(ĐSPL) - "Tôi thực sự biết ơn khi trở thành nhân vật trong bức ảnh (em bé napalm) và tôi có thể tận dụng nó để đóng góp cho hòa bình", bà Kim Phúc nói.
Như đã đưa tin từ trước, Kim Phúc và nhiếp ảnh gia Nick Ut đã cùng nhớ lại những sự kiện xảy ra quanh bức ảnh về chiến tranh Việt Nam giành được giải Pulitze – “Em bé Napalm”.
[mecloud]gj464H1CzV[/mecloud]
Cô bé Kim Phúc khi ấy mới 9 tuổi đã phải chịu nỗi đau tột cùng của chiến tranh. “Tại sao lại là tôi. Tại sao tôi phải chịu đau khổ. Tôi không làm gì sai cả. tôi mới chỉ là một đứa trẻ”, bà Kim Phúc nhớ lại.
Nhiếp ảnh gia Nick Ut khi chứng kiến cảnh tượng một cô bé không mặc quần áo, vừa khóc, vừa chạy trên đường quốc lộ với cánh tay như đang bay đã tự nhủ: “Thật kinh khủng, tôi không muốn chụp thêm bức ảnh nào nữa”.
Ngay sau đó, Nick Ut đưa Kim Phúc cùng những đứa trẻ bị thương khác đến bệnh viện. Sau khi bức ảnh được gửi đi, ngày hôm sau, nó đã xuất hiện trên trang nhất các báo trên toàn thế giới.
Bà Phan Thị Kim Phúc và tấm ảnh Em bé napalm cách đây hơn 40 năm. (Ảnh: CNN). |
Với “em bé Napalm” Kim Phúc, nỗi đau vẫn còn, ký ức vẫn còn nhưng trái tim đã được chữa lành. “Thông điệp tôi muốn gửi tới những ai đang xem bức ảnh đó là đừng chỉ nhìn thấy cảnh một cô bé đang khóc trong đau đớn, sợ hãi. Đừng chỉ nhìn cô ấy là biểu tượng chiến tranh. Hãy nhìn cô ấy như một biểu tượng hòa bình".
Trên CNN, bà Kim Phúc nói: "Tôi vẫn nhớ như in ngày kinh hoàng mà chúng tôi chạy thoát khỏi cái chết".
Trải qua một thời gian dài dấu tranh nội tâm, Kim Phúc nhận ra, nếu các phóng viên không kịp thời ghi lại nỗi đau của bà cũng như sự thực kinh hoàng của vụ đánh bom, thì tội ác này sẽ bị quên lãng theo dòng chảy lịch sử.
Từ đó, bà bắt đầu suy nghĩ nhiều về những hiệu quả mà tấm ảnh có thể mang lại, hơn là những gì nó đã cướp đi của bà và bà gọi đó là "con đường đến hòa bình".
[mecloud]CDtueS3nwo[/mecloud]
Ngoài vai trò một người mẹ, bà Kim Phúc còn là cố vấn, đại sứ thiện chí của Liên Hợp Quốc. Mỗi năm, bà di chuyển liên tục, đi đến nhiều nơi để kể về câu chuyện sống sót của bản thân, từ đó giúp mọi người hiểu rõ về bản chất tàn bạo của chiến tranh.
Bên cạnh đó, bà Kim Phúc còn thành lập một quỹ từ thiện mang tên bà để giúp đỡ trẻ em tại những quốc gia đang xảy ra chiến sự. Bà dùng khoản tiền quyên góp để xây dựng bệnh viện, trường học và nhà cho trẻ mồ côi.
"Tôi thực sự biết ơn khi trở thành nhân vật trong bức ảnh (em bé napalm) và tôi có thể tận dụng nó để đóng góp cho hòa bình", Kim Phúc chia sẻ.
Sau khi được phóng viên ảnh Nick Ut sơ cứu và đưa đến bệnh viện, Kim Phúc ở lại bệnh viện để điều trị trong hơn một năm. Gia đình từng lo lắng Kim Phúc sẽ không qua khỏi nhưng bà kiên cường chịu đựng rất nhiều cuộc phẫu thuật và ghép da.
Đến khi những tổn thương thể chất bình phục thì bà vẫn chưa thể tìm lại sự thanh bình trong tâm hồn. Đã có lúc bà muốn biến mất, thậm chí ước rằng mình có thể chết đi bởi bà tin cái chết sẽ giúp bà không còn phải chịu đựng những tổn thương đó.
Đến một ngày, bà nhận ra phải tiếp tục sống, bà muốn sinh con để có một gia đình nhỏ của riêng mình. "Từ đó, tôi bắt đầu học cách tha thứ", Kim Phúc nói.
Đối với bà Kim Phúc, bức ảnh từng là nỗi ám ảnh này giờ đã là "một trong những những điều phước lành của tôi".
"Tôi cảm ơn cuộc sống vì đã không cướp đi tính mạng của tôi. Dù chuyện gì đã xảy ra với tôi, tôi vẫn có cơ hội để sống tiếp, một cách khỏe mạnh, để giúp đỡ những người khác", bà Phúc chia sẻ.
LINH SAN(Tổng hợp)