+Aa-
    Zalo

    Gam màu sáng - tối trong cuộc chiến chống tham nhũng năm 2014

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - "Xét về vị trí những người bị xử lý tham nhũng trong năm 2014 đã có những cán bộ cao cấp..., điều này cho thấy nó khác so với các năm"

    (ĐSPL) - "Xét về vị trí những người bị xử lý tham nhũng trong năm 2014 đã có những cán bộ cao cấp hoặc nguyên là cán bộ cao cấp, điều này cho thấy nó khác so với các năm trước đây. Tuy nhiên, nói như vậy là để ghi nhận những cố gắng nhưng không có nghĩa chống tham nhũng trong năm 2014 đã có bước đột phá hay kết quả cao".

    Đó là ý kiến của ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nguyên Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh khi trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật.

    Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

    Vai trò tích cực của báo chí

    Công tác chống tham nhũng một năm qua được nhiều người đánh giá là có những dấu ấn, cụ thể là các vụ việc liên quan đến việc nghiêm túc xử lý nhiều vụ việc đã tạo được niềm tin của quần chúng nhân dân. Ông có suy nghĩ gì từ những tín hiệu này?

    Tôi cho rằng, trong năm qua, tinh thần của Đảng, Nhà nước ta vẫn coi trọng chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, là việc làm cấp thiết để xây dựng niềm tin trong nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các mặt của đất nước. Việc Dương Chí Dũng, "bầu" Kiên, Huyền Như... được xét xử một cách nghiêm khắc hay việc ông Trần Văn Truyền bị thu hồi nhà, kiểm điểm trong Đảng, cho thấy việc chống tham nhũng đang được thực hiện nghiêm túc.

    Vụ việc liên quan đến ông Trần Văn Truyền đã cho thấy chống tham nhũng không còn là chuyện chỉ xử lý đối với cán bộ đương chức mà ngay cán bộ đã nghỉ hưu cũng bị xử lý. Khái niệm, "hạ cánh an toàn" giờ trở nên vô nghĩa. Xét về vị trí những người bị xử lý trong năm 2014 đã có những cán bộ cao cấp hoặc nguyên là cán bộ cao cấp, nó khác so với các năm trước đây. Tuy nhiên, nói như vậy là để ghi nhận những cố gắng nhưng không có nghĩa chống tham nhũng trong năm 2014 đã có bước đột phá hay kết quả cao.

    Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, các vụ việc nổi bật đã bị xử lý trong năm qua xuất phát từ "sức ép" của dư luận, do được báo chí đề cập từ trước chứ không phải bắt nguồn từ sự chủ động chống tham nhũng của các cơ quan Nhà nước. Ông có đồng tình với ý kiến này?

    Trong hai vụ việc này, rõ ràng vai trò của báo chí là không thể phủ nhận, nhưng ở khía cạnh nào đó cũng có thể thấy các cơ quan chống tham nhũng đã nhạy cảm và kịp thời xử lý. Tuy nhiên, cũng có thể nói trong hai vụ việc liên quan đến ông Trần Văn Truyền và ĐBQH Châu Thị Thu Nga đã cho thấy bộ máy chống tham nhũng của chúng ta hoạt động còn yếu. Sự yếu kém trên bắt nguồn từ việc những quy định pháp luật còn nhiều tồn tại, hạn chế.

    Một năm qua, chúng ta đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để chống tham nhũng. Tuy nhiên, số liệu hiện nay của Thanh tra Chính phủ báo cáo cho thấy, mới phát hiện được 48 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng và 3 người trong đó bị khởi tố hình sự. Con số trên liệu có phù hợp với thực tế tội phạm tham nhũng và công sức mà chúng ta đã bỏ ra?

    Đây là con số quá thấp so với sự kỳ vọng, chưa phản ánh đúng thực trạng vấn nạn tham nhũng hiện nay. Nếu đem so sánh với năm 2012, năm 2013 thì năm nay chúng ta chưa phát hiện ra những vụ án tham nhũng với lượng tài sản lớn như vụ Dương Chí Dũng. Số lượng thì cũng ít hơn các năm trước. Việc chống tham nhũng năm qua là hơi chùng xuống. Tôi cho rằng, nguyên nhân của điều này có thể do năm 2014 chúng ta phải triển khai nhiều vấn đề quan trọng kể cả đối nội lẫn đối ngoại. Có những vấn đề nóng hổi cần được ưu tiên giải quyết trước. Đó là lý do khách quan khiến kết quả chống tham nhũng có vẻ lắng đi. Có thời điểm, hình như tâm lý của nhân dân và của lãnh đạo tập trung vào vấn đề đối ngoại đang rất nóng hổi. Đây là một nguyên nhân dẫn đến việc chống tham nhũng chùng xuống. Hy vọng năm 2015 công tác chống tham những trở lại và quyết liệt hơn.

