Một phụ nữ Mỹ sinh ra không có tử cung đã hạ sinh một em bé nhờ vào tử cung cấy ghép. Cô là người phụ nữ đầu tiên ở Mỹ sinh con bằng phương pháp này.
Lần đầu tiên ở Hoa Kỳ, một phụ nữ không có tử cung đã sinh con tại Trung tâm Y tế Đại học Baylor ở Dallas, bang Texas, Mỹ nhờ phương pháp cấy ghép tử cung. Bệnh viện là một phần của hệ thống chăm sóc y tế không lợi nhuận Baylor Scott & White.
Các bác sĩ của Baylor Scott & White đã đăng tải đoạn phim về ca sinh kỳ diệu này trên Twitter.
Bác sĩ Liza Johannesson của Baylor Scott & White cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị rất lâu để thực hiện được cuộc phẫu thuật này. Mọi người đều bật khóc khi đứa bé được sinh ra”.
Bác sĩ Giuliano Testa, trưởng nhóm thực hiện cuộc thử nghiệm, nói với Time: “Cuộc phẫu thuật ghép tử cung được thực hiện cả ngày”.
Em bé được sinh ra nhờ phương pháp cấy ghép tử cung. |
Bệnh viện cho biết vào tháng 10/2016, có bốn phụ nữ đã được ghép tử cung nhưng ba trong bốn phụ nữ này đã phải cắt bỏ tử cung ghép này vì lưu lượng máu chảy đến tử cung này không được nhiều.
Mặc dù danh tính người mẹ cũng như thông tin về em bé không được tiết lộ nhưng tờ Time cho biết người hiến tặng tử cung là nữ y tá Taylor Siler, 36 tuổi – một bà mẹ đã có 2 con ở Dallas. Các bác sĩ đã mất khoảng năm giờ để lấy tử cung khỏi người hiến, sau đó lại thêm năm tiếng nữa để cấy ghép nó vào người nhận. Nghiên cứu lâm sàng sử dụng tử cung của cả những người hiến tạng sống và đã mất.
Cho đến nay, bệnh viện đã hoàn thành 8 trên 10 ca cấy ghép. Mặc dù 3 ca trong số đó đã buộc phải gỡ bỏ tử cung do bị chảy máu quá nhiều, may mắn vẫn có một ca thành công.
Cuộc thử nghiệm đầu tiên đã được thực hiện ở Thụy Điển và đến năm ngoái, đã có năm em bé đã được sinh ra từ tử cung cấy ghép.
Hiệp hội Y học Sinh sản Mỹ cho rằng, em bé sinh ra tại hệ thống Baylor Scott & White là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử y học sinh sản, mang đến một hy vọng mới cho những phụ nữ không có tử cung. Cấy ghép tử cung là cách duy nhất để giúp họ mang thai.
Hiện tại, phương pháp cấy ghép tử cung rất tốn kém - lên tới 500.000 đô la. Hiệp hội đang kêu gọi các chuyên gia xây dựng các phác đồ để thực hiện dịch vụ này.
Mỹ An (T/h)