Ở thời điểm hiện tại, nhiều người mắc COVID-19 hết triệu chứng sau 4 – 5 ngày, thậm chí có người chỉ 2 – 3 ngày. Họ cũng có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 sớm và tự cho rằng mình đã khỏi bệnh nên thoải mái trở lại sinh hoạt, làm việc.
Không ít người thậm chí xuất hiện tâm lý chủ quan cho rằng âm tính là khỏi bệnh hoặc bệnh sẽ không diễn biến nặng lên. Do đó, họ không tiếp tục thực hiện theo dõi sức khỏe, chỉ số SpO2 - chỉ số quan trọng nhằm phát hiện suy hô hấp, tổn thương phổi.
Tuy nhiên, Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho rằng quan điểm nói trên chưa chính xác vì sau 10 ngày kể từ thời điểm khởi phát triệu chứng đầu tiên, bệnh nhân COVID-19 mới được coi là an toàn.
Chia sẻ trên Nhân Dân, bác sĩ Phúc cho hay nguyên nhân đầu tiên là việc test nhanh COVID-19 chưa thể khẳng định cơ thể đã sạch virus. Nếu độ nhạy của test không cao hoặc việc lấy mẫu không đúng quy trình, kỹ thuật và sai vị trí thì kit test sẽ không cho kết quả chính xác.
Ngay cả khi test nhạy, người lấy mẫu làm đúng và cho kết quả âm tính, việc cơ thể hết virus cũng không có nghĩa bệnh sẽ không diễn biến nặng trong thời gian sau đó. Bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng sẽ phải trải qua 3 pha gồm nhiễm cấp, phổi và miễn dịch.
Pha nhiễm cấp được tính trong khoảng 0 - 5 ngày đầu tiên kể từ khi khởi phát triệu chứng, virus SARS-CoV-2 lúc này bắt đầu tấn công cơ thể và nhân lên nhanh chóng. Virus có thể xuất hiện ở hầu hết dịch xét nghiệm nên tỷ lệ phát hiện dương tính rất cao.
Trong khi đó, pha phổi diễn ra từ ngày 5 – 10 kể từ khi phát hiện triệu chứng. Tải lượng virus ở giai đoạn này giảm đáng kể nên nhiều khả năng xét nghiệm âm tính. Thế nhưng, đây lại là giai đoạn virus có thể tấn công vào phổi.
Pha miễn dịch chủ yếu liên quan bệnh nhân viêm phổi ARDS, có sốc... và phải điều trị tại các đơn vị hồi sức cấp cứu.
Sau 10 ngày, bệnh nhân không có triệu chứng bất thường, chỉ số SpO2 ổn định thì mới có thể khẳng định SARS-CoV-2 không tấn công vào phổi và an tâm trở lại sinh hoạt bình thường. Một số bệnh nhân vẫn dương tính với SARS-CoV-2 dù đã qua 10 ngày khởi phát triệu chứng. Tuy nhiên, bác sĩ Phúc cho biết việc có kết quả âm tính hay dương tính không phải vấn đề quá đáng lo ngại nếu người bệnh đã trải qua đủ thời gian này.
Mặc dù test nhanh dương tính nhưng người bệnh sau 10 ngày ít có nguy cơ diễn biến nặng. Thêm vào đó, các nghiên cứu đã chỉ ra sau 10 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, nguy cơ lây nhiễm rất thấp, gần như không có.
Sức Khỏe & Đời Sống dẫn lời bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết thêm, việc người bệnh chuyển âm tính hay vẫn dương tính không hoàn toàn liên quan đến mức độ nặng - nhẹ của bệnh. Độ nặng của bệnh liên quan đến phản ứng miễn dịch của cơ thể bệnh nhân với virus.
Nếu cơ thể đáp ứng miễn dịch phù hợp, giúp loại bỏ virus thì các triệu chứng nhẹ thoái lui và người mắc sẽ khỏi bệnh. Trong trường hợp đáp ứng miễn dịch rối loạn, cơ thể sẽ có phản ứng quá mức gây bão cytokines và từ đó gây tổn thương các phủ tạng. Bệnh nhân lúc này có thể diễn biến nặng lên.
Nếu bão cytokines và các rối loạn hậu quả của nó không được kiểm soát, các phủ tạng bị tổn thương không được hồi sức hiệu quả thì có thể khiến bệnh nhân tử vong.
Bác sĩ Cấp khuyến cáo: "Miễn dịch quá mức nếu có thường xảy ra ngày 6-10 từ khi bắt đầu khởi phát bệnh. Vì thế, nếu ngày thứ 5 - 7 F0 tại nhà test nhanh âm tính thì không nên chủ quan mà vẫn phải lưu tâm theo dõi sức khỏe của mình hết 10 ngày”.
“F0 cần quan tâm, theo dõi việc có xuất hiện tổn thương phổi gây suy hô háp hay không để liên hệ y tế, nhập viện ngay. Người bệnh F0 chỉ thực sự an tâm đã khỏi bệnh nếu bệnh sau ngày thứ 10 mà không xuất hiện dấu hiệu nặng lên”, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay.
Đinh Kim(T/h)