(ĐSPL) - Ngày 23/6, người dân Anh sẽ đi bỏ phiếu quyết định nước này "đi hay ở lại" Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Anh và EU sẽ không thể còn gắn bó.
TTXVN dẫn tin nhật báo "The Wall Street Journal" của Mỹ vừa đánh giá rằng dù nước Anh ra đi hay ở lại, EU vẫn sẽ thay đổi. Tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Anh David Cameron đã ký một thỏa thuận với các nước còn lại trong EU về việc hạn chế phúc lợi dành cho người nhập cư và tách nước Anh khỏi nỗ lực chung của cả khối nhằm hình thành một "liên minh gắn kết hơn bao giờ hết".
Một số chính khách châu Âu cũng cam kết với cử tri là sẽ học tập những nỗ lực của ông Cameron nhằm giảm bớt quyền lực của EU, đồng thời tiến hành trưng cầu dân ý ở nước họ.
Giới trẻ tại Anh tham gia vận động ở lại EU tại thủ đô London ngày 21/6. - Ảnh: AFP/TTXVN |
Giới phân tích cũng cho rằng cuộc trưng cầu dân ý ở nước Anh, dẫu cho kết quả có thế nào đi nữa, cũng là cơ hội để thúc đẩy một hiệp ước EU mới với kết cấu hai lớp - gồm những quốc gia chủ chốt gắn kết nhiều hơn và các quốc gia ngoại vi chưa gắn kết.
Nếu người dân Anh bỏ phiếu đòi rút khỏi EU, điều này sẽ dẫn tới những thay đổi lớn, cùng với nhiều bất ổn. Các câu hỏi đặt ra là về thời điểm và thời gian kéo dài các cuộc đàm phán, tác động đối với Chính phủ Anh và dạng quan hệ mà nước Anh muốn có với EU sau khi không còn là thành viên của khối.
Cựu Ngoại trưởng Anh David Owen, người ủng hộ việc Anh rời khỏi EU, cho rằng quyết định rời khỏi EU có thể kết thúc bằng một cuộc "ly hôn thân ái", trong đó nước Anh sẽ lặng lẽ rời xa một EU mà ông cho là đang có xu hướng liên bang hóa.
Theo Trí Thức Trẻ, hiện tại, áp lục về những cuộc trưng cầu dân ý đang qua eo biển nước Anh để tới phần còn lại của châu Âu. Một cuộc thăm dò của Ipsos MORI tháng trước đã cho thấy 55\% cử tri Pháp và 58\% cử tri Ý muốn những cuộc trưng cầu dân ý của riêng họ.
Sự giận dữ gia tăng đối với EU là sản phẩm của nhiều khuyến điểm, từ khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao đến tính toán sai phản ứng của Nga và khủng hoảng tị nạn.
Trong khi đó, những người ủng hộ EU đôi khi phải gắng sức làm sao cho vừa lòng mọi người, cả những người có tư tưởng đối lập, đồng thời vẫn phải đạt được lợi ích. Một trong các khó khăn đó là do mối liên minh đã quá lớn, đa dạng và không còn một điểm thống nhất.
Một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew vừa công bố cho thấy ở nhiều nước, tỷ lệ không tán thành việc ở lại trong EU cao bằng hoặc thậm chí "nhỉnh hơn" cả việc ở lại. Tại Hà Lan, tỷ lệ này là 46\%, ở Đức và Anh là 48\%; ở Tây Ban Nha là 49\%; và Pháp là 61\%.
Một số nhà ngoại giao châu Âu cũng nhận định rằng bất kỳ thỏa thuận hậu "Brexit" nào với nước Anh cũng đảm bảo rằng London sẽ không được lợi từ việc "ra đi" khỏi EU.
Không có Anh, khả năng quốc phòng, ngoại giao và an ninh của EU sẽ bị ảnh hưởng bởi hiện chỉ có Anh và Pháp có những lực lượng viễn chinh khá mạnh, có vũ khí hạt nhân và có lá phiếu phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ.
GIA BẢO(Tổng hợp)
Nguồn: Người Đưa Tin
Video tin tức được xem nhiều:
[mecloud]isJpRXIHyc[/mecloud]