Chan Anton - Anh chàng người Ukraina luôn thu hút mọi ánh nhìn bởi vẻ ngoài điển trai, tài năng, ngoại ngữ và chiếc đàn Accordion.
Chàng thủ khoa HV Âm nhạc quốc gia Ukraina
Có lẽ, bất cứ ai khi tiếp xúc với Chan Anton (sinh năm 1994) đều bị cuốn hút bởi vẻ hồn nhiền, đáng yêu của anh chàng, từ giọng Việt nhẹ nhàng đôi chút lắp bắp đến ánh mắt và nụ cười luôn tỏa nắng (theo cách gọi của một số sinh viên dành cho nam sinh người Ukraina này).
Chàng sinh viên HV Ngoại giao Chan Anton.
Không chỉ biết chơi đàn guitar và piano, Chan Anton còn chuyên sâu về đàn accordion. Chan Anton đã theo học accordion từ năm lên 8 tuổi. Chính tình yêu với cây đàn truyền thống của quê hương Ukraina ấy đã giúp cho anh bạn đạt được không ít thành công. Sau 8 năm miệt mài với những nốt đàn, Anton đã đỗ tốt nghiệp Thủ khoa HV Âm nhạc quốc gia Ukraina. Sau đó, cậu bạn lại gây bất ngờ khi nhận được học bổng của Bộ Ngoại giao Ukraina, sang theo học tại một trong những ngôi trường danh tiếng của Việt Nam – Học viện Ngoại giao.
Chiếc đàn accordion mua từ Liên Xô (cũ) đã gắn với anh chàng trong nhiều cuộc thi, đi đâu Anton cũng không thể thiếu nó. Tại Việt Nam, cũng chiếc đàn này, Anton đã nổi bật trên sân khấu trong một số cuộc thi dành cho sinh viên mà Học viện Ngoại giao tổ chức. Đây cũng là chiếc đàn quý, nếu kiếm tìm nó ở Việt Nam có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Anton từng là thủ khoa tốt nghiệp khoa Khoa nhạc cụ truyền thống HV Âm nhạc Ukraina.
Một sinh viên khóa dưới Anton nhận xét về chàng ngoại quốc này: “Mình rất ngưỡng mộ tài năng của anh ấy. Mình cũng chơi piano, Anton cũng vậy. Nhưng quả thật, khi nghe anh ý chơi đàn, nhất là accordion, quả thực rất đáng ngưỡng mộ”.
Chàng trai của nguyên tắc
Đi du học tại một đất nước hoàn toàn xa lạ đã khiến cho Anton gặp không ít khó khăn. Cậu bạn kể: “Sang đây học, mọi thứ đều thay đổi. Ngày trước ở nhà (Ukraina) mẹ giúp mình làm hết. Giờ ở Việt Nam, mình phải sống tự lập hoàn toàn. Mình phải đi chợ, giặt quần áo, rửa bát, dọn dẹp nhà… tốn rất nhiều thời gian”.
Thế nhưng, bí kíp để Anton giải quyết mọi rắc rối trong sinh hoạt hàng ngày chính là lên kế hoạch chi tiết cho mọi công việc: “Nếu như ở Ukraina, mọi thứ mình được mẹ nhắc thì sang bên này, mình luôn ghi trước những công việc mình làm trong một ngày ra giấy và thực hiện nó theo lịch”. Sống có kế hoạch chính là nguyên tắc giúp anh chàng phân bổ thời gian và sử dụng nó hiệu quả.
Anton từng gặp nhiều khó khăn sang Việt Nam du học.
Trò chuyện cùng nam sinh viên này, điều ấn tượng nhất là khi anh bạn kể về các tình huống giao tiếp của mình tại Việt Nam. Anton nói rất nhiều về văn hóa của người Việt. Đối với anh bạn: “Giao tiếp ở Việt Nam rất khó. Như khi mình ra đường, muốn hỏi đường, gặp một người đàn ông mình không biết là nên chào bằng ông, hay chú hay là bác… Mình thường phải nghĩ mất mấy giây để tìm ra cách xưng hô đúng nhất”.
Dù xa xứ, gặp nhiều khó khăn với cuộc sống mới tại Việt Nam (đặc biệt ở năm thứ nhất đại học) nhưng bây giờ anh chàng đã coi đây là một nơi đặc biệt. “Mỗi năm mình về một lần kỳ nghỉ hè. Nhưng, năm nay chắc mình không về vì mình muốn đi du lịch ở Việt Nam. Nơi đây là xứ sở tuyệt vời. Và con người, bạn bè, mọi thứ nơi đây với mình đều đã trở nên quen thuộc”, Anton tâm sự.
Từng "lãi" 10.000 đồng vì phát âm sai
Một điều ngưỡng mộ về chàng trai này, đó là Anton biết 3 thứ tiếng: Tiếng Nga, Tiếng Anh, Tiếng Việt. Lắng nghe Anton chia sẻ về bí kíp học, hẳn là ai cũng sẽ ngạc nhiên bởi cách học của cậu rất khác phương pháp thông thường là chỉ học trên giảng đường.
Anton rất được lòng bạn bè.
“Mình muốn học bất kỳ ngoại ngữ nào, đầu tiên phải học cái cơ bản, nền tảng. Sau đó là học chắc ngữ pháp. Học, đọc thật nhiều để có từ vựng. Nhưng phải giao tiếp với người bản địa thật nhiều, khi đó mình vừa học phát âm từ họ, vừa học được giai điệu của ngôn từ” – Anton chia sẻ.
Tất nhiên, học ngoại ngữ đòi hỏi một quá trình dài, Anton đã phải mất 1 năm rưỡi học ngữ pháp, rồi giao tiếp liên tục để có thể nói được tiếng Việt như hiện nay. Anton còn kể một câu chuyện cười khiến anh chàng nhớ mãi: “Mình đi bắt xe ôm, mọi ngày, mình đi từ đây (Học viện Ngoại giao) đến Tây Hồ mất 60.000 đồng. Hôm ấy mình bảo: Chú ơi cho cháu đi xe ôm ra Tây hồ loại 60.000 đồng? Chú ấy không nghe ra, bảo: “50.000 đồng đi không?”. Ôi, thế là mình đi luôn. Đó là kỷ niệm về việc phát âm không chuẩn mà mình sẽ còn nhớ mãi, nhưng hôm đó mình cũng lãi được 10.000 đồng”.
Hỏi về dự định tương lai gần, Anton khiêm tốn: “Sau khi tốt nghiệp mình muốn được về làm ở Đại sứ quán Ukraina. Và hi vọng, sẽ được Đại sứ quán Ukraina phân công đến làm tại trụ sở ở Việt Nam. Vì mình đã khá quen và yêu nơi này mất rồi”.
Xem thêm một số hình ảnh của Anton:
Ảnh: Hữu Trung