Liên quan đến vụ nữ Trưởng phòng quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk mượn bằng của chị để thăng tiến, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết sẽ xử lý kỷ luật ở hình thức cao nhất.
Hình ảnh đăng tải được cho là bà trưởng phòng Trần Thị Ngọc Thảo. Ảnh: PLO |
Liên quan đến vụ nữ trưởng phòng quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk làm giả hồ sơ, ngày 4/10, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có buổi gặp, thông tin nhanh cho báo chí.
Theo báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thượng Hải - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk - khẳng định có sai sót của các cơ quan chuyên môn trong việc thẩm tra hồ sơ xin việc của bà Trần Thị Ngọc Thảo (44 tuổi, trưởng phòng quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk).
Cũng theo ông Hải, tất cả sai sót này bắt nguồn từ khoảng 20 năm trước, năm 1999. Lúc này bà Thảo xin vào làm nhân viên tại xí nghiệp chế biến cà phê của Công ty xuất nhập khẩu cà phê 2/9 (một doanh nghiệp thuộc quản lý của Tỉnh ủy Đắk Lắk).
Lúc này, doanh nghiệp yêu cầu người lao động phải có bằng tốt nghiệp THPT nhưng bà Thảo lại chưa học, chưa có bằng. Bà Thảo trình bày giai đoạn đó do gia đình quá khó khăn, rất cần một công việc nên mới lấy bằng cấp III của chị kế của mình - tức bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (đang làm điều dưỡng ở Lâm Đồng) - để hoàn thiện hồ sơ.
Được nhận vào làm ở doanh nghiệp này, bà Thảo tiếp tục dùng bằng cấp III của chị gái để đi học trung cấp, cao đẳng rồi học từ xa tại đại học Đà Nẵng chuyên ngành kế toán (tốt nghiệp năm 2009).
Từ đầu năm 2005, do đã có các bằng cấp về kế toán, bà Thảo được nhận vào làm nhân viên kế toán tại Nhà khách tỉnh Đắk Lắk (thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk), đến năm 2007 thì phụ trách rồi tháng 10/2007 là kế toán trưởng tại đây.
"Đến năm 2009, do Văn phòng Tỉnh ủy thiếu nhân viên kế toán nên đã điều động bà Thảo từ Nhà khách tỉnh Đắk Lắk về. Đến năm 2013, bà Thảo được bổ nhiệm làm Phó phòng quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy và đến năm 2016 là trưởng phòng cho đến nay", ông Hải thông tin.
Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết thêm, vi phạm của bà Thảo là rõ ràng, cơ quan liên quan đang dự kiến quy trình thủ tục xử lý kỷ luật. Do liên quan đến đảng viên nên sẽ xử lý từ chi bộ Đảng, trách nhiệm của người giới thiệu, người đi thẩm tra lý lịch, hồ sơ kết nạp Đảng. Đồng thời, xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá trình xem xét bổ nhiệm, có đúng quy trình hay không, báo Pháp Luật TP.HCM cho biết thêm.
“Sai lầm này, bà Thảo phải trả giá và không có cơ hội để khắc phục. Bà này sẽ bị xử lý kỷ luật ở hình thức cao nhất. Chúng tôi cũng đồng thời xem xét kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan. Trách nhiệm đến đâu xử lý đến đó theo đúng quy định, không bao che” - ông Hải nói.
Được biết bà Thảo đã nghỉ phép và xin nghỉ việc nhưng đề nghị đó của bà chỉ được giải quyết khi các vi phạm được xử lý xong.
Thanh Tùng (T/h)