Các nhà chức trách Hy Lạp cho biết ít nhất 79 người đã chết và hàng trăm người mất tích sau khi một tàu đánh cá chở người di cư bị chìm ngoài khơi bờ biển phía Nam Hy Lạp.
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, lực lượng bảo vệ bờ biển, hải quân, máy bay và trực thăng đã được triển khai cho một chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ rộng lớn.
Hoạt động tìm kiếm những người sống sót sau vụ tai nạn hàng hải này đang diễn ra vô cùng khó khăn. Một số nguồn tin cho biết ước tính số lượng người trên con tàu này là hơn 400 người.
Các nhà chức trách Hy Lạp cho rằng vụ việc là một trong những thảm họa hàng hải khủng khiếp nhất ở châu Âu. Theo báo cáo ban đầu, hơn một trăm người đã được giải cứu và hàng trăm người khác được cho là mất tích.
Tính đến trưa ngày 14/6, 104 người đã được cứu. Tại cảng phía Nam Kalamata, hàng chục người khác đã được đưa đến các khu vực tạm trú do dịch vụ cứu thương và Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc thiết lập để nhận hỗ trợ và chăm sóc y tế.
Một quan chức giấu tên của nước này cho biết: "Chúng tôi sợ rằng số người thiệt mạng sẽ tăng lên. Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu người ở dưới nước hoặc bị mắc kẹt trong con tàu bị chìm".
Kênh ERT của Hy Lạp đưa tin, con thuyền khởi hành từ TP Tobruk của Libya tới Ý, phần lớn người trên thuyền là thanh niên ở độ tuổi 20. Hiện chưa rõ quốc tịch của những người trên thuyền cũng như ngày họ khởi hành, nhưng một quan chức thuộc Bộ Vận tải Hy Lạp cho rằng những người trên con thuyền có thể đến từ Ai Cập, Syria và Pakistan.
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, các đảng phái Hy Lạp đã buộc phải tạm dừng chiến dịch vận động trước bầu cử. Ông Kyriakos Mitsotakis, lãnh đạo Đảng Dân chủ Mới, cho biết ưu tiên hiện nay là cứu càng nhiều mạng sống càng tốt.
Hy Lạp là một trong những tuyến đường chính vào Liên minh châu Âu của người tị nạn và di cư từ Trung Đông, châu Á và châu Phi. Đa số những người này đều tìm cách vượt qua các đảo Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ để vào EU.
Tuy nhiên, kể từ khi chính phủ Hy Lạp đẩy mạnh việc giám sát chặt chẽ hơn tại các trại di cư và việc xâm nhập trái phép vào EU, ngày càng có nhiều người di cư lựa chọn thực hiện hành trình dài hơn, nguy hiểm hơn từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Italia qua Hy Lạp.
Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, khoảng 72.000 người tị nạn và người di cư đã đến các quốc gia bao gồm Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Malta và Síp cùng các quốc gia giáp Địa Trung Hải trong năm nay.
Như Quỳnh(T/h)