+Aa-
    Zalo

    Gã khổng lồ bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc chao đảo vì nợ "khủng"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Evergrande bị cho là thiếu tiền mặt nghiêm trọng và đang gánh khoản nợ hơn 120 tỷ USD. Đây cũng là công ty bất động sản mắc nợ nhiều nhất trên thế giới.

    Evergrande bị cho là thiếu tiền mặt nghiêm trọng và đang gánh khoản nợ hơn 120 tỷ USD. Đây cũng là công ty bất động sản mắc nợ nhiều nhất trên thế giới.

    Ông Hui Ka Yan. Ảnh: Bloomberg

    Ngày 28/9, cổ phiếu của China Evergrande Group - gã khổng lồ bất động sản lớn thứ hai theo doanh số của Trung Quốc - đã tăng mạnh nhất kể từ tháng 3 và trái phiếu của tập đoàn này có dấu hiệu ổn định trở lại, trong bối cảnh công ty này đang cố gắng trấn an các nhà đầu tư lo lắng về sức mạnh tài chính của mình.

    Cụ thể, dữ liệu tổng hợp từ Bloomberg cho thấy cổ phiếu Evergrande đã tăng 11% trong phiên giao dịch cuối tuần tại Hong Kong (Trung Quốc) sau khi giảm mạnh 16% vào tuần trước. Trái phiếu tại Trung Quốc đại lục của Evergrande đến hạn năm 2024 đã tăng 21,5%, đạt mức 80 NDT/trái phiếu. Trái phiếu bằng đồng USD đến hạn năm 2022 của công ty cũng tăng 2,4 cent lên 80,6 cent/trái phiếu. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 4/2020.

    Trước đó, Evergrande bị cho là thiếu tiền mặt nghiêm trọng và đang gánh khoản nợ hơn 120 tỷ USD. Những nghi ngờ về khả năng tài chính của gã khổng lồ bất động sản bùng lên sau khi có thông tin Evergrande gửi thư “cầu cứu” chính phủ Trung Quốc để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tiền mặt có thể gây ra rủi ro trên toàn hệ thống.

    Công ty bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới đã phản ứng với những lo ngại về cuộc khủng hoảng tiền mặt, cho biết trong một tuyên bố hiếm hoi vào cuối tuần trước rằng hoạt động của công ty vẫn “ổn định và lành mạnh”. Công ty này nói thêm rằng tổng nợ và chi phí tài chính đã giảm kể từ tháng 3.

    Evergrande tuyên bố rằng những tin đồn và tài liệu lan truyền trực tuyến là “bịa đặt” và “phỉ báng” công ty nhưng không bình luận trực tiếp về việc họ cảnh báo khả năng thiếu hụt tiền mặt với chính phủ.

    Công ty bất động sản này do tỷ phú Hui Ka Yan kiểm soát. Ông Yan cho biết họ đã tạo ra 400 tỷ nhân dân tệ từ việc bán dự án trong 8 tháng đầu năm nay và duy trì hoạt động lành mạnh. Một nguồn tin cho biết Evergrande đã giành được sự chấp thuận của sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong để tách đơn vị quản lý tài sản của mình ra, mở đường cho việc huy động vốn cần thiết.

    Tuy nhiên, điều đó không làm bình ổn tâm lý nhà đầu tư khi cổ phiếu của Evergrande giảm 9,5% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020 khi đóng cửa giao dịch tại Hong Kong.

    Ảnh:  Bloomberg

    Theo thỏa thuận với một số nhà đầu tư lớn, Evergrande sẽ phải trả lại tiền cho họ nếu không xin được giấy phép niêm yết cửa sau (được niêm yết trên sàn chứng khoán nhờ mua lại hoặc sáp nhập với một công ty niêm yết khác) tại sàn Thâm Quyến trước ngày 31/1.

    Số tiền Evergrande phải trả lên đến 130 tỷ NDT (19 tỷ USD), tương đương 92% lượng tiền mặt và tài sản tương đương tiền mặt của hãng. Một trong số các nhà đầu tư cho biết sẽ không đồng ý nới lỏng thời hạn chót cho Evergrande.

    Đêm 24/9, ít nhất 5 ngân hàng và hai công ty ủy thác mở cuộc họp khẩn để thảo luận về tình trạng của Evergrande. Một trong số đó là China Minsheng Banking Corp. Ngân hàng này cho Evergrande vay hơn 29 tỷ NDT (4,24 tỷ USD).

    Ít nhất 2 trong số các ngân hàng trên quyết định cấm Evergrande rút thêm tiền từ hạn mức tín dụng chưa sử dụng. Tập đoàn này có hạn mức tín dụng 503 tỷ NDT (73,6 tỷ USD) tính đến ngày 30/6, trong đó 302 tỷ NDT (44,2 tỷ USD) chưa được sử dụng.

    Trong nhiều năm qua, gã khổng lồ bất động sản của Trung Quốc đã ồ ạt vay vốn từ ngân hàng, các tổ chức tín dụng ngầm và phát hành trái phiếu nhằm mở rộng các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành như ô tô điện, bệnh viện, công viên giải trí. Đây đều là các lĩnh vực đầu tư nằm trong chính sách ưu tiên của chính phủ Trung Quốc.

    Mới đây, Evergrande đã tung ra chương trình bán các dự án căn hộ phải mất nhiều năm nữa mới có thể hoàn công trên toàn quốc và cần phải duy trì niềm tin cùng mức độ tín nhiệm cao từ khách hàng. Nếu các nhà đầu tư chùn bước, Evergrande phải trả khoản nợ trái phiếu khoảng 5,8 tỷ USD và nhiều khoản vay khác trong hai tháng tới, làm chi phí tái cấp tài chính tăng mạnh.

    Điều các nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay đó là liệu giới chức Trung Quốc có can thiệp để hỗ trợ Evergrande nếu công ty không đủ khả năng trả nợ hay không. Riêng nửa đầu năm 2020, tổng nợ của công ty bất động sản đã tăng 4% lên 835 tỷ nhân dân tệ (122,2 tỷ USD).

    Bên cạnh đó, số nợ ngắn hạn của Evergrande cũng cao gấp ba lần số tiền mặt, tài sản tương đương tiền mặt và đầu tư ngắn hạn của công ty.

    Mộc Miên (Theo Bloombergquint)

    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ga-khong-lo-bat-dong-san-lon-thu-hai-trung-quoc-chao-dao-vi-no-khung-a340624.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan