Tính đến 7h sáng ngày Mùng 3 Tết, đã có 1.982 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, 488 ca nhập viện để điều trị/theo dõi.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, từ ngày 27 đến mùng 3 Tết Kỷ Hợi, mỗi ngày các bệnh viện trong cả nước tiếp nhận hàng nghìn nạn nhân tai nạn giao thông, hàng trăm người phải cấp cứu do đánh nhau, ngộ độc thực phẩm và hàng trăm trường hợp phải điều trị do pháo nổ.
Cụ thể, tính đến sáng ngày mùng 3 Tết Kỷ Hợi 2019, ngoài việc tiếp nhận gần 275 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ, các bệnh viện trong cả nước còn tiếp nhận 3.442 người phải đến cấp cứu sau khi đánh nhau. Trong đó, hơn 1.800 trường hợp phải điều trị nội trú sau khi đánh nhau và 11 trường hợp đã tử vong.
Các ca cấp cứu do TNGT tại BV Việt Đức. Ảnh: Infonet |
Đáng lưu ý, ghi nhận trong ngày Mùng 2 Tết vẫn có 18 trường hợp khám cấp cứu do pháo nổ, tăng 10 ca so với cùng ngày Tết Mậu Tuất. Ghi nhận 3 trường hợp nhập viện do chất nổ khác. Có 1 ca tử vong cháu trai 10 tuổi, bị bắn bằng súng tự chế tại Đồng Nai.
Trong 5 ngày Tết (tính đến 7h sáng ngày Mùng 3 Tết) đã có 275 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại.
Trong khi đó, theo báo cáo của các cơ sở y tế gửi về trong lĩnh vực khám chữa bệnh: Tổng số ca đến cấp cứu do đánh nhau đến khám là 734 trường hợp (giảm nhẹ 1 % so với cùng ngày Tết Mậu Tuất, số ca nặng phải nhập viện điều trị, theo dõi là 435 trường hợp, giảm 21% so với cùng ngày Tết Mậu Tuất), số ca xác định do rượu/bia là 98 trường hợp giảm 27%, có 97 trường hợp phải chuyển viện tuyến trên, có 1 trường hợp tử vong so với 3 ca cùng ngày Tết Mậu Tuất 2018.
Trong 5 ngày Tết từ ngày 28 Tết đến 7h sáng Mùng 3 Tết đã có 3,442 ca khám, cấp cứu tai nạn do đánh nhau, 1,820 ca phải nhập viện điều trị/theo dõi và 11 trường hợp tử vong.
Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho hay, trong ngày mùng 2 Tết tổng số ca khám tai nạn sinh hoạt, lao động là 2.624 trường hợp, có 01 trường hợp tử vong. Tính cả 5 ngày nghỉ Tết (tính đến 7h sáng ngày Mùng 3 Tết) đã có 13.955 trường hợp khám, cấp cứu do tai nạn sinh hoạt, lao động trong đó 16 trường hợp tử vong.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhân tai nạn giao thông tại Bệnh viện Bạch Mai trong đêm 30 Tết Kỷ Hợi. Ảnh: VOV |
Tổng số ca khám rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn là 556 trường hợp (giảm 7% so với cùng ngày Tết Mậu Tuất 2018, trong đó 159 trường hợp được xác định là ngộ độc/say rượu, bia giảm 3 % so với cùng ngày Tết Mậu Tuất. Ghi nhận 132 trường hợp khai do ngộ độc thức ăn tự chế biến, không tăng so với cùng ngày Tết Mậu Tuất), chưa phát hiện vụ ngộ độc thực phẩm.
Tổng số trong 5 ngày Tết (tính đến 7h sáng ngày Mùng 3 Tết) đã có 1.982 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, 488 ca nhập viện để điều trị/theo dõi, 3 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu (tự tử).
Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khuyến cáo: “Qua khảo sát của chúng tôi, nạn nhân chủ yếu là người trẻ, đi xe máy sau khi uống rượu bia. Bên cạnh đó cũng có nhiều người uống rượu bia xong đã cãi nhau, đánh nhau dẫn đến nhập viện. Do vậy, trong những ngày Tết người dân nên ăn đủ chất, không quá chén, có chế độ nghỉ ngơi thích hợp, đặc biệt là hạn chế tối đa uống rượu, bia, nhất là trước khi tham gia giao thông. Hiện nay 35% tử vong tai nạn giao thông là do uống rượu bia, chưa kể những thương tích nặng nền như chấn thương sọ não, ảnh hưởng tới sức khỏe của chính bệnh nhân và những vấn đề về xã hội”.
Nguyễn Phượng (T/h)