(ĐSPL) - Nhiều tháng nay, người dân xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định đã làm đơn kiến nghị đến cơ quan chức năng, phản ánh họ bị “buộc” phải trả đất nông nghiệp cho dự án xây dựng nhà máy sản xuất giày do doanh nhiệp Trung Quốc thuê.
Dân bất ngờ vì phải “tự nguyện” giao đất
heo đơn gửi báo ĐS&PL, người dân xã Nghĩa An cho biết, họ được giao đất nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài với thời hạn sử dụng đất là 50 năm. Đầu năm 2016, người của công ty Bunda Footwear (trụ sở chính tại Hồng Kông, Trung Quốc) về xã hỏi mua đất sản xuất của dân để thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất giày xuất khẩu. Liên tục những ngày sau đó, công an huyện, xã cùng đại diện công ty Bunda đến từng nhà, vận động người dân bán đất.
Trong khi người dân chưa đồng thuận thì UBND xã Nghĩa An đã ký giấy mời gửi người dân tới trụ sở xã để “nhận tiền hỗ trợ do Nhà nước thu hồi đất trồng lúa cho công ty Bunda”. Loa phát thanh xã cũng liên tục yêu cầu, kêu gọi bà con lên nhận tiền. Điều đáng nói là không người dân nào được tận mục sở thị quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án của UBND tỉnh.
Người dân xã Nam Trực (Nam Định) không đồng ý trả lại đất sản xuất để phục vụ dự án Bunda. |
Khi người dân lên trụ sở xã thì công ty Bunda đưa 5 loại giấy tờ đã được soạn thảo sẵn như: Đơn xin tự nguyện trả lại đất, biên bản thỏa thận về việc tự nguyện trả lại đất để Nhà nước thu hồi đất và cho công ty Bunda thuê thực hiện dự án nhà máy sản xuất giày xuất khẩu, thông báo về giá thỏa thuận... để người dân ký vào, lấy tiền trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã.
Ông Lê Văn Nông, đại diện những hộ dân có nguy cơ bị mất đất sản xuất, cho biết: “Chính quyền đang làm mọi cách để bà con bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc. Nếu ai là đảng viên thì phải tự nguyện bán đất trước, nếu không sẽ bị gọi lên xã khiển trách. Bà con nào chưa đồng ý bán đất thì bị cán bộ xã, huyện, thậm chí cả công an vào tận nhà để tuyên truyền, vận động.
Chính quyền còn liên lạc với người nhà của hộ chưa bán đất ở xa gọi điện thoại về thuyết phục người thân bán đất. Một số trường hợp đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tận Nha Trang cũng được cán bộ địa phương vào tận đơn vị động viên để gia đình ở quê bán đất cho doanh nghiệp”.
Chính quyền trả lời tiền hậu bất nhất
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Đức Tiến – Chủ tịch UBND huyện Nam Trực cho biết: “Đầu tháng 3/2016, công ty Bunda có báo cáo về dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giày xuất khẩu ở xã Nam Cường và Nghĩa An. Ngày 13/5/2016, UBND tỉnh Nam Định có văn bản số 994/QĐ- UBND phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án xây dựng nhà máy sản xuất giày xuất khẩu tại xã Nghĩa An và xã Nam Cường. Đối với dự án này, chính quyền không thu hồi đất của dân mà do dân tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước...”.
Cũng theo ông Tiến, đến nay đã có trên 50\% người dân “tự nguyện” trả lại đất sản xuất. Và huyện vẫn tiếp tục vận động số hộ dân còn lại “tự nguyện” trả lại đất để sớm thực hiện dự án, không có việc ép buộc.
Khi PV đặt câu hỏi, ngày 13/5/2016 UBND tỉnh Nam Định mới có văn bản phê duyệt chủ trương dự án cho công ty Bunda, tại sao đầu tháng 2/2016, chính quyền huyện Nam Trực và xã Nghĩa An đã “vận động” dân “tự nguyện” trả đất, ông Tiến không trả lời.
Theo luật Đất đai, nếu người dân “tự nguyện” trả lại đất thì diện tích đất do dân trả lại sẽ được địa phương quản lý làm đất công. Diện tích đất trên, khi đã hoàn thiện việc quy hoạch sử dụng đất, có đơn vị thuê đất thì buộc phải đấu giá quyền sử dụng đất công khai. Ông Nguyễn Xuân Hưởng – Trưởng phòng TN&MT huyện Nam Trực thừa nhận quy định trên và nói công ty Bunda cũng phải tham gia đấu giá như những doanh nghiệp khác! Nếu nói như vậy trong trường hợp người dân “tự nguyện” trả lại đất thì công ty Bunda lấy tư cách gì để cầm giấy tờ, tiền xuống đưa cho dân? Và nếu người dân đã “tự nguyện” trả lại đất, sao lại phải trả tiền, lại trả chung một mức? Những vấn đề này, ông Tiến, ông Hưởng đều không trả lời được.
Báo ĐS&PL tiếp tục chuyển đến bạn đọc thông tin tiếp theo về vụ việc này.
NGUYỄN DỊU – TÂN THẮNG
[mecloud]dTWTvRaMiJ[/mecloud]