+Aa-
    Zalo

    “Gái xinh” dàn quân hỗn chiến giữa phố: Sự “khuyết tật” tình thương?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Một bộ phận thanh thiếu niên trở nên vô tình trước nỗi đau của người khác, cũng như không hề phẫn nộ trước những tệ nạn xã hội xảy ra trước mắt.

    (ĐSPL) - Con người hầu như trở nên vô tình trước nỗi đau của người khác, cũng như không hề phẫn nộ trước những tệ nạn xã hội xảy ra trước mắt. Nhất là một bộ phận thanh thiếu niên đang bị “khuyết tật” tình thương...

    Hò hét, cổ vũ đánh nhau

    Một đoạn clip ghi lại cảnh tượng hai nhóm thiếu nữ xinh đẹp dàn quân đánh nhau giữa phố Bà Triệu (Hà Nội) được tung lên mạng lan đi với tốc độ chóng mặt. Trao đổi với PV, Đại úy Tống Đăng Công, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) xác nhận clip nói trên xảy ra trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. “Sau khi nhận được thông tin chúng tôi đã xác minh sự việc. Tuy nhiên do xô xát nhỏ, không xảy ra hậu quả nên những người trong cuộc không đến công an trình báo”, Đại úy Công cho hay.

    gai-xinh-hon-chien-giua-pho-1

    Hình ảnh đánh nhau được cắt ra từ clip.

    Theo người đăng tải clip, hơn chục cô gái không rõ nguyên nhân gì, đã chia làm 2 phe đánh nhau, gây náo loạn và tắc nghẽn một đoạn đường. Hình ảnh trong clip cho thấy, ở phía trước hai cô gái đang túm tóc và ghì xuống đường đánh nhau dữ dội. Trong khi đó, một nhóm phía sau xông vào giằng co, xô xát nhau. Nhiều người đi đường chứng kiến sự việc đã dừng lại can ngăn nhưng vô ích. Đến khi đã thấm mệt, hai cô gái xuất hiện chính trong clip vẫn buông những lời chửi bới tục tĩu, hung hăng và muốn “ăn tươi nuốt sống” đối thủ.

    Trước màn đánh nhau như phim hành động này, mặc dù người lớn can ngăn nhưng nhiều nam thanh niên đứng bên cạnh thì ra sức cổ vũ và thản nhiên quay clip. Và chỉ khi có lực lượng dân phòng đi qua thì đám đông mới được giải tỏa, nhóm thiếu nữ mới chịu buông nhau ra.

    Đỉnh điểm của thói hung hăng và sự vô cảm

    Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, chuyên gia tâm lý Phan Hùng Sơn cho biết: “Qua clip thiếu nữ dàn trận đánh nhau trên phố trước sự hò hét của một nhóm thanh niên đứng xem cho thấy đỉnh điểm của thói hung hăng và sự vô cảm. Một số người đứng xem với thái độ dửng dưng, coi như chẳng có chuyện gì xảy ra. Giá như họ phẫn nộ trước cái ác, cái xấu để can ngăn hoặc báo công an thì vụ việc đâu đến nỗi tồi tệ như vậy. Tôi có cảm giác như một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay đang bị “khuyết tật” tình thương”.

    PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội: Hệ trượt gẫy của giá trị xã hội

    Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng: “Nhiều mối quan hệ xã hội đang bị nhuốm màu của đồng tiền, nhuốm màu của chủ nghĩa thực dụng, chắp vá. Thay vì những cái nhân văn, cái tinh tế, những tận tụy tuyệt vời của người thầy, người cô, người phụ trách đối với các em... Ở đây cũng có điều cần phải nói thêm, dường như con người càng tiến đến cái hiện đại càng xa bao nhiêu thì càng đẩy xa ra hơn đối với khoảng cách, đối với những giá trị nhân văn.

    gai-xinh-hon-chien-giua-pho-2

    PGS.TS Trịnh Hòa Bình

    Đây là hệ trượt gẫy của giá trị xã hội. Người ta tôn thờ những cái giá trị trung tâm. Có thể tạm gọi là nhóm cầm quyền, nhóm có quyền lực. Ở đây có thể hiểu là sự lệch lạc về mặt giá trị, tôn thờ thân phận học trò, giới trẻ. Những lệch lạc về mặt giá trị, người ta theo đuổi những gì họ tôn thờ thì đang làm cho giới trẻ hay các giới khác có cái nhìn lệch lạc về những giá trị nhân văn”.

    TRẦN THỦY

    Cùng bàn về vấn nạn này, GS.TS Vũ Gia Hiền bày tỏ: “Chúng ta đang đối mặt về sự xuống cấp của nhân cách xuất phát từ việc lòng nhân, tình yêu thương của con người bị bào mòn, khủng hoảng khi con người chạy theo lý trí cá nhân, vụ lợi. Khi mất đi lòng yêu thương, mất đi chỉ số cảm xúc thì chính là lúc cái ác trỗi dậy… Trong khi, lòng nhân của các em phải được nuôi dưỡng và gieo từ sớm, không thể học thành tài mới đi học làm người”.

