+Aa-
    Zalo

    Gã rà sắt yêu thơ và niềm đam mê với hàng ngàn cổ vật

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) -Người đàn ông làm nghề rà sắt ấy rất yêu thơ, thích lịch sử và đam mê đồ cổ. Vượt lên khó khăn, hơn 35 năm anh đã dày công sưu tầm hàng ngàn món cổ vật.

    (ĐSPL) - Người đàn ông làm nghề rà sắt ấy rất yêu thơ, thích lịch sử và đam mê đồ cổ. Vượt lên gánh nặng cơm áo gạo tiền, hơn 35 năm anh đã dày công sưu tầm hàng ngàn món đồ gốm, đồ đồng cổ để thỏa niềm đam mê.

    Người đàn ông ấy tên là Lê Quang Thăng (SN 1964), ở xóm Tây Lái, xã Phong Thu, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế). Trên tuyến đường QL1A, đoạn chạy qua xã Phong Thu không khó để người đi đường nhận ra ngôi nhà của anh nằm nổi bật với những món đồ cổ nằm tràn ra gần mép đường.

    Trong giới chơi đồ cổ ở Huế, cái tên “Thăng Phong Thu” chẳng còn lạ lẫm gì. Người ta vẫn nhớ đến anh với khuôn mặt khắc khổ, làn da cháy nắng, thường mặc đồ rằn ri và chạy chiếc xe máy Win cũ kỹ. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, đầy ắp cổ vật, anh Thăng say sưa kể về cơ duyên đến với những món đồ cổ.

    Anh Thăng có niềm say mê đặc biệt với những món đồ cổ

    Anh kể, anh có “máu” mê đồ cổ từ thời còn trai trẻ. Từ thời còn đi học, anh rất thích môn lịch sử. Những dấu ấn quá khứ, những câu chuyện lịch sử về các thời vua chúa, cuốn hút anh trong từng tiết học. Nhưng học hết lớp 12, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh không tiếp tục con đường học hành.

    Năm 1983, anh lấy chị Nguyễn Thị Châu, người con gái của vùng biển Phong Điền. Sau khi lấy vợ, cuộc sống của chàng trai trẻ tự lập thân, lập nghiệp đầy những khó khăn. Hai vợ chồng thường phải chạy ăn từng bữa. Hằng ngày, chị Châu len lỏi mọi nẻo đường làm nghề buôn bán phế liệu. Năm 1985, anh bắt đầu công việc rà sắt để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình.

    Với dòng sông Hương và những di sản để lại của triều đại phong kiến, Huế còn gọi là đất Thần Kinh hay xứ thơ. Nơi đây từng là nơi cư ngụ của nhiều quan lại, hoàng thân quốc thích. Họ là những bậc vương giả thường có thói quen sử dụng hoặc sưu tầm những đồ vật quý giá. Sau những biến cố, những món đồ này thất lạc hoặc có thể bị chôn vùi dưới lòng đất. Và công việc rà sắt đã cho anh Thăng có cơ hội được tiếp xúc những món cổ vật như thế.


    Những món đồ cổ có mặt khắp nơi trong nhà anh Thăng

    “Mỗi lần đi rà sắt, đào được cái bát, chiếc bình cổ là tôi lại đưa về cất giữ cẩn thận. Lâu dần bộ sưu tập đồ cổ của tôi chiếm hết diện tích nhà khi nào không hay biết”, anh Thăng hào hứng kể.

    Hiện tại, trong căn nhà của anh không có nơi nào là không có đồ cổ. Có hàng ngàn chiếc bát, chiếc bình cổ bằng gốm, bằng đồng nằm ngay ngắn trong ngôi nhà nhỏ. Mặc dù đồ cổ nhiều như vậy, nhưng chúng được anh sắp xếp theo tuổi đời.

    Cầm chiếc bình cổ bằng đồng trên tay, anh giới thiệu với chúng tôi: “Đây là một vật dân dụng dưới thời nhà Nguyễn. Ngày xưa, người dân dùng để đựng rượu. Tôi rà được chiếc bình này trong một mảnh vườn ở ngoại ô TP Huế cách đây hơn 7 năm”.

    Chỉ tay về một chiếc đĩa với những họa tiết bắt mắt, anh Thăng nói tiếp: “Cái này là đồ quan dụng, tức là chỉ có nhà người có điều kiện mới sử dụng loại này. Chiếc đĩa này tôi mua lại của một anh bạn cùng nghề rà sắt vào năm ngoái”. Như vậy, những món đồ ở đây, không phải đều do anh rà sắt bắt gặp mà anh còn dành tiền mua lại từ những người khác.

    “Bạn của anh ấy biết anh mê đồ cổ nên cứ gặp hay rà được cái gì cổ cổ là lại gọi “Thăng Phong Thu”. Những lúc như vậy, dù có đang làm việc gì quan trọng, anh cũng gác lại, xách xe máy chạy đi”, chị Châu, vợ anh Thăng chia sẻ.

    Anh Thăng bên cạnh bộ sưu tập những món đồ cổ của mình

    Cuộc sống gia đình anh Thăng hiện tại khá khó khăn, anh chị có tới 7 người con. Dù khó khăn vậy, vợ chồng anh đều cố gắng cho các con học hành đến nơi đến chốn. Ngoài một người con gái đã tốt nghiệp đại học, hiện anh có một người con trai đang theo học Đại học Luật – ĐH Huế. Những đứa con sau đang theo học các bậc học phổ thông.

    Anh tâm sự: “Các con là món quà vô giá nhất. Mình chịu khó vất vả tí cho các con học hành đàng hoàng. Vợ than phiền mê đồ cổ đến độ quên nhà, quên cửa vậy thôi, nhưng cũng nhờ mấy món đồ cổ mà có tiền đóng học phí cho lũ nhỏ đấy”.

    Được biết, ngoài niềm đam mê đồ cổ, anh còn trao đổi các món đồ cổ với những người cùng đam mê để có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình.

    “Lời lãi chẳng bao nhiêu nhưng lỡ mê cái gì là tốn kém lắm chú à, vì vậy cũng phải linh động để có kinh phí mà theo đuổi đam mê. Lấy tiền của vợ mãi đi mua đồ cổ đâu được”, anh Thăng cười vui vẻ. Nhưng có những món đồ anh không bao giờ bán, đó là những món đồ cổ được bạn tặng mà anh rất quý như những bức tranh thư pháp từ thời nhà Minh được anh lưu giữ cẩn thận hay chiếc bình bi-đông, kỷ niệm một thời chiến tranh.

    Ngoài đam mê đồ cổ, anh Thăng còn rất thích thơ. Theo anh, dân chơi đồ cổ phải có cái gì đó lãng mạn, thực dụng không thì không thể gắn bó mãi với nó được.

    Anh thường làm thơ tình, đặc biệt anh rất thích mối tình Ngưu Lang – Chức Nữ. Những bài thơ do anh sáng tác cứ xoay quanh mối tình này và được anh chép cẩn thận trong điện thoại để khi quý ai, anh lại gửi tặng qua tin nhắn. Đoạn ra về, anh có nhắn tặng tôi một bài thơ tình.

    “Tình Chức – Ngưu mãi còn đây

    Mây ngàn năm mãi tràn đầy nhớ thương

    Ngân hà xa cách vấn vương

    Nhịp cầu Ô Thước dặm đường thương đau

    Màn đêm Ngưu ngắm trăng sao

    Chuyện tình ấy lòng nao nao buồn…”


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ga-ra-sat-yeu-tho-va-niem-dam-me-voi-hang-ngan-co-vat-a108032.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.