của khách tới 6,3 triệu đồng. Ở trên đó cùng lắm là con gà..., sao có thể thu cao như vậy".

    Ông Thanh cho biết, sẽ cho người kiểm tra việc bán hàng của quán Hà Thanh. Nếu phát hiện quán Hà Thanh bán giá cao cho du khách, cơ quan chức năng sẽ có biện pháp xử lý.

    Theo Dân Việt

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gap-chu-quan-am-tra-man-gia-gan-nua-trieu-dong-o-chua-huong-a23063.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Đâm thủng cổ nạn nhân khi đi trẩy hội chùa Hương Tích

    Đâm thủng cổ nạn nhân khi đi trẩy hội chùa Hương Tích

    (ĐS&PL) - Đầu năm đi trẩy hội ở chùa Hương Tích, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), nhưng chỉ vì một chút hiểu nhầm nhỏ mà đối tượng Hồ Văn Hà (17 tuổi), trú tại xã Nghi Kim, TP. Vinh (Nghệ An) đã dùng dao nhọn gây ra vụ án mạng làm một người chết, một người bị thương nặng, bản thân mình đang phải đối diện với một cái án lơ lửng trên đầu.