Fanpage Giải bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản - J.League đã bị hacker Việt Nam chiếm quyền kiểm soát và đăng tải hàng loạt video livestream bán hàng.
Fanpage hơn một triệu lượt like của giải vô địch quốc gia Nhật Bản. Ảnh chụp màn hình |
Vào lúc 8h26 sáng 18/12, trang Facebook có tên J.League (Japan Professional Football League)/Jリーグ - fanpage chính thức của giải bóng đá vô địch quốc gia Nhật Bản (J.League) bất ngờ phát một video livestream người Việt bán quần áo.
Fanpage này hiện sở hữu hơn 1 triệu lượt like và có tích xanh xác minh từ Facebook. Nhiều người dùng bình luận bên dưới nhận định rằng fanpage này đã bị hack và chiếm quyền kiểm soát.
Phần bảng tin của trang trong ngày 18/12 đăng hơn 10 video livestream bán hàng của người Việt, với đủ các loại hàng hóa từ quần áo, thực phẩm tới mỹ phẩm. Các video này đều có hàng trăm lượt cảm xúc, bình luận.
Bên dưới các video, người đang nắm quyền điều khiển fanpage J.League cũng không ngần ngại trả lời các khách hàng và chốt đơn sản phẩm.
Bài gần nhất có chủ đề về bóng đá được đăng tải vào lúc 23h ngày 17/12, là video các bàn thắng ấn tượng nhất ở vòng 33, giải J1 League, là giải đấu bóng đá cao nhất của Nhật Bản. Từ 8h sáng 18/12, các video livestream đã được đăng tải hàng loạt trên tài khoản này.
Được biết, fanpage J.League là một trong 4 mạng xã hội chính thức của Giải bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản, theo thông tin được đăng tải trên trang web của J.League.
Trong khoảng thời gian gần đây, hàng loạt trang Facebook có tick xanh của các nghệ sĩ, người nổi tiếng nước ngoài cũng bị chiếm quyền để phát video bán hàng.
Trước đó, vào tháng 7, tài khoản Facebook của Branislav Ivanovic, cựu trung vệ Chelsea đang chơi tại Ngoại hạng Anh cho West Brom, cũng bị chiếm quyền sử dụng, rao bán hàng online bằng tiếng Việt.
“Đa phần các quảng cáo livestream trên Facebook hiện nay là hình thức rửa tiền của các hacker”, ông Huỳnh Đông, một người có kinh nghiệm nhiều năm trong giới chạy quảng cáo Facebook tại Việt Nam nhận định trên Tri thức trực tuyến.
Ông Đông cho hay, dân trong ngành gọi đây là chạy quảng cáo invoice (hóa đơn). Các tài khoản quảng cáo của doanh nghiệp, công ty nước ngoài sẽ bị hacker chiếm quyền truy cập. Sau đó, chúng được bán lại cho những shop online tại Việt Nam với chiết khấu rẻ hơn.
Các tài khoản này được hack bằng nhiều cách khác nhau từ quét mật khẩu theo email đến các web lừa đăng nhập, đánh cắp thông tin.
Mặc dù được xác nhận bởi Facebook, các tài khoản mang tick xanh không được mạng xã hội bảo vệ, hỗ trợ trực tiếp. Hacker vẫn có thể chiếm quyền đăng nhập và đăng tải nhiều thông tin cá nhân.
Mộc Miên (T/h)