(ĐSPL)- Sau khi bài viết “Nghi vấn gạo tẩm hóa chất độc hại có mùi giống thuốc diệt cỏ chấn động miền Trung” được đăng tải trên báo Đời sống và Pháp luật ra ngày 28/7/2014, nhiều bạn đọc đã gọi điện đến đường dây nóng của báo để phản ánh thông tin, yêu cầu nhanh chóng làm rõ trắng đen.
Để rộng đường dư luận, sáng 30/7, PV báo Đời sống và Pháp luật đã theo chân Đoàn kiểm tra liên ngành của chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) TP Đà Nẵng để tìm hiểu thực hư về vụ việc gây chấn động dư luận này.
Đoàn kiểm tra liên ngành mang gạo đi khảo nghiệm
Sáng 30/7, Đoàn kiểm tra liên ngành của chi cục TT&BVTV TP Đà Nẵng gồm ông Lê Thanh Hạ, ông Hoàng Ngọc ấn, ông Nguyễn Phận cùng với PV báo Đời sống và Pháp luật đã có mặt tại Công an phường Hòa Thọ Đông để xác minh thông tin.
Tại buổi làm việc, Thượng úy Phan Xuân Phúc (Phó trưởng Công an phường Hòa Thọ Đông) đã bàn giao tang vật là số “gạo bẩn” bị nghi ngờ tẩm hóa chất độc hại thu giữ tại hiện trường. Đoàn kiểm tra liên ngành đã trực tiếp lấy mẫu, đưa đi kiểm tra.
Đến trưa 31/7, ông Phạm Hồng Vân, Chi cục trưởng chi cục TT&BVTV TP. Đà Nẵng đã có câu trả lời chính thức về nghi vấn gạo tẩm hóa chất độc hại. Theo đó, cán bộ chuyên trách của chi cục đã tiến hành thực nghiệm, kiểm tra mẫu gạo lấy về từ Công an phường Hòa Thọ Đông. Mẫu “gạo bẩn” được cho vào chén sứ, ngâm trong nước. Sau 12 giờ đồng hồ, gạo vẫn có màu trắng trong, không có bất cứ một biến chuyển nào sang màu xanh lợt. Nước gạo có mùi nhưng đó là mùi gạo ngâm bình thường chứ không phải là mùi nồng nặc của thuốc bảo vệ thực vật. Tiến hành kiểm tra, cơ quan chức năng không phát hiện bất cứ một hóa chất độc hại nào trong mẫu gạo nói trên.
Trả lời câu hỏi của PV “tại sao cùng một mẫu gạo nhưng người dân ngâm cho ra màu xanh lợt, gạo bốc mùi hôi nồng, nhưng cơ quan chức năng kiểm định lại không phát hiện ra dấu hiệu bất thường?”, ông Hoàng Ngọc Ấn (Phó phòng Thanh tra chuyên ngành của chi cục TT&BVTV TP. Đà Nẵng) lý giải, cùng trên một mẫu gạo do công an cung cấp, cán bộ chi cục đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tiêu chuẩn kiểm nghiệm. Đồng thời, cũng tiến hành thực nghiệm theo đúng phương pháp mà chính người dân đã tiến hành. Tuy nhiên, vẫn không phát hiện được biểu hiện bất thường.
Ông Ấn cho rằng, việc người dân phát hiện gạo có màu xanh cũng chưa hẳn là loại gạo đó bị tẩm hóa chất độc hại. Bởi lẽ, gạo bị mốc cũng có khả năng đổi từ màu trắng sang màu xanh. Bình thường gạo có màu trắng trong, nhưng khi bị ẩm nước, lâu ngày sẽ đổi sang màu khác.
Theo ông Ấn, trong trường hợp này, nhiều khả năng khâu bảo quản không tốt của người dân chính là tác nhân khiến gạo bị mốc. Mẫu gạo cơ quan chức năng thu giữ tại hiện trường, người dân vẫn còn để nguyên trong bao loại 10kg, cột miệng bao cẩn thận, còn số gạo đem ngâm phát hiện đổi màu trước đó được người dân bảo quản trong thùng nhựa, không đậy kín nên khả năng nước vào bị ẩm không phải là nhỏ.
