+Aa-
    Zalo

    Gần 3.000 học sinh chưa có chỗ học, tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông có giải pháp gì?

    (ĐS&PL) - Theo thống kê Đắk Lắk, Đắk Nông có gần 3.000 học sinh chưa có chỗ học lớp 10, nguyên nhân ban đầu là do học sinh tăng nhưng giáo viên giảm, cơ sở vật chất thiếu.

    Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, ngày 5/7, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cho biết đang nghiên cứu để "nới rộng" chỉ tiêu vào lớp 10 cho học sinh trên địa bàn.

    Ông Hải cho hay, tỉnh chưa chốt danh sách học sinh trúng tuyển vào lớp 10. Nhưng căn cứ vào quy định phân luồng, điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên thì có khoảng 1.000 học sinh chưa có chỗ học. Đây cũng là nội dung được đặt ra tại phiên thảo luận tổ tại hội nghị Tỉnh ủy Đắk Nông lần thứ 16, khóa XII diễn ra ngày 4/7.

    Theo ông Hải, tại phiên thảo luận, một đại biểu đã đặt vấn đề hiện có nhiều phụ huynh có con vừa hoàn thành chương trình học THCS lo lắng không có chỗ học vì các trường THPT đã đủ chỉ tiêu. Trong khi đó, nhiều nơi có điều kiện khó khăn, ở vùng sâu vùng xa việc đi học ở các trường nghề không thuận lợi. Tuy nhiên, theo quy định phân luồng đối với tuyển sinh lớp 10 thì 70 - 80% vào THPT, 20 - 30% vào học nghề. Nếu tuyển sinh 100% vào lớp 10 sẽ không đủ phòng học và giáo viên. Năm học 2024 - 2025, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh của các trường THPT ở Đắk Nông là 25.052 em, trong đó có 8.997 học sinh lớp 10.

    Đắk Lắk, Đắk Nông có gần 3.000 học sinh chưa có chỗ học. Ảnh minh họa

    Đắk Lắk, Đắk Nông có gần 3.000 học sinh chưa có chỗ học. Ảnh minh họa

    Nói về nguyên nhân gần 1.000 học sinh lớp 10 chưa có chỗ học, ông Hải cho biết nguyên nhân chủ yếu là học sinh tăng nhưng giáo viên giảm, cơ sở vật chất thiếu. Theo ông, số học sinh hằng năm vẫn tăng nhưng quy định mỗi lớp học không quá 40 học sinh, do đó phải phân luồng.

    Tuy nhiên ở Đắk Nông, học sinh học xong THCS nếu không vào trường THPT thì chỉ phân luồng vào Trường cao đẳng Cộng đồng, song ở trường này không có giáo viên dạy. Trong khi đó, ở vùng sâu vùng xa không thể tuyển dụng giáo viên cho một số môn học, nên tình trạng thiếu giáo viên càng nghiêm trọng.

    "Tỉnh vẫn phải thực hiện phân luồng theo quy định. Nhưng do đặc thù tỉnh Đắk Nông điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo, nhiều nơi ở vùng sâu vùng xa nên đang xem xét nới rộng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10", ông Phan Thanh Hải cho hay.

    Theo ông Hải, thêm phương án đang xây dựng là cho tuyển bổ sung học sinh và trình HĐND xem xét bố trí kinh phí hỗ trợ giáo viên. Tuy nhiên với 1.000 học sinh này không thể tuyển bổ sung hết vào các trường THPT công lập mà có thể đi học trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên, trường nghề. Tâm lý phụ huynh là muốn con vào trường THPT công lập.

    Tương tự tại Đắk Lắk cũng xảy ra tình trạng các học sinh chưa có chỗ học lớp 10. Báo Dân Trí dẫn báo cáo của Sở GD&ĐT Đắk Lắk, năm nay số lượng học sinh tốt nghiệp THCS của tỉnh Đắk Lắk gần 32.000 em, cao hơn so với nhiều năm học trước 3.000-4.000 em.

    Ngành giáo dục đã giao chỉ tiêu các trường THPT công lập tuyển trên 21.000 học sinh với hình thức thi tuyển và xét tuyển; các trường THPT ngoài công lập khoảng 2.000 học sinh; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên khoảng 3.600 học sinh; các trường trung cấp, cao đẳng khoảng 3.000 học sinh.

    Số còn lại khoảng 2.000 em đã tốt nghiệp THCS chưa được tuyển sinh vào lớp 10.

    Bà H'Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk

    Bà H'Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk

    Trước thực trạng, Sở GD&ĐT Đắk Lắk đề xuất UBND tỉnh này tăng số lượng học sinh/lớp đối với lớp 10, trung bình 44 học sinh/lớp cho tất cả các trường THPT công lập trên địa bàn toàn tỉnh (dự kiến khoảng 1.100 chỉ tiêu và không làm tăng số lớp).

    Đồng thời, Sở GD&ĐT Đắk Lắk cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch dự báo, đánh giá tình hình học sinh THCS tốt nghiệp hằng năm trên địa bàn để chủ động các phương án.

    Bà H'Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh thống nhất đề xuất của Sở GD&ĐT tăng học sinh/lớp để giải quyết cho 1.100 học sinh và giao các sở, ngành rà soát cơ sở vật chất các trường nghề để bố trí số học sinh còn lại. Tuy nhiên Phó Chủ tịch UBND tỉnh không đồng ý phương án nhiều trường công lập xin hạ điểm chuẩn để nhận đủ chỉ tiêu được giao ban đầu, thay vào đó, thực hiện theo các phương án Sở GD&ĐT đã đề ra.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/gan-3-000-hoc-sinh-chua-co-cho-hoc-tinh-ak-lak-ak-nong-co-giai-phap-gi-a442248.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan