Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm hơn 200.000 ca nhiễm và gần hơn 5.100 ca tử vong do dịch Covid-19.
Thế giới đã ghi nhận gần 11 triệu ca nhiễm Covid-19. Ảnh: Getty Images |
Theo dữ liệu cập nhật trên trang Worldometers, tính đến 9h ngày 3/7 (giờ Hà Nội), thế giới ghi nhận 10.984.735 ca nhiễm Covid-19 và 524.036 trường hợp tử vong vì Covid-19, tăng lần lượt 208.864 ca nhiễm và 5.155 ca tử vong so với cùng thời điểm của ngày hôm trước. Ít nhất 6.140.649 người đã hồi phục.
Mỹ hiện vùng dịch lớn nhất thế giới, với 2.837.189 ca nhiễm và 131.485 ca tử vong, tăng lần lượt 57.236 và 687 ca trong 24 giờ. 37 bang ở Mỹ đang chứng kiến đà tăng ca nhiễm Covid-19 trở lại, trong đó một số bang ghi nhận con số kỷ lục và buộc phải tái áp đặt biện pháp phong tỏa để hạn chế bệnh dịch lây lan.
Bộ Y tế Brazil ghi nhận thêm 48.105 ca nhiễm mới trong ngày 2/7, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên ít nhất 1.496.858 người. Đây là mức tăng số ca nhiễm trong ngày cao thứ hai kể từ khi dịch bùng phát tại Brazil.
Brazil cũng ghi nhận thêm 1.252 ca tử vong vì Covid-19 trong ngày 2/7, nâng tổng số ca tử vong lên ít nhất 61.884 người. Brazil hiện là vùng dịch lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ.
Nga, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 147 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 9.643. Số ca nhiễm tăng 6.760, lên 661.165, đánh dấu ngày thứ bảy liên tiếp ca mới trong một ngày dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4. Nga tuyên bố dịch bệnh trong tầm kiểm soát. Thủ tướng Mikhail Mishustin cho biết số ca nhiễm mới trên cả nước đang giảm dần nhưng chính phủ vẫn sẽ tiếp tục tăng cường xét nghiệm.
Ổ dịch lớn nhất châu Á hiện nay là Ấn Độ. Nước này ghi nhận thêm 337 ca tử vong và 21.948 ca nhiễm mới trong 24 giờ. Tính đến nay, số ca tử vong tại Ấn Độ đã lên tới 18.225 người, trong khi số ca nhiễm cũng vượt mức 627.000 người. Ấn Độ cũng là vùng dịch lớn thứ 4 thế giới.
Sau khi xuất hiện ổ dịch mới tại Bắc Kinh, Trung Quốc hiện ghi nhận 4.634 ca tử vong và 83.537 ca mắc Covid-19.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres. Ảnh: MONUSCO |
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 2/7 đã cảnh báo Hội đồng Bảo an về những hệ lụy về nhiều mặt của đại dịch Covid-19 đối với an ninh và hòa bình quốc tế.
Ông Guterres nhấn mạnh rằng hệ lụy của đại dịch đã có thể thấy được ngay ở những nước từ trước tới nay rất ổn định và đặc biệt càng rõ hơn ở những nước đang trải qua các cuộc xung đột bạo lực.
Người đứng đầu LHQ cho rằng khi con người đối mặt với quá nhiều nỗi khổ thì đó chính là nguyên nhân tiềm ẩn gây bất ổn và bạo lực.
Ngoài ra , chính đại dịch Covid-19 đang khiến cho các nỗ lực ngoại giao và hòa giải gặp thêm nhiều khó khăn bởi việc di chuyển giữa các nơi bị hạn chế và việc thảo luận trực tuyến nhiều khi khó tạo được niềm tin cũng như có được sự thỏa hiệp của các bên liên quan, ông nói thêm.
Tổng Thư ký cũng bày tỏ quan ngại về việc đại dịch có thể gây ra thêm nhiều thách thức đối với việc đảm bảo quyền con người, trong bối cảnh đã có nhiều vụ việc cho thấy cảnh sát lạm dụng quyền lực tại những nơi bị phong tỏa hay giới nghiêm.
Hoa Vũ (T/h)