Đặc biệt, tại nhà bà Trần Thị Tiếp (80 tuổi, trú tổ 32B) vẫn thu giữ được một ít gạo đã chuyển sang màu xanh, lấm chấm đen ở đáy thùng nhựa mà bà Tiếp vẫn thường hay dùng để đựng gạo. Điều này cho thấy khả năng gạo màu xanh, bốc mùi hôi nồng mà người dân phát hiện chính là gạo bị ẩm mốc là rất có cơ sở.
Với hơn 2.000 hoạt chất độc hại có mặt trên thị trường hiện nay thì vẫn để ngỏ nhiều khả năng khác, tuy nhiên trong trường hợp trên thì xác suất gạo bị tẩm hóa chất độc hại là khá nhỏ.
|
Đoàn kiểm tra đang tiến hành lấy mẫu tại trụ sở Công an phường Hòa Thọ Đông. |
“Chiêu hạ độc thủ” của đối thủ
Chiều 31/7, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Tâm (chủ DN Mai Tư Hoảnh) về vụ việc trên. ông Tâm cho biết: “Trước khi báo Đời sống và Pháp luật đăng bài thì tôi đã có nghe đại lý gạo Tiến Linh (TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) thông báo việc khách hàng mua gạo lẻ về dùng đã phát hiện hạt gạo chuyển từ màu trắng sang màu xanh sau khi ngâm trong nước”.
“Đây là điều khiến chúng tôi rất ngạc nhiên, bởi thương hiệu gạo Mai Tư Hoảnh đã tồn tại suốt hơn hai mươi năm qua tại thị trường miền Trung. Hơn nữa, dây chuyền sản xuất gạo luôn đảm bảo chất lượng, từ khâu xay xát, lau bóng hạt gạo đến đóng gói đều được kiểm soát hết sức cẩn thận. Do vậy, không lý gì gạo có khả năng tự đổi màu, bốc mùi hôi mà suốt 20 năm qua chúng tôi và tất cả người tiêu dùng không phát hiện ra”, ông Tâm cho biết thêm.
Theo ông Tâm, sau khi xâu chuỗi toàn bộ sự kiện lại với nhau thì DN cũng không loại trừ khả năng, có người cố tình tuồn hàng giả, hàng kém chất lượng vào thị trường nhằm hạ thấp uy tín của DN. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra trường hợp này, cách đây khoảng 4 năm, thương hiệu gạo Mai Tư Hoảnh cũng từng bị làm giả mạo...
“Trước sự việc này, DN khẩn thiết đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, tiến hành điều tra, làm rõ về vụ việc, đưa ra ánh sáng những cá nhân, tổ chức cố tình tung hàng kém chất lượng, đồng thời trấn an người dân. Bên cạnh đó, nếu trong quá trình kiểm tra, thẩm định phát hiện những loại hóa chất độc hại trên thương hiệu Mai Tư Hoảnh, chúng tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Tâm nhấn mạnh.
Đoàn kiểm tra liên ngành mang gạo đi khảo nghiệm Sáng 30/7, Đoàn kiểm tra liên ngành của chi cục TT&BVTV TP. Đà Nẵng gồm ông Lê Thanh Hạ, ông Hoàng Ngọc ấn, ông Nguyễn Phận cùng với PV báo ĐS&PL đã có mặt tại Công an phường Hòa Thọ Đông để xác minh thông tin. Tại buổi làm việc, Thượng úy Phan Xuân Phúc (Phó trưởng Công an phường Hòa Thọ Đông) đã bàn giao tang vật là số “gạo bẩn” bị nghi ngờ tẩm hóa chất độc hại thu giữ tại hiện trường. Đoàn kiểm tra liên ngành đã trực tiếp lấy mẫu, đưa đi. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gao-nau-com-hoa-mau-xanh-mui-thuoc-diet-cochieu-ha-doc-doi-thu-a44651.html