    Bày tỏ sự bức xúc của mình trước sự vô cảm của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay, PGS.TS Văn Như Cương nói: “Không chỉ trong nhà trường, mà sự vô cảm còn đang lan rộng ra ngoài xã hội. Như chứng kiến nữ sinh đánh nhau do ghen tuông nhưng không có ai can thiệp. Ông bố đi tìm con gái bị lũ côn đồ đánh đến trọng thương, nằm trên đường nhưng không ai giúp đưa đi cấp cứu. Thậm chí, đến xe cứu thương cũng từ chối cấp cứu người trong khi trên xe không có bệnh nhân, tài xế gây tai nạn thì bỏ của trốn tội. Tất cả những hành động này đều là biểu hiện cách sống của con người trong thời kỳ mới. Con người chỉ lo làm ăn, lo cho bản thân mình, mà không quan tâm đến người khác”.

    Qua những vụ việc trên, PGS.TS Văn Như Cương chia sẻ: “Bậc phụ huynh nên phải nghiên cứu, tìm hiểu tâm lý của con trẻ, nhất là thời đại Internet bùng nổ, được tiếp cận với nhiều nền văn hóa khác nhau, xấu có, tốt có, nên không thể lường được hậu quả về sau. Có sự định hướng giáo dục ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, để các em có định hướng tốt”.

    Ai mới là người vô cảm?!

    Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất lại cho rằng: “Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho vô cảm. Nguyên nhân là do giáo dục chưa hoàn thiện, tri thức sống, kỹ năng sống chưa đầy đủ nên văn hóa ứng xử thiếu hụt. Ngay cả người lớn cũng thế, định hướng ước mơ cho thế hệ trẻ là lý tưởng thì rất nhiều nhưng không có phương pháp xây dựng văn hóa ứng xử thực tế cho con trẻ.

    Người quay phim nên xem xét ở nhiều góc độ. Chưa chắc họ quay là do vô cảm mà họ đưa lên để cảnh báo với mọi người, cảnh báo với cơ quan chức năng phải làm gì để tránh những việc đó xảy ra, cơ quan giáo dục phải làm gì cho thế hệ trẻ.

    gai-xinh-hon-chien-giua-pho-3
    Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất

    Người không can thiệp cũng có nhiều mặt. Có một số người vô cảm thật sự, họ thậm chí còn reo hò cổ vũ đánh nhau, đó là những người thiếu trách nhiệm với xã hội thậm chí thiếu trách nhiệm với cả bản thân. Còn một số người sợ liên lụy khi can ngăn, vì trên thực tế có những trường hợp đã tử mạng vì can ngăn nên họ làm thế để bảo vệ mình “làm phúc phải tội”.

    "Vô cảm thực sự là khi thấy những hiện tượng đó mà những cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý một cách tích cực” - Phạm Hằng.

    “Lần nào mình xem 1 clip đánh nhau của các bạn nữ thì phải đợi một lúc, sau khi những người bên ngoài khích bác, cổ vũ, reo hò rồi mới lao vào can ngăn. Các bạn ấy đã sai rồi mà những người ở ngoài cũng vô cảm, cũng sai nốt. Đó chẳng phải là thờ ơ, dung túng những việc làm xấu như vậy hay sao?” - Hồng Ánh.

    “Tôi cũng là giáo viên có gần 30 năm trên bục giảng rồi. Tôi thấy ở trường thầy cô cũng đã làm hết sức mình để dạy cho các em điều hay lẽ phải. Nhưng còn xã hội thì sao? Xã hội đã buông lỏng đạo đức. Lực lượng chức năng (công an chẳng hạn) đáng ra phải là lực lượng đi đầu trong công tác ngăn ngừa thì họ dửng dưng. Khi thấy một vụ gây gổ, chuẩn bị đánh nhau gọi lực lượng chức năng còn lâu mới tới can thiệp. Họ chỉ đến khi máu đổ, chết người, họ đến để lập biên bản và phạt tiền" - Lê Năm.

    "Xã hội trở nên như vậy là do tình người vô cảm, giáo dục vô cảm... Tại sao không dám nhìn thật bản chất của nó để xử lý thay vì cứ mãi suy nghĩ kiểu hái lá rừng vậy" - Thanh.

    CAO TUÂN

     Xem thêm clip: Hai thiếu nữ đánh nhau dã man, ngất xỉu trên đường

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gai-xinh-dan-quan-hon-chien-giua-pho-su-khuyet-tat-tinh-thuong-a89049.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan