Xưa, trước khi đem tiến vua, cặp chân của gà Đông Tảo sẽ được vệ sinh sạch sẽ bằng hỗn hợp nước muối pha với trà; giúp đôi chân gà lộ màu đỏ tươi, đem lại thần thái tốt nhất cho con gà “quái thú”.
Gà Đông Tảo (hay Đông Cảo) là xuất phát từ tên gọi của nơi phát hiện và nuôi thành công giống gà “quái thú” này – xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Nhiều người sẽ lấy làm thích thú khi được ngắm nhìn giống gà Đông Tảo quý hiếm với đôi chân to xù xì nhiều khi to bằng cổ tay người. Mào đỏ chót như mâm xôi và từng được tương truyền là của ngon vật lạ cúng tiến vua chúa thời xưa.
Dáng vẻ oai vệ của chú gà Đông Tảo trưởng thành. |
Anh Đạo là người nuôi gà Đông Tảo đã nhiều năm nay. Anh cho biết, có thể ngồi hàng giờ ngắm nhìn chú gà oai vệ không chán. Người nuôi gà có thể tụ họp ngồi với nhau cả ngày chỉ bàn về chuyện nuôi gà. Ngày nay, dù không còn tiến vua, gà Đông Tảo vẫn được chăm bẵm cầu kỳ bởi giá trị kinh tế và tinh thần mà chú gà mang lại.
Gà Đông Tảo giá trị nhất ở cặp chân. Trước khi đem tiến vua, cặp chân này sẽ được vệ sinh sạch sẽ bằng hỗn hợp nước muối pha với trà; giúp đôi chân gà lộ màu đỏ tươi, đem lại thần thái tốt nhất cho con gà “quái thú”.
Người nuôi rửa cặp chân “quái thú” cho gà Đông Tảo bằng nước chè |
Gà Đông Tảo có hình dáng khác với những giống gà bình thường; chúng to con, dáng hình bệ vệ, với thân hình to, da đỏ, cặp chân vững chãi. Trong chăn nuôi gà Đông Tảo, điều quan trọng đầu tiên là phải chọn đúng giống gà thuần chủng có các đặc điểm đặc trưng là đầu to hình củ tre, dáng thanh thoát, cổ ngắn, mã đẹp.
Đặc biệt, gà Đông Tảo giá trị nhất là ở đôi chân. Dọc ống chân có vảy thịt xếp cài gối nhau thẳng hàng, bàn chân tù, dày, ngón chân ngắn… Trong số hàng nghìn con giống chỉ chọn nuôi được khoảng 80-100 con có ngoại hình đạt chuẩn như vậy.
Ngay từ khâu chọn giống gà con, phải tinh ý chọn những con giống khỏe mạnh, mắt sáng, nhanh nhẹn, mào tích hồng hào, chân to, màu sắc đỏ tươi kích thước cân đối. Thời gian đầu, gà con được cho ăn bột ngô, bột cá và chăm tốn khá nhiều công sức. Vắc xin cho gà phải được tiêm đầy đủ để phòng bệnh.
Nếu vào mùa hè, gà con sau 35-40 ngày tuổi thì có thể đem thả vườn; còn mùa đông thì khoảng 50-60 ngày. Ngoài ngô xay, thóc thì gà còn được bổ sung thêm canxi để phát triển cứng cáp, khỏe mạnh. Nước uống cho gà phải là giếng khoan đã qua hệ thống lọc và luôn đảm bảo ấm vì sức đề kháng của gà Đông Tảo khá yếu, dễ mắc bệnh.
Gà Đông Tảo là loài rất “khó tính”, không quen nuôi nhốt mà quen chạy nhảy nên chuồng trại phải rộng rãi, khô thoáng. Gà này kỵ nhất là bị dính ướt vì khi dính ướt, gà bị bệnh thì rất khó khỏi. Bên cạnh đó, chúng thường đẻ trứng ít hơn các loài gà khác. Bộ chân to cũng khiến gà ấp trứng khó khăn hơn. Gà bắt đầu đẻ lúc 160 ngày tuổi và sinh sản rất kém, mỗi mái thuần chỉ đẻ được 70 quả trứng trong một năm, tỷ lệ ấp nở chỉ đạt 65%.
Sân chơi mát mẻ dưới gốc bưởi của đàn gà Đông Tảo. |
Gà con thuần 1 ngày tuổi để nhân đàn bố mẹ giá 120.000 đồng/con, gà con dùng để nuôi thương phẩm có giá 60.000 đồng/con. Đối với gà thịt thương phẩm, đạt loại 1 sẽ có giá bán 300.000 đồng/kg; loại 2 bán giá 180.000-200.000 đồng/kg. Những con gà đẹp mã để khách mua chọn làm quà biếu sẽ được trả giá đắt hơn, có khi lên tới cả chục triệu đồng.
Nếu nuôi trong môi trường thả vườn, ăn cám tự nhiên, không thúc tăng trưởng thì phải mất một năm đến một năm rưỡi, gà mới có thể cho thịt thương phẩm. Gà Đông Tảo trưởng thành có thể cho trọng lượng trung bình từ 3 - 6kg.
Hiện nay, với quy mô tổng đàn khoảng 2.000 con trên toàn huyện Khoái Châu, gà Đông Tảo được tiêu thụ chủ yếu tại địa bàn nội tỉnh và một số thị trường như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Lạng Sơn, Bắc Ninh, TP.HCM./.
Để biết thêm thông tin về sản phẩm, liên hệ với Nông nghiệp sạch qua:
Hotline: 024.3629.0688
Facebook: https://www.facebook.com/nongnghiepsachtv/
Email: [email protected]
Vũ Đậu