Kết quả kinh doanh không mấy khả quan cùng khoản nợ “khổng lồ” gấp 5-6 lần so với quy mô chỉ hơn 2.000 tỷ đồng của cả doanh nghiệp khiến công ty Cổ phần Hùng Vương buộc lòng phải bán đi những “đứa con cưng” của mình.
“Ông lớn” sa sút
Trước khi lâm vào tình cảnh làm ăn bết bát, công ty Cổ phần (CTCP) Hùng Vương (HVG) từng được ví như “vua cá tra” của ngành thủy sản Việt với doanh thu tăng 1.000 lần trong 10 năm. Có thời kỳ, HVG chiếm tới phân nửa tổng giá trị lợi nhuận ngành và nằm trong số ít có tăng trưởng dương, trong bối cảnh ngành thủy sản gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ sự phát triển trên, doanh nghiệp “mạnh tay” mở rộng sang các ngành nghề khác như nông nghiệp, bán lẻ, kho lạnh và cả bất động sản...
Thế nhưng, sau thời gian dài đầu tư và mở rộng, Hùng Vương dần đuối sức. Cuối năm 2013, công ty mẹ HVG lần đầu tiên công bố lỗ quỹ bất chấp doanh thu tăng mạnh. Thị phần được giữ vững nhưng chi phí quá cao, đặc biệt chi phí tài chính, bán hàng và vận chuyển đã khiến ông trùm thủy sản gặp không ít khó khăn.
Sang năm 2015, doanh nghiệp này rơi vào tình cảnh doanh thu tăng nhưng lãi vỏn vẹn hơn chục tỷ đồng do chi phí ngày càng nhiều. Vị trí của HVG trong ngành cũng tụt giảm. Trong khi Minh Phú lên vị trí số 1, Vĩnh Hoàn số 2 thì Hùng Vương tụt xuống thứ 10.
Tình hình dường như càng trở nên xấu đi khi HVG mở rộng hoạt động kinh doanh, chuyển hướng chăn nuôi heo với dự án 2.000 tỷ đồng, từ thức ăn gia súc gia cầm cho tới trang trại, sản xuất thuốc, logistics... Sa sút lên tới đỉnh điểm khi ngay từ những ngày đầu năm 2017, Hùng Vương đã phải đón nhận những thông tin không mấy vui vẻ.
Theo đó, thời điểm này, cổ phiếu HVG bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 15/2 tới nay do lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2016 và quý II/2017 lần lượt âm 49 tỷ đồng và âm 41 tỷ đồng.
Cùng với đó, tình hình nợ nần của “ông lớn” ngành thủy sản cũng đang ở mức rất cao khiến nhiều cổ đông lo ngại. Cụ thể, tính tới thời điểm cuối quý 2/2017, công ty Cổ phần Hùng Vương ghi nhận tổng nợ lên tới gần 12,4 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn lên tới gần 11,4 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, vốn điều lệ công ty chỉ vỏn vẹn gần 2,3 nghìn tỷ đồng.
Buông tay “đất vàng”
Ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch HVG mang gánh nặng nợ nần trên vai sau những cú vung tay nghìn tỷ. |
Cũng chính bởi bức tranh tài chính tối màu này, ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT CTCP Hùng Vương - đã buộc phải “dứt lòng” với những “đứa con cưng” nhất của mình để trang trải nợ nần, lấy vốn tái đầu tư. Đầu tiên là quyết định thoái vốn và giải thể công ty Cổ phần Địa ốc An Lạc - công ty con do HVG sở hữu 76% vốn được đưa ra hồi tháng Tám vừa qua.
Theo HVG, công ty sẽ tiến hành thanh lý các bất động sản hiện có thuộc công ty Địa ốc An Lạc gồm: 1.488 m2 diện tích sử dụng đất tại 94 Phạm Đình Hổ, phường 2, quận 6, TP.HCM; 1.123 m2 diện tích sử dụng đất tại 96 Phạm Đình Hổ; 5.643 m2 đất tại 765 Hồng Bàng, phường 6, quận 6 và khu đất theo tờ bản đồ số 7, thửa 23-24-25-30 tại xã Long Thới, huyện Nhà Bè, diện tích gần 12.000 m2.
Trong báo cáo giải trình, Hùng Vương của đại gia thủy sản Dương Ngọc Minh cho biết, các bất động sản trên đều là đất sạch sẵn sàng để phát triển dự án. Ở thời điểm hiện tại do đang cần tập trung các nguồn lực để phát triển ngành nghề kinh doanh cốt lõi, công ty quyết định thay vì phát hành cổ phiếu đầu tư sai mục đích, rót tiền vào địa ốc, chứng khoán, tới đây Hùng Vương sẽ chú trọng vào nuôi trồng, chế biến thức ăn, nâng cấp sửa chữa nhà máy, thiết bị, tránh sai lầm như nhiều công ty khác.
Tuy nhiên, việc rút vốn khỏi địa ốc An Lạc vẫn không đủ tầm để “xua tan giông tố” tại HVG. Theo BCTC hợp nhất niên độ tài chính 2016-2017 vừa công bố, trong quý cuối cùng năm tài chính (từ 1/7-30/9), dù HVG có kết quả khá tốt, nhưng không thể bù được hết khoản lỗ trong quý trước đó.
Cụ thể, trong quý IV niên độ tài chính 2016-2017, doanh thu của HVG đạt 3.588 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 30,4 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 75,7 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 33,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 100 tỷ đồng.
Lũy kế, trong năm tài chính 2016-2017, HVG đạt 16.059 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 11% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 63 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 9,7 tỷ đồng), trong đó lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ âm tới 131 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tính đến thời điểm 30/9/2017, nợ phải trả của công ty dù đã giảm 1.566 tỷ đồng nhưng vẫn ở mức rất cao 11.770 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là nợ ngắn hạn hơn 10.862 tỷ đồng, chiếm phần lớn là vay nợ tài chính ngắn hạn hơn 7.016 tỷ đồng và phải trả người bán 3.420 tỷ đồng.
Quyết định khó khăn nhất
Trước những “con số ảm đạm” nêu trên, ngày 1/11 mới đây, “vua cá tra” đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc thoái toàn bộ vốn góp tại CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC). Cụ thể, HVG đăng ký bán 21.168.000 cổ phiếu FMC, tương đương 54,28% vốn.
Giao dịch được thực hiện ngay sau khi Nghị quyết này được ban hành và được thực hiện theo quy định của sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM. Hiện cổ phiếu FMC đang được giao dịch ở 20.950 đồng/cp, ước lượng giá trị HVG thu về có thể đạt khoảng 443 tỷ đồng.
Quyết định này được đưa ra khá bất ngờ và có lẽ cũng là quyết định khó khăn nhất đối với ban lãnh đạo HVG bởi trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, Chủ tịch Dương Ngọc Minh từng cho biết tháng 3/2017, công ty có ý định bán toàn bộ vốn tại FMC cho một đối tác của Nhật nhưng đến thời điểm tổ chức Đại hội đã thu xếp được vốn nên không thực hiện bán nữa.
Thêm vào đó, Sao Ta cũng là tâm huyết của ông Minh từ khi có ý định quay lại với ngành tôm. Đây là doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm và nằm trong nhóm các công ty xuất khẩu tôm lớn của thị trường, cũng là doanh nghiệp tốt hàng đầu trong hệ thống của HVG. Ông Minh từng chia sẻ trong Đại hội cổ đông thường niên 2017 của HVG, “lấy vài trăm tỷ đồng mà để mất đi thương hiệu Sao Ta và mất đi ngành tôm thì không đáng”.
Được biết, trong bối cảnh HVG chìm trong thua lỗ thì năm 2017, Sao Ta lại là điểm sáng duy nhất khi ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục với sản lượng chế biến tôm thành phẩm ước đạt 15.441 tấn và thu về 144 triệu USD, lợi nhuận trước thuế ước đạt 125 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch năm, tăng 60% so với năm trước.
Chưa dừng lại ở những quyết định “buông” An Lạc và Sao Ta, trong một cuộc trao đổi với báo chí mới đây, ông Dương Ngọc Minh tiết lộ, HVG đang cân nhắc tiếp tục thoái vốn ở hai doanh nghiệp con là CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng và công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish). Thông tin này khá bất ngờ, bởi mới hồi đầu năm, Chủ tịch HĐQT Hùng Vương còn có kế hoạch đến năm 2019 sẽ đầu tư nhà máy thức ăn chăn nuôi Việt Thắng với công suất thiết kế lên đến 400.000 tấn/năm. |