    Trong năm 2014, nhiều đại án tham nhũng, kinh tế đã được đưa ra xét xử, nhận được sự đồng tình cao của dư luận.

    Điều đáng suy ngẫm và đòi hỏi phát huy sức mạnh tổng hợp

    Vì vậy dư luận trong nước và thế giới cho rằng công tác chống tham nhũng của chúng ta hiện nặng về hình thức và chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Chống tham nhũng được đề cao nhưng trong bảng xếp hạng tham nhũng trong vài năm trở lại đây thì vị trí nước ta gần như không hề được cải thiện?

    Tôi có nắm được việc này, cụ thể vào 3/12/2014, tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) đã công bố bảng xếp hạng "Chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2014" của 175 quốc gia. Việt Nam xếp thứ 119 với số điểm không đổi trong ba năm. Chúng ta được xếp hạng thấp, điều này là không vui. Việc các tổ chức thế giới đánh giá công tác chống tham nhũng của chúng ta không cao thì chúng ta cũng nên suy nghĩ. Đáng lẽ, chúng ta quyết tâm như vậy, chống tham nhũng quyết liệt thì thứ hạng chúng ta phải cải thiện. Dư luận trong nước và thế giới đánh giá chống tham nhũng của chúng ta vẫn nặng về hình thức là không sai lắm đâu.

    Trong năm qua, nhiều cấp triển khai lấy ý kiến nhân dân đóng góp sáng kiến chống tham nhũng. Nhiều địa phương còn đưa ra mức thưởng tiền nóng để khuyến khích người dân đứng lên tố cáo. Nhưng người dám đứng lên tố cáo thì không nhiều. Theo ông là vì sao?

    Vấn nạn tham nhũng là điều gây bức xúc trong nhân dân từ lâu. Người dân rất đồng tình và ủng hộ việc chống tham nhũng. Tuy nhiên, tại sao khi kêu gọi người dân đứng lên tố cáo thì rất ít người dám "giơ tay". Tôi cho rằng, không phải vì không có tham nhũng và không phải vì người dân thờ ơ với việc chống tham nhũng. Nguyên nhân chính là việc bảo vệ quyền lợi cho người đứng lên chống tham nhũng hiện nay rất là yếu. Phần thưởng mà các địa phương đưa ra là quá thấp so với những thiệt thòi mà họ phải gánh chịu nếu như đứng lên tố cáo. Hiện tượng, người đứng lên tố cáo bị vùi dập, rồi nhiều vụ việc đưa ra có xử lý nhưng xử lý chưa thoả đáng.

    Để trong năm 2015 chống tham nhũng đạt được kết quả cao, theo ông chúng ta nên làm gì?

    Theo tôi, chúng ta phải bổ sung những quy định pháp luật để hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc. Tôi tâm đắc nhất là việc chúng ta nên có một Luật Kê khai tài sản. Điều này hết sức ý nghĩa để ngăn chặn tham nhũng. Bởi, việc kê khai tài sản như hiện nay của chúng ta đang mang nặng tính hình thức, thậm chí tuỳ tiện.

    Tâm lý người kê khai tài sản là tìm cách kê khai tối thiểu nhất có thể, chỉ bằng một nửa, một phần ba, thậm chí chỉ là một phần trăm tài sản mà họ có. Do đó, không thể chỉ dựa trên việc kê khai tự nguyện để chống tham nhũng được. Điều quan trọng là phải tiến hành xem xét, xác minh của các cơ quan trách nhiệm. Tức là phải đi đến cùng.

    Hiện nay, cơ quan chống tham nhũng của chúng ta là khá nhiều nhưng sự phối hợp chưa tốt. Thanh tra, kiểm toán, có hoạt động nhưng phát hiện thì ít. Lực lượng chống tham những thì đông, chi phí để hoạt động tốn kém nhưng thực tế chưa phát huy được hiệu quả. Đây là khâu yếu cần kiên quyết cải tiến. Đồng thời cần đề cao vai trò giám sát của các cơ quan Quốc hội.

    Như vậy, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc chống tham nhũng.

    Xin cảm ơn ông!

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gam-mau-sang---toi-trong-cuoc-chien-chong-tham-nhung-nam-2014-a84005